Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cuộc thi kéo co kinh tế vĩ mô của Trung Quốc

Kinh tế thế giới

17/10/2022 08:34

Dự báo và phân tích kinh tế vĩ mô Trung Quốc quả thực là điều rất khó khăn, có thể ví như một cuộc thi đấu kéo co đặc biệt, theo báo "Liên hợp buổi sáng" số ra gần đây.
news

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình kinh tế Trung Quốc tương đối ảm đạm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài môi trường quốc tế bất lợi, trong nước cũng đối diện với không ít thách thức. Cuối tháng 7 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 xuống còn 3,3%, kém xa mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra hồi đầu năm.

Dự báo và phân tích kinh tế vĩ mô quả thực là điều rất khó khăn. Sự thay đổi của tình hình kinh tế vĩ mô có thể ví như một cuộc thi đấu kéo co đặc biệt. Cuộc thi đấu diễn ra giữa "đội bò" (biểu tượng đi lên của thị trường chứng khoán) và "đội gấu" (biểu tượng đi xuống của thị trường chứng khoán), nhưng số người tham gia thi đấu của hai bên không có số lượng cố định, hơn nữa các vận động viên và khán giả đều không nhìn thấy tình hình thực tế của cuộc thi đấu, chỉ có thể biết được tình hình thông qua số liệu thu thập được và công bố sau đó.

Ngoài ra, cuộc thi đấu kéo co còn có ba đặc điểm. Trước tiên, hai đội tham gia thi đấu đều có một số vận động viên có ý chí mạnh mẽ và có cách lý giải khác nhau về cùng một thông tin. Chẳng hạn, sau khi nghe được thông tin ngân hàng trung ương hạ lãi suất vào tháng 8, các vận động viên của "đội bò" đưa ra cách lý giải của mình, cho rằng điều này có thể nâng cao tín dụng, kích thích đầu tư và khuyến khích mua nhà. Trong khi, các vận động viên của "đội gấu" cũng có nhận định của mình, không cho rằng giảm lãi suất sẽ giúp thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn sẽ khởi sắc.

Thứ hai, cuộc thi đấu kéo co còn có sự theo dõi của không ít khán giả. Họ đứng bên lề sân vận động quan sát, tạm thời không hành động, nhưng không duy trì sự trung lập. Dưới sự cổ vũ của người khác, hoặc khi cảm thấy đã có nhận định tương đối rõ ràng, họ cũng sẽ lao vào sân vận động để tham gia cuộc thi đấu kéo co.

Thứ ba, những vận động viên đã tham gia thi đấu kéo co không những có thể rút khỏi cuộc thi để trở thành khán giả bất cứ lúc nào, mà còn có thể nhanh chóng tham gia phe của đối phương và dốc sức theo hướng ngược lại.

Cách lý giải khác nhau về thông tin của khán giả, sự rút lui và chạy sang đội khác của vận động viên đều sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thi đấu kéo co. Mô hình kinh tế vĩ mô hiện nay không giải quyết được vấn đề làm thế nào để tổng hợp các hành vi cá nhân ở cấp vi mô và sự tương tác của chúng, do đó khả năng phân tích và dự báo bị hạn chế.

Chính sách "Zero COVID-19 linh hoạt" làm tổn hại niềm tin trong ngắn hạn

Tuy nhiên, vẫn có thể nắm bắt được những mâu thuẫn chính để đưa ra một số nhận định sơ bộ về xu hướng kinh tế vĩ mô. Kể từ năm 1990, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc hàng tháng đều công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng. 

Mức trung bình từ tháng 4-6/2022 của chỉ số này chỉ đạt 87,5, thấp hơn 30,9 so với mức trung bình 118,4 từ tháng 1-3/2022. Việc chỉ số niềm tin người tiêu dùng sụt giảm như vậy là điều chưa từng xảy ra ở Trung Quốc trong 30 năm qua.

Ở mức độ rất lớn, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm có liên quan đến các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Xét từ góc độ thu nhập, các doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường do chịu ảnh hưởng của mô hình quản lý "3 ngừng" và "3 không" (không tập trung, không đi lại và không ra khỏi nhà – ND), dẫn đến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Một khi doanh nghiệp đóng cửa, người lao động sẽ không có thu nhập. Rõ ràng, nhóm người này sẽ tham gia "đội gấu", thận trọng trong tiêu dùng.

Xét từ góc độ việc làm, thất nghiệp hoặc khả năng thất nghiệp gia tăng đều sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng. Vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ thất nghiệp của dân số trong độ tuổi từ 16-24 liên tục tăng mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, từ 14,3% cuối năm 2021 lên 19,9% vào tháng 7/2022. 

Kế hoạch đóng băng hoặc thu hẹp tuyển dụng lao động mới của doanh nghiệp rất có thể là lý do chính khiến nhóm đối tượng này không tìm được việc làm. Do đó, hành vi tiêu dùng của những gia đình này chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. 

Xét từ hoạt động tiêu dùng, hoạt động kinh doanh gián đoạn và xét nghiệm axit nucleic thường xuyên do dịch bệnh nhiều lần tái bùng phát đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mong muốn tiêu dùng. Một khi những sự cố như bị mắc kẹt ở các trung tâm thương mại, sân bay, đường cao tốc lan sang các khu vực khác cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng bước ra khỏi nhà để chi tiêu của người dân.

Những phân tích nêu trên cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang bị tổn thương, và sự tổn thương này có thể phục hồi trong điều kiện tình hình dịch bệnh lắng xuống và các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, nhưng cũng có thể là sự tổn thương vĩnh viễn. Khi người tiêu dùng mất niềm tin, họ sẽ giữ chặt túi tiền của mình. So với cùng kỳ năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội trong 7 tháng đầu năm 2022 giảm 0,2%.

Một số liệu khác phân tích những thay đổi trong ngắn hạn là chỉ số môi trường kinh doanh (IFO) ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. IFO xuống đáy khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, nhưng điểm thấp nhất trong lịch sử của Trung Quốc là quý I/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, giảm 88,2 điểm. 

Kể từ giữa năm 2021, IFO lại tiếp tục suy giảm, từ 125,2 điểm trong quý I/2021 xuống 112,7 điểm trong quý I/2022. Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các ngành nghề là rất rõ ràng: ngành dịch vụ khách sạn, ăn uống chịu tổn thất nặng nề nhất do dịch bệnh, chỉ số lao dốc xuống 42,8 điểm so với cùng kỳ.

GDP của Trung Quốc có thể tăng 3,4% trong quý 3 so với một năm trước đó, nhanh hơn so với tốc độ 0,4% trong quý 2, theo dự báo trung bình của 40 nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters.

Tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 3,8% trong quý 4, nâng tốc độ năm 2022 lên 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%.

Nếu không tính đến mức mở rộng 2,2% sau khi COVID-19 xảy ra vào năm 2020, đây sẽ là hiệu suất tồi tệ nhất kể từ năm 1976 - năm cuối cùng của cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ đã phá hủy nền kinh tế.

Các nhân tố trung và dài hạn ảnh hưởng đến đầu tư

Tuy nhiên, IFO là chỉ số ngắn hạn, không thể phản ánh đầy đủ kỳ vọng của nhà đầu tư trong trung và dài hạn. Có một xu thế thay đổi nhận được nhiều sự quan tâm: tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đã giảm từ 23,8% năm 2011 xuống còn 8,1% trong năm 2016 và 5,4% trong năm 2019. 

Xu hướng này diễn ra trước khi dịch bệnh bùng phát, không liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng không liên quan đến những thay đổi của môi trường bên ngoài do quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng và các lực lượng chống toàn cầu hóa gia tăng.

Nhìn chung, rủi ro quyền sở hữu gia tăng, các kênh tài chính phi chính thức bị hạn chế, thị trường bất động sản ảm đạm là những lý do có thể giải thích cho tình trạng "đội gấu" chiếm ưu thế trong tâm lý đầu tư.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định ở khu vực tư nhân có xu hướng suy giảm giống với đầu tư tài sản cố định tổng thể. Những năm gần đây, do đầu tư của khu vực tư nhân chiếm 60% đầu tư tài sản cố định tổng thể, nên rủi ro quyền sở hữu và rủi ro quản lý giám sát phải gánh chịu tăng lên đáng kể. 

Từ chiến dịch chống tham nhũng, giám sát bảo vệ môi trường, đến xóa bỏ đòn bẩy tài chính, chống độc quyền, nhìn chung các doanh nghiệp tư nhân đều chịu sự quản lý giám sát nhiều hơn và đối xử nghiêm khắc hơn.

Mặc dù chính phủ từng nhấn mạnh cần đối xử với các doanh nghiệp có chế độ sở hữu khác nhau theo nguyên tắc "cạnh tranh trung lập", các nhà lãnh đạo cũng đưa ra khẩu hiệu "doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân tư nhân là gia đình của chúng ta", nhưng môi trường sinh tồn của doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt, hơn nữa còn đứng đầu sóng ngọn gió trong cơn bão quản lý giám sát "ngăn chặn mở rộng vốn một cách không có trình tự" trong thời gian gần đây. Rủi ro quyền sở hữu gia tăng khiến cho tốc độ tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân sụt giảm.

Thứ hai, việc Trung Quốc chậm cải cách tài chính đã gây nên hiện tượng phi trung gian hóa tài chính nghiêm trọng, cộng thêm sự quản lý và giám sát khắt khe đối với các kênh huy động vốn phi chính thức trong những năm gần đây đã khiến cho hoạt động huy động vốn bị thu hẹp. 

Cuộc thi kéo co kinh tế vĩ mô của Trung Quốc - Ảnh 4.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng là 79,39 tỷ USD vào tháng 8/2022 từ mức 59,13 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 92,7 tỷ USD, do xuất khẩu tăng nhẹ hơn, trong bối cảnh gián đoạn trong sản lượng của nhà máy sau khi hạn chế COVID mới và các đợt nắng nóng lịch sử trong khi nhu cầu nước ngoài giảm bớt do lạm phát tăng vọt ở nhiều quốc gia.

Xét từ số liệu của năm 2017, 11,3% đầu tư tài sản cố định sử dụng vốn vay ngân hàng, 65,3% đầu tư dựa vào vốn tự huy động, 16,9% dựa vào các nguồn vốn khác. Trong hai hộp đen là "vốn tự huy động" và "nguồn vốn khác", có rất nhiều hoạt động huy động vốn không chính thức, chẳng hạn huy động vốn từ người thân và trong nội bộ doanh nghiệp, các khoản vay từ "ngân hàng bóng tối" (shadow banking) và ngân hàng ngầm… Đầu tư tư nhân bị ngân hàng và thị trường vốn phân biệt đối xử, nên luôn phải dựa vào những kênh huy động vốn phi chính thức này.

Tuy nhiên, những hoạt động huy động vốn kiểu này bị quản lý và giám sát nghiêm ngặt trong những năm gần đây, khiến cho nguồn vốn tự huy động bị hạn chế. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cố định dựa vào vốn tự huy động có xu hướng suy giảm giống như tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định tổng thể và đầu tư khu vực tư nhân, điều này cho thấy sự suy giảm của tăng trưởng đầu tư tư nhân có liên quan chặt chẽ với vấn đề các kênh huy động vốn của doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế nghiêm ngặt.

Thứ ba, trong đầu tư tài sản cố định, đầu tư bất động sản chiếm tỷ trọng hơn 20%. Sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc đặt ra "ba lằn ranh đỏ" năm 2021, các nhà phát triển bất động sản thường xuyên căng thẳng về vốn, gần đây xảy ra nhiều vấn đề như các dự án xây nhà ở dang dở, gián đoạn nguồn cung cho người mua nhà… 

Tuy nhiên, ngay từ năm 2012 đã xuất hiện hiện tượng tốc độ tăng trưởng đầu tư vào bất động sản sụt giảm nhanh, từ 30% trong năm 2011 xuống còn 16,7% trong năm 2013 và -0,2% trong năm 2015. Rõ ràng, các nhân tố dài hạn như giá nhà tăng cao, dân số già hóa, tỷ lệ nhà trống cao… đang có tác động mạnh mẽ hơn.

Trong nửa đầu năm 2022, đầu tư bất động sản giảm 5,4%, doanh số bán nhà giảm 28,9%, diện tích mua đất cũng giảm 48,3%. Những số liệu này giúp mọi người biết được tình trạng của cuộc thi đấu kéo co giữa "đội gấu" và "đội bò" trên thị trường bất động sản.

Ngành tài chính mất phương hướng

Cải cách thị trường hóa của Trung Quốc bắt đầu từ thị trường hàng hóa và dịch vụ, nhưng lại luôn rất thận trọng đối với việc phát triển thị trường nhân tố (factor market), đặc biệt là thị trường vốn.

Mặc dù vậy, phương hướng chính của việc thị trường hóa ngành tài chính vẫn tương đối rõ ràng. Ngay cả sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, việc cải cách thị trường vốn vẫn được thúc đẩy, lần lượt đẩy nhanh mở cửa các dịch vụ ủy thác, bảo hiểm, trái phiếu, ngân hàng tư nhân, tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và chuyển đổi tài khoản vốn cũng đạt được một số tiến triển đáng kể. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến một số người mất niềm tin đối với kinh tế thị trường, bắt đầu tôn sùng "mô hình Trung Quốc", đồng thời cũng giúp sự tự tin của Chính phủ Trung Quốc đối với thể chế vận hành kinh tế hiện nay không ngừng gia tăng, mức độ sẵn sàng thị trường hóa ngành tài chính cũng dần suy yếu. 

Sau thảm họa của thị trường chứng khoán năm 2015, sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc bằng các biện pháp hành chính đối với hoạt động tài chính ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Cải cách thể chế tài chính sẽ đi về đâu? Mô hình và mục tiêu là gì? Những câu hỏi này hiện nay vẫn chưa có đáp án rõ ràng, khiến cho ngành tài chính mất phương hướng.

Tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của ngành tài chính đã giảm từ 46,2% trong năm 2012 xuống còn 0,3% trong năm 2015. Sau đó, ngoài năm 2019, tất cả các năm đều tăng trưởng âm, riêng 7 tháng đầu năm 2022 giảm đến 30%. Con số này đã chứng minh cho nhận định ngành tài chính đang mất phương hướng phát triển.

Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống 2,2% vào năm 2022 từ 0,9% vào năm 2021, giảm từ 2,3% trong dự báo của tháng 7 và thấp hơn mục tiêu chính thức khoảng 3%, cuộc thăm dò cho thấy. Lạm phát dự kiến sẽ lên tới 2,3% vào năm 2023.

Trái đắng của "cơ chế hai giá song song"

Những năm 1980, cùng với cơ chế hai giá song song (hệ thống quản lý giá đối với cùng một sản phẩm cùng tồn tại giá thống nhất trên cả nước và giá điều chỉnh theo thị trường), Trung Quốc xuất hiện một loạt quan chức biến chất, lợi dụng quyền lực để có được hàng hóa đang bán chạy bằng với giá thành theo kế hoạch, sau đó bán lại trên thị trường với giá cao để kiếm lời, dẫn đến sự bất bình mạnh mẽ của người dân. 

Quan chức biến chất là hiện tượng của việc cải cách thị trường hóa không triệt để, sau khi xóa bỏ cơ chế hai giá song song, mở cửa thị trường hàng hóa, các quan chức biến chất này biến mất. Điều may mắn là các nhà lãnh đạo khi đó không dao động, kiên định lựa chọn đi theo con đường thị trường hóa giúp Trung Quốc thoát khỏi nền kinh tế thiếu hụt.

Tuy nhiên, do chậm cải cách, nên giao dịch vốn, đất đai và các yếu tố sản xuất khác từ lâu đã tồn tại cơ chế hai giá. Những người nắm quyền lực có thể giành được tài nguyên này với giá thấp, sau đó chuyển nhượng lại với giá cao. 

Mặc dù những hoạt động này không giống việc mua đi bán lại hàng hóa, nhưng lại có thể thu được lợi nhuận rất lớn. Tiền thuê khổng lồ đã thu hút nhiều hoạt động tìm kiếm cho thuê là nguyên nhân chính phát sinh tham nhũng và bất bình đẳng thu nhập. Các vụ án tham nhũng trong những năm gần đây phần lớn đều có liên quan đến ngành tài chính với số tiền rất lớn.

Cuộc thi kéo co kinh tế vĩ mô của Trung Quốc - Ảnh 7.

KInh tế Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi sự đeo bám của COVID-19.

Những người không hiểu rõ vấn đề có thể bị nhầm lẫn khi cho rằng chỉ cần xóa bỏ cải cách thị trường hóa thì có thể giảm bớt tham nhũng và tiến tới con đường thịnh vượng chung. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự dẫn đến những hệ quả này lại là do chậm cải cách thị trường. Một khi thực hiện thị trường hóa vốn, xóa bỏ cơ chế hai giá, thì những cơ hội trục lợi này cũng sẽ biến mất. 

Việc từ bỏ cải cách thị trường sẽ chỉ đi trên con đường cũ nghèo khó chung. Duy trì hiện trạng không những sẽ tạo ra nhiều cơ hội tham nhũng hơn, khiến cho bất bình đẳng thu nhập tiếp tục nới rộng, mà còn làm cho việc sử dụng vốn ngày càng không hiệu quả, từ đó thu hẹp hơn nữa các hoạt động đầu tư và đổi mới.

Một số người cho rằng chỉ cần dịch bệnh qua đi, tình hình trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng được cải thiện. Tuy nhiên, những phân tích nói trên cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII diễn ra vào năm 2011 nhấn mạnh: "Làm cho thị trường có thể phát huy vai trò mang tính quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, đồng thời cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của chính phủ". 

Làm thế nào để hiểu và thực hiện câu nói này quả thực là tiêu điểm nhận được nhiều sự quan tâm trong cuộc thi đấu kéo co giữa "đội bò" và "đội gấu". Kết quả hiện nay đã tổng hợp phản ứng của mọi người đối với các ưu tiên của chính phủ trong 10 năm qua. Vì vậy, vấn đề then chốt để Trung Quốc ổn định kinh tế là phải ổn định kỳ vọng và ổn định niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement