20/10/2022 08:45
Vì sao ông Tập Cận Bình cần 'chip điện tử'?
Ở góc độ nào đó, nền kinh tế Trung Quốc - gồm cả nền kinh tế chiến lược - phụ thuộc vào Đài Loan đến mức hệ thống tên lửa, hạ tầng mạng, hệ thống vũ khí tích hợp, cũng như lĩnh vực công nghệ của nước này sẽ nhanh chóng tan rã nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan.
Tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới Đài Bắc, một chuyến công du không phải là bình thường - và khiến người ta không khỏi nhớ đến chuyến thăm Bosnia và Herzegovina hồi tháng 6/1914 của Công tước Ferdinand.
Việc Công tước bị ám sát đã châm ngòi Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Chuyến thăm của Pelosi được dư luận theo dõi sát sao với lo ngại về nguy cơ tái diễn thảm họa hơn một thế kỷ trước.
Xét cho cùng, Trung Quốc đã đe dọa toàn bộ thế giới về Đài Loan suốt nhiều thập kỷ. Hai trong số các hòn đảo của Đài Loan nằm gần bờ biển Trung Quốc – từng là mục tiêu bị tấn công trước đó vào năm 1958. Liệu thế giới sắp chứng kiến thêm một cuộc xung đột ở Đài Loan?
Trong khi Trung Quốc và Mỹ vẫn chơi trò tâm lý, một diễn biến khác quan trọng đang nhanh chóng diễn ra ở Bắc Kinh. Chính phủ đã bãi nhiệm Tiêu Á Khánh (Xiao Yaqing), cựu Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT). Tiêu Á Khánh "ngã ngựa" vì đã thất bại trong việc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn trong nước mạnh mẽ.
Đài Loan kiểm soát 92% ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nói một cách đơn giản, chính năng lực răn đe phòng thủ "tự nhiên" của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan đã ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc.
Năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã thành lập Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Tích hợp Quốc gia hay còn gọi là "Big Fund" (NICIIF). Nhiệm vụ của quỹ này là kiến tạo ngành công nghiệp bán dẫn trong nước với vai trò bức tường thành cho tham vọng của ông Tập Cận Bình.
Quỹ bắt đầu đầy tham vọng với số vốn huy động 21,8 tỷ USD vào năm 2014, và 30,19 tỷ USD vào năm 2018 thông qua tài trợ nội bộ. Tuy nhiên, thực tế lợi nhuận lại thu được rất ít. Khi dự án khởi động vào năm 2014, sản lượng chip đáp ứng được 15,1% nhu cầu. Đến năm 2020, sản lượng chỉ đạt 15,9%, quá thấp so với mục tiêu năm 2020 mà Trung Quốc đề ra trước đó.
Lo lắng về cuộc chạy đua với thời gian, Trung Quốc đã cố gắng thâu tóm chuyên môn và công nghệ từ Đài Loan. Đài Loan đã thúc đẩy các vụ kiện gián điệp và ăn cắp công nghệ chống lại Trung Quốc.
Rõ ràng, Pelosi và người Mỹ biết Trung Quốc đang tuyệt vọng, tận dụng thực tế mà họ cho là việc Bắc Kinh không có khả năng tấn công Đài Loan và muốn khoét sâu hơn sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào công nghệ của Đài Loan.
Đối với ông Tập Cận Bình, kết quả đã thể hiện rõ ràng trong cuộc đối đầu với Đài Loan năm nay. Thực tế không hiệu quả như những tuyên bố. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, do MIIT dẫn đầu, là một thảm họa. Người đứng đầu Tiêu Á Khánh đã phải ra đi.
Mỹ đang nhằm vào lĩnh vực công nghệ chiến lược của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc được cho là hậu thuẫn các mục tiêu chiến lược của chính phủ bằng cách cung cấp thông tin về công ty, công nghệ,...
Huawei có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và quân đội Trung Quốc hơn hầu hết các doanh nghiệp khác và kết quả là liên tiếp trong năm 2021 và 2022, họ lần lượt phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ và Canada.
Năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các hạn chế đối với ngành xuất khẩu chip điện tử. Người kế nhiệm, Tổng thống Joe Biden, sau đó đã ký thỏa thuận xây dựng liên minh bán dẫn "Chip4" với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc càng siết chặt nguy cơ tiếp cận công nghệ này của Trung Quốc.
Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FDPR) được chính phủ Mỹ ban hành năm 1959 bảo vệ việc kinh doanh các công nghệ tại Mỹ đã được khôi phục. Theo FDPR, chính phủ Mỹ có thể kiểm soát việc buôn bán các sản phẩm được sản xuất ở nước khác, nếu sản phẩm đó được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ. Vì vậy, TSMC, công ty bán dẫn Đài Loan sử dụng công nghệ của Mỹ, đã bị cấm cung cấp chất bán dẫn cho Huawei, mặt hàng mà doanh nghiệp này cần để sản xuất điện thoại.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, ông đã mạnh dạn tuyên bố tham vọng chấn hưng dân tộc - biến "Giấc mộng Trung Hoa" thành hiện thực. Một năm sau, ông công bố thành lập NICIIF trị giá 150 tỷ USD để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ, bất chấp sự hậu thuẫn của nhà nước, các tập đoàn như Huawei, Alibaba, Tencent, Baidu và Xiaomi vẫn không thể ngăn cản sự kiểm soát và thống trị của Mỹ. Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các quốc gia khác về công nghệ bảng mạch trong không gian công nghệ chiến lược.
Trung Quốc muốn cỗ máy trị giá 150 triệu USD góp phần thúc đẩy các nhà sản xuất chip nội địa, để gã khổng lồ điện thoại thông minh Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc có thể bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài hơn.
Ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ tiếp tục cầm quyền trong 5 năm tới và một trong những ưu tiên chính của ông là công nghệ chiến lược. Một năm trước, ông hiểu rằng việc tập trung phát triển những gã khổng lồ công nghệ không nằm ngoài mục đích của đảng và an ninh quốc gia.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đang có kế hoạch triển khai khoản vay hơn 60 tỷ USD cho 1.000 công ty trong lĩnh vực công nghệ và đã huy động được 30 tỷ USD cho quỹ đầu tư vi mạch mới được chính phủ hậu thuẫn.
Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng nhờ khả năng tiếp cận công nghệ và các cách tân của phương Tây. Nhiệm kỳ tới của ông Tập Cận Bình có khả năng sẽ phải chứng kiến việc Trung Quốc bị hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận những tuyến đường này.
Do đó, tham vọng thống trị công nghệ bằng tiềm lực nội địa đang được nhà nước Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ - yếu tố mà Chủ tịch Tập Cận Bình cho là sẽ thay đổi cuộc chơi. Ni Guangnan, một quan chức làm việc tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, gần đây viết rằng quốc gia này nên tạo ra một "hệ thống Trung Quốc" có thể thay thế những nền tảng của Intel, Microsoft, Oracle và những doanh nghiệp khác từng thống trị lĩnh vực điện toán.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement