19/04/2023 08:01
Ba nhân tố quan trọng khiến thời kỳ 'lạm phát thấp' khó quay trở lại
Theo báo Liên hợp buổi sáng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) đã mô tả lạm phát tăng mạnh vào năm 2021 là hiện tượng “nhất thời”.
Trong 20 năm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, mối lo ngại chủ yếu của Fed là lạm phát không đủ. Nói cách khác, mỗi khi thị trường có dấu hiệu ám chỉ các hoạt động kinh tế có thể chậm lại, Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ với biên độ lớn.
Trong tương lai gần, lạm phát có thể sẽ giảm xuống, trong bối cảnh tình hình của các ngân hàng nhỏ của Mỹ tiếp tục không sáng sủa có thể sẽ ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng, ngân hàng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay, cộng thêm nút thắt chuỗi cung ứng dần nới lỏng và giá hàng hóa giảm.
Năm 2022, Trung Quốc mạnh tay nới lỏng hạn chế đi lại, giúp xoa dịu tình trạng tắc nghẽn nguồn cung. Điều này cũng làm tăng mạnh nhu cầu, từ đó góp phần thúc đẩy lạm phát toàn cầu. Câu hỏi phải đối diện trong ngắn hạn là tốc độ suy giảm của lạm phát nhanh như thế nào và Fed sẽ ứng phó ra sao trong bối cảnh kinh tế suy yếu và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của Fed.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, triển vọng dài hạn của lạm phát có thể nói là quan trọng hơn. Liệu thế giới có thể quay trở lại "trạng thái bình thường cũ" lạm phát thấp và ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ hay không? Hay đây là một "trạng thái bình thường mới", và đối phó với lạm phát sẽ trở thành trọng điểm của Fed? Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, xuất phát từ ba nhân tố quan trọng sau đây, khả năng quay trở lại thời kỳ môi trường "lạm phát thấp" là rất thấp.
Một trong những nhân tố dẫn đến "lạm phát thấp" là tiến trình toàn cầu hóa tăng tốc sau khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào thập niên 1970, bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 và Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Ba sự kiện này đã thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung điều chỉnh phương hướng đầu tư và sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả chi phí.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy, mặc dù tổng kim ngạch thương mại không hề suy giảm, nhưng vai trò của thương mại trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bắt đầu giảm xuống. Hơn nữa ngày càng nhiều trường hợp "friendshoring" (chuyển sản xuất đến những nước thân thiện) hoặc "nearshore outsourcing" (sản xuất ở các nước láng giềng) xuất hiện. Những xu hướng này dường như sẽ không đảo ngược trong ngắn hạn, đồng nghĩa với việc lạm phát có thể sẽ cao hơn mức của 30 năm qua.
Nhân tố thứ hai có thể thúc đẩy lạm phát lên cao là động lực thực hiện trung hòa carbon. Mặc dù thế giới có đầy đủ lý do để tin rằng chi phí gia tăng của năng lượng xanh và quy trình sản xuất sẽ giảm xuống, nhưng chúng sẽ không thể mất đi. Quy mô đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để đạt đến mục tiêu phát thải bằng 0 là rất lớn, điều này có thể gây nên áp lực tăng giá cho các loại nguyên vật liệu và nguyên tố đầu vào.
Nguyên nhân cuối cùng khiến lạm phát gia tăng là sự già hóa của dân số toàn cầu. Tiến trình đô thị hóa, Internet phổ cập, cộng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục của mọi người gia tăng khiến cho tỷ lệ sinh của toàn cầu giảm xuống. Điều này dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động toàn cầu suy giảm, đồng thời có thể mang lại cho người lao động khả năng thương lượng lớn hơn để tăng lương.
Do đó, năm 2023 và thậm chí đến đầu năm 2024, mặc dù lạm phát có thể sẽ quay trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, nhưng rủi ro lạm phát trong 10 năm tới và sau đó nhiều khả năng sẽ gia tăng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc các ngân hàng trung ương quản lý chính sách tiền tệ như thế nào.
Từ trước đến nay, các ngân hàng trung ương đều nỗ lực tránh vòng tuần hoàn luẩn quẩn giữa gia tăng nợ và lạm phát. Triển vọng trong tương lai, các ngân hàng trung ương có thể sẽ thận trọng hơn đối với nguy cơ gia tăng lạm phát, đồng thời không sẵn sàng giải cứu thị trường mỗi khi xuất hiện rủi ro.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp