04/09/2022 06:39
Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: EU sẵn sàng ứng phó, Ukraina cung cấp điện cho Đức
Liên minh châu Âu đã "sẵn sàng phản ứng" trước quyết định của Nga về việc ngừng cung cấp khí đốt cho khối này, một quan chức hàng đầu của EU nói hôm thứ Bảy (3/9). Trong khi đó, Kyiv tuyên bố sẵn sàng cung cấp điện hạt nhân của mình cho Đức trong thời gian tới.
Nga dừng cung cấp khí đốt vô thời hạn cho châu Âu
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của nhà nước Nga hôm thứ Sáu đã tuyên bố ngừng vô thời hạn các dòng khí đốt đến châu Âu qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1, với lý do cần phải sửa chữa bổ sung.
Động thái này được đưa ra sau khi công ty này tạm dừng cung cấp khí đốt cho lục địa già vào tuần trước với lý do"ngừng bảo trì" theo kế hoạch và việc dừng cung cấp này dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 3 tháng 9.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng Nga sẽ tôn trọng các hợp đồng mà họ có nhưng ngay cả khi việc vũ khí hóa năng lượng sẽ tiếp tục hoặc sẽ tăng lên để phản ứng với các quyết định của chúng tôi, tôi nghĩ rằng Liên minh châu Âu đã sẵn sàng", Paolo Gentiloni, Ủy viên kinh tế của EU cho biết.
"Tất nhiên, chúng tôi phải tiết kiệm năng lượng, chúng tôi phải chia sẻ năng lượng, chúng tôi có mức lưu trữ cao và chúng tôi không sợ các quyết định của ông Putin", Gentiloni nói tại Diễn đàn Ambrosetti đang diễn ra tại Ý.
"Chúng tôi đã yêu cầu ông Putin tôn trọng hợp đồng nhưng nếu Nga không tôn trọng thì chúng tôi sẵn sàng phản ứng", ông nói mà không nêu chi tiết chính xác.
Gazprom cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng, các nhân viên của mình đã phát hiện thấy một vết rò rỉ trong đường ống.
"Việc vận chuyển khí bằng đường ống dẫn khí Nord Stream đã bị dừng hoàn toàn cho đến khi các vấn đề về hoạt động của thiết bị được loại bỏ", thông báo cho biết.
Việc ngừng cung cấp khí đốt diễn ra sau một mùa Hè đầy biến động giữa Nga và EU khi cuộc chiến ở Ukraina tiếp diễn, với việc Nga bị cáo buộc "vũ khí hóa" nguồn cung cấp khí đốt cho các nước láng giềng châu Âu nhằm gây áp lực buộc khối này phải giảm nhẹ lệnh trừng phạt. Nga phủ nhận việc sử dụng năng lượng làm vũ khí.
Gazprom đã nhiều lần nói rằng các lệnh trừng phạt đang ngăn cản công ty duy trì và vận hành đường ống một cách hiệu quả và đã làm giảm lượng khí lưu thông qua đường ống xuống khoảng 20% công suất.
Quyết định của Gazprom được đưa ra vài giờ sau khi Nhóm 7 cường quốc kinh tế (G7) nhất trí về kế hoạch áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga trong một nỗ lực nhằm hạn chế doanh thu từ dầu của Moscow.
Việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga khiến EU rơi vào tình thế ngặt nghèo khi khu vực này chuẩn bị bước vào mùa Thu và mùa Đông.
Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraina, EU đã tìm cách giảm và loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Tuy nhiên, trong khi tìm kiếm các nguồn cung thay thế, EU vẫn phụ thuộc phần nào vào những nguồn cung cấp từ Nga.
Khối này trước đó đã kêu gọi tất cả các thành viên tự nguyện giảm mức tiêu thụ khí đốt tương ứng của họ xuống 15% vào mùa Thu và qua các tháng mùa Đông.
Phát biểu tại Diễn đàn Ambrosetti, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham cho rằng tình trạng thiếu năng lượng dự kiến vào mùa Đông tới là "rất bất tiện cho châu Âu" tuy nhiên, cũng theo ông đây không phải là "lần đầu tiên người dân châu Âu phải gánh chịu sự vì sự tự do của họ".
"Đây là những gì tôi muốn nói với những người bạn châu Âu của tôi: Chúng tôi sẽ làm việc với các bạn để tìm ra các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga và việc đến đích càng sớm thì thế giới càng an toàn và châu Âu sẽ ổn định hơn", ông nói.
"Cú đánh lớn nhất vào cỗ máy chiến tranh của ông Putin sẽ là sự độc lập về năng lượng của châu Âu. Ngày bạn đạt được điều đó thì ông Putin sẽ trở thành cái vỏ của con người trước đây của ông ta".
Kyiv cung cấp năng lượng hạt nhân cho Đức
Liên quan đến vấn đề năng lượng cho châu Âu, mới đấy, Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal cho biết đã đề xuất xuất khẩu điện từ các nhà máy điện hạt nhân của mình sang Đức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra gay gắt.
"Hiện tại, Ukraina đang xuất khẩu điện sang Moldova, Romania, Slovakia và Ba Lan. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng mở rộng xuất khẩu sang Đức", Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal nói với hãng tin dpa hôm thứ Bảy (3/9).
Vấn đề này sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Shmyhal tới Berlin vào cuối tuần, nơi ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Olaf Scholz".
Tiêu thụ điện ở Ukraina đã giảm kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga vào nước này vào cuối tháng 2 do làn sóng di cư ồ ạt của người dân và sự suy thoái kinh tế.
TT Shmyhal nói rằng một thỏa thuận như vậy "sẽ rất tốt cho cả hai bên".
"EU sẽ nhận được nhiều năng lượng hơn và chúng tôi sẽ nhận được ngoại tệ mà chúng tôi cần khẩn cấp", Thủ tướng Shmyhal nói.
Ukraina vận hành 4 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất hơn 14 gigawatt.
Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại việc Nga chiếm được cơ sở Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - có thể dẫn đến một tai nạn nghiêm trọng nếu chiến tranh gia tăng.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thảo luận về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
"EU hoàn toàn ủng hộ công việc và nỗ lực của IAEA. Sự can đảm và chuyên nghiệp của họ trong việc hoàn thành sứ mệnh đầu tiên tới ZNPP thật ấn tượng", Michel viết trên Twitter.
Ông cũng nói thêm rằng "đảm bảo an ninh và an toàn hạt nhân là chìa khóa" và "sự hiện diện tiếp tục của IAEA tại nhà máy là cần thiết".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement