23/09/2022 09:46
Cái giá phải trả cho châu Âu khi trừng phạt Nga
Theo nhật báo Le Soir (Bỉ), 6 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn chưa ngăn được cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp sâu rộng như loại Ngân hàng trung ương Nga và các ngân hàng lớn của nước này khỏi hệ thống tài chính, đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng hàng không.
Đồng thời, EU đã quyết định giảm mua dầu của Nga tới 90% vào cuối năm nay và các sản phẩm tinh chế vào đầu năm sau. Nhiều biện pháp cũng được thực hiện nhằm chống lại các nhà tài phiệt thân cận với chính quyền Putin.
Không có hiệu ứng "sốc"
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không đủ sức khiến cho nền kinh tế Nga sụp đổ. EU vẫn đang tính đến việc làm giảm 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm nay. Tuy nhiên, tháng 7/2022, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo của mình. Theo đó, GDP của Nga sẽ giảm 6% trong năm nay, chứ không phải 8,5% như dự kiến hồi tháng 4. Về phần mình, Ngân hàng trung ương Nga dự đoán GDP sẽ giảm từ 4% đến 6%.
Tuy nhiên, trước khi khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Nga có thể đã hy vọng đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan – ở mức 3% – trong năm nay như dự báo của IMF đầu tháng 2.
Cuối cùng, GDP sẽ giảm mạnh, nhưng sự suy giảm về hoạt động kinh tế sẽ thấp hơn nhiều so với ước tính ban đầu. Trong khi 1.000 công ty phương Tây, chiếm 40% GDP, giảm quy mô hoạt động ở Nga (thay vì rút lui hoàn toàn), thì các công ty khác lại bán tài sản cho các nhà đầu tư địa phương để duy trì hoạt động của những tài sản đó.
"Thả mồi bắt bóng"
Trong 3 tuần đầu sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và loạt lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây, đồng ruble mất một nửa giá trị so với đồng USD. Tuy nhiên, Nga không chỉ bù đắp được khoản lỗ mà còn nâng giá đồng ruble.
Đồng thời, trong khoảng thời gian từ tháng 1-4/2022, thặng dư thương mại của Nga tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021. Có nên coi đây là thất bại của các biện pháp trừng phạt hay không? Nếu câu trả lời là "có", thì đó là cái giá của việc "thả mồi bắt bóng".
Thặng dư thương mại của Nga tăng là do thu nhập từ xuất khẩu và giá năng lượng tăng, cũng như do nước này giảm nhập khẩu từ phương Tây và nhiều nước khác như Trung Quốc (vốn chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga).
Việc đồng tiền của Nga tăng giá chỉ là một trong những biểu hiện của xu thế này, nhất là khi Moskva đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn và yêu cầu các bên mua ở châu Âu phải trả tiền khí đốt bằng đồng ruble.
Theo bà Agnès Bénassy-Quéré, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Pháp, Nga đang tích lũy quá nhiều ngoại tệ so với nhu cầu của mình, vì nước này không còn có thể sử dụng ngoại tệ để mua hàng hóa, dịch vụ và tài sản tài chính ở nước ngoài.
Tính hữu dụng của đồng ruble đã giảm đáng kể khi nhập khẩu bị hạn chế – sức mua bên ngoài của đồng tiền này chỉ mang tính lý thuyết vì Nga không thể sử dụng đồng ruble để mua hàng hóa từ các nước tiên tiến.
Hiệu quả lâu dài
Mục đích của các biện pháp trừng phạt là ngăn chặn các quốc gia mục tiêu mua sắm những mặt hàng mà họ không thể sản xuất hoặc sản xuất không đủ để phục vụ cho cuộc chiến của họ. Nói cách khác, thặng dư thương mại không hẳn là dấu hiệu bên ngoài của sự giàu có hay ổn định của nền kinh tế, nhất là với nền kinh tế Nga.
Mới đây, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, nhấn mạnh cùng với việc xuất khẩu nguyên liệu thô chưa qua chế biến, Nga phải nhập khẩu nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc hàm lượng công nghệ cao.
Tất nhiên, nước này có thể hạn chế ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt bằng cách thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm nội địa. Trên thực tế, Nga đã thực hiện điều này và đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực nông nghiệp sau lệnh trừng phạt năm 2014. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm công nghệ cao, việc thay thế nhập khẩu khó khăn hơn nhiều khi 45% sản phẩm công nghệ cao ở Nga đến từ châu Âu, 21% đến từ Mỹ và 11% đến từ Trung Quốc.
Nói cách khác, không nên mong đợi một hiệu ứng tức thì. Tuy nhiên, về lâu dài, các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp của Nga. Josep Borrell cảnh báo: "EU phải thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược. Cuộc chiến sẽ còn kéo dài".
"Vàng đen" của Putin
Trong một chuyên mục đặc biệt của tờ L'Echo, ông Mohamed El- Erian, Chủ tịch trường Queen's College thuộc Đại học Cambridge và là cựu Phó Giám đốc IMF, nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt sẽ còn gây tổn thất hơn nữa cho Nga nếu phương Tây không buông tha ngành năng lượng của nước này và nếu có nhiều quốc gia nữa tham gia nỗ lực của Mỹ và châu Âu.
Việc một số cường quốc mới nổi kiên quyết từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế hiệu quả của chúng. Josep Borrell nói tiếp: "Nga vẫn có thể theo đuổi thương mại thông qua nhiều kênh khác nhau mà có thể sẽ trở nên quan trọng chừng nào chế độ trừng phạt vẫn còn giữ hiệu lực".
Điều này đặc biệt đúng với "vàng đen". Trong báo cáo tháng gần đây nhất, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) lưu ý việc Nga cắt giảm sản lượng ít hơn so với dự kiến ban đầu. Trong khi sản lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm gần 2,2 triệu thùng/ngày kể từ khi chiến tranh bắt đầu, thì việc chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác, đã giúp giảm thiểu thiệt hại ở thượng nguồn chuỗi cung ứng.
Tháng 7/2022, sản lượng dầu của Nga chỉ thấp hơn 310.000 thùng/ngày so với mức 11,1 triệu thùng/ngày trước chiến tranh, trong khi tổng xuất khẩu chỉ giảm 580.000 thùng/ngày.
Nói cách khác, Nga đã tìm thấy thị trường mới, ban đầu bằng cách bán bớt "vàng đen". Tuy nhiên, theo Bloomberg và Reuters, thời kỳ Nga vẫn bán được hàng sắp kết thúc. Tại châu Á, dầu thô Siberia của Nga một lần nữa sẽ được giao dịch ngang giá với dầu thô Dubai, tiêu chuẩn dầu trong khu vực. Bloomberg nhận xét: "Điện Kremlin đã lấy lại quyền định giá, tận dụng sự gia tăng lợi thế trên thị trường".
OPEC+, tổ chức quy tụ 24 quốc gia sản xuất dầu (trong đó có Nga) và vẫn giữ được sự thống nhất cho đến thời điểm này, gần đây đã tuyên bố chỉ tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Đây được cho là một cử chỉ mang tính biểu tượng, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Saudi Arabia.
Phải thừa nhận rằng lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ của Nga sẽ buộc Nga phải tìm các nơi khác để bán thêm 1,3 triệu thùng/ngày. Nhưng theo IEA, OPEC+ khó có thể tăng sản lượng đáng kể trong những tháng tới.
Điều gì đúng với "vàng đen" cũng đúng với nhiều nguyên liệu thô khác. Xét theo tỷ giá hối đoái hiện tại, quy mô nền kinh tế Nga có phần lớn hơn nền kinh tế Tây Ban Nha và bằng một nửa nền kinh tế Đức, nhưng điều này chưa phản ánh chính xác vị trí của Nga trong nền kinh tế toàn cầu.
Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và là một trong những nhà sản xuất hàng đầu đối với nhiều loại nông sản khác như lúa mạch, kiều mạch, yến mạch, lúa mạch đen hoặc hạt hướng dương. Đây cũng là một trong những nhà sản xuất bạch kim, coban, vàng, nickel, bạc, phosphate và đất hiếm lớn nhất thế giới. Tóm lại, Nga được xem là một trong những nhà sản xuất lớn của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng.
Vì vậy, trong khi các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ đối với Nga không hiệu quả trong việc cô lập Putin trên mặt trận ngoại giao, như giáo sư Tanguy Struye thuộc Đại học Louvain (Bỉ) đã lưu ý, thì chúng vẫn có tác động nhất định trong lĩnh vực kinh tế. Và phương Tây sẽ phải tăng cường nỗ lực để ngăn cản Bắc Kinh, Delhi và Ankara giúp Moskva vượt qua các lệnh trừng phạt.
Putin có thể cắt khí đốt đến châu Âu?
Mohamed El-Erian không phải là nhà quan sát duy nhất chỉ ra một yếu tố khác hạn chế hiệu quả của các lệnh trừng phạt của phương Tây: Châu Âu tiếp tục nhập khẩu than (cho đến đầu tháng 8/2022), dầu và khí đốt của Nga.
Trả lời phỏng vấn của Financial Times, chuyên gia kinh tế Oleg Utsenko cho rằng Mỹ, Anh và EU đều phải chịu trách nhiệm về việc không áp đặt một lệnh cấm vận thực sự đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt, dầu và than của Nga. Tổng thống Zelensky cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là "viển vông".
Sự phụ thuộc đáng kể vào nhiên liệu hóa thạch của Nga chính là "gót chân Achilles" của châu Âu. Trước khi diễn ra cuộc chiến ở Ukraina, 56% lượng khí đốt tự nhiên, 36% lượng than và 30% lượng dầu của châu Âu đến từ Nga.
Phải thừa nhận rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã vạch ra kế hoạch ứng phó khi không có nhiên liệu hóa thạch của Nga trong thời gian dài, nhưng điều này là không khả thi, đặc biệt là với khí đốt. Và Vladimir Putin đã giảm lượng giao hàng. Liệu ông có thể cắt khí đốt đến châu Âu trước mùa Đông hay không?
Theo kịch bản này, EU không chỉ đối mặt với giá cao mà còn rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng tới mức buộc phải cung cấp khí đốt cho các doanh nghiệp và có lẽ là cả các hộ gia đình. Hiện vẫn chưa rõ lượng cung cấp là bao nhiêu, nhưng điều này sẽ dẫn đến việc đóng cửa một phần các ngành sản xuất như ở Đức và mở rộng ra là các nước láng giềng, đặc biệt là Bỉ. Kết quả là suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Theo các nhà kinh tế của IMF, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech, Italy và nhiều nước khác. Trong trường hợp không có sự đoàn kết của châu Âu, GDP của các nước ở châu lục này sẽ giảm tới 6%. Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh EU có thể hạn chế thiệt hại nếu họ biết cách thể hiện sự đoàn kết.
Tờ Financial Times cũng nhận định: "Suy thoái là không tránh khỏi, nhưng ở châu Âu, điều này sẽ không diễn ra lâu. Thậm chí một số nhà kinh tế học cảm thấy khó có thể đưa ra một ước tính nghiêm túc". Và đây là thách thức: Việc chứng minh hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đòi hỏi phải có thời gian.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement