10/09/2023 11:46
Áp lực kiểm soát lạm phát không lớn, nhưng chưa thể chủ quan
Theo diễn biến lạm phát 8 tháng đầu năm và dự đoán các yếu tố tác động những tháng còn lại, có thể thấy, áp lực kiểm soát lạm phát theo mục tiêu cả năm (khoảng 4,5%) không lớn, nhưng chưa thể chủ quan.
Áp lực không lớn
Diễn biến lạm phát 8 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tháng sau so với tháng trước, số tháng tăng cao ít hơn số tháng tăng thấp và giảm (3/8), chỉ có tháng 8 tăng cao. So với tháng 12 năm trước, các tháng từ 1 - 7 đều ở mức thấp, chỉ có tháng 7, tháng 8 mới cao. Dù các tháng sau có tăng cao, thì đến tháng 12/2023 vẫn sẽ thấp xa so với 4,5%.
Lạm phát các tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm; tháng 7, tháng 8 và các tháng tới có xu hướng tăng cao hơn, nhưng tính đến tháng 12/2023 cũng sẽ thấp xa so với 4,5%. Bình quân kỳ này so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần, nay cách xa hơn mục tiêu cả năm. Từ các tháng tới, có thể sẽ cao dần lên, nhưng cũng sẽ thấp hơn mục tiêu cả năm.
Dưới góc độ nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng bình quân 8 tháng so với cùng kỳ, trong 11 nhóm, có 6 nhóm tăng cao hơn, 3 nhóm tăng thấp hơn, 2 nhóm giảm.
Dưới góc độ các yếu tố tác động, áp lực đối với lạm phát không lớn. Yếu tố tổng quát là quan hệ giữa tổng cung, tổng cầu. Tăng trưởng GDP 6 tháng là 3,72%, trong khi tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 2,68%, tích lũy tài sản chỉ tăng 1,15%, trong khi xuất siêu 6 tháng lên đến 12,844 tỷ USD (8 tháng còn lên đến 20,190 tỷ USD), nhờ nhập khẩu giảm sâu (6 tháng giảm 18,4%, 8 tháng giảm 16,2%).
Quan hệ cung - cầu của một số ngành, sản phẩm cụ thể đã xuất hiện cung lớn hơn cầu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tuy tăng khá (10%), nhưng bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 8,7%; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%, thấp xa với tốc độ tăng của cùng kỳ (15,1%). Tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng” xuất hiện và gia tăng trong thời kỳ đại dịch vẫn còn kéo dài.
Yếu tố tác động mạnh trong 6 tháng năm trước là giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao (8,03%), gây ra trạng thái nhập khẩu lạm phát; năm nay ngược lại giảm 4,41%, do cầu ở nước ngoài giảm, 8 tháng đầu năm nay vẫn còn giảm.
Về tài khóa, tiền tệ tuy chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, nhưng mới bước đầu; các doanh nghiệp vẫn yếu, nên tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn.
Không thể chủ quan
Tổng cầu trong nước có xu hướng hồi phục, nhất là đầu tư , đầu tư công. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng mới đạt 49,4% kế hoạch năm; lượng vốn còn lại lên đến 360.600 tỷ đồng, bình quân 1 tháng giải ngân lên đến 90.200 tỷ đồng, trong khi bình quân 1 tháng trong 8 tháng đầu năm mới giải ngân 44.000 tỷ đồng.
Lượng vốn đầu tư công tăng là “vốn mồi” kéo theo một lượng vốn không nhỏ của các nguồn khác tăng đầu tư. Tiêu dùng cuối cùng sẽ tăng khi lương cơ sở của công chức, viên chức, người về hưu tăng; các doanh nghiệp tăng khởi nghiệp và quay trở lại hoạt động, giảm phá sản, giảm tạm ngừng hoạt động, giảm tạm ngừng kinh doanh, góp phần tăng thu nhập của người lao động…
Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đã chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng và tiếp tục được nới lỏng với liều lượng mạnh hơn, dài hơn, các giải pháp được kết hợp đồng bộ hơn… sẽ tác động đến tổng cầu, tạo sức ép lớn hơn đến lạm phát.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ dừng tăng lãi suất cơ bản, thậm chí giảm để góp phần hồi phục tăng trưởng, giá cả thế giới không còn giảm, thậm chí tăng dần, nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên, tạo thêm sức ép với lạm phát ở trong nước.
Các kịch bản về tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2023 do Bộ Tài chính đưa ra đề cập kịch bản cao (4,8%) - cao hơn mục tiêu - từ cách đây mấy tháng cũng cảnh báo việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu cả năm. Bên cạnh đó, giá lương thực xuất khẩu tăng, nhiều loại giá khác đang trong xu hướng tăng cao, như điện, nước, học phí…
Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cần cẩn trọng với sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa, nhất là sự chuyển dịch dòng tiền từ chứng khoán, trái phiếu, vàng, bất động sản … sang hàng tiêu dùng. Cẩn trọng trong điều chỉnh giá về liều lượng, thời gian để tránh sự cộng hưởng…
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement