Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tỷ giá USD/VND lên mức kỷ lục, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?

Phân tích

18/10/2022 15:51

Tỷ giá USD/VND đã tăng lên mức kỷ lục sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ tỷ giá lên 5%. So với đầu năm, VND đã mất giá gần 7% so với USD. Theo chuyên gia, điều này có ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế, xuất khẩu chưa chắc có lợi.

Một ngày sau khi NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-3% theo tỷ giá trung tâm lên +/-5%, giá mua - bán USD tại hầu hết kênh giao dịch bên ngoài thị trường đều ghi nhận xu hướng tăng vọt.

Trong phiên sáng nay (18/10), cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm thêm 51 đồng so với hôm qua, hiện ở mức 23.637 đồng/USD. Tính trong một tháng gần nhất, nhà điều hành đã nâng tỷ giá trung tâm thêm hơn 300 đồng. Mức quy đổi hiện tại cũng là vùng cao nhất mà NHNN đưa ra trong hơn một thập niên trở lại đây.

Với biên độ dao động mới ở mức +/-5% theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá quy đổi trần/sàn các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch với đồng bạc xanh phiên hôm nay là 22.455,15 đồng/USD và 24.818,85 đồng/USD.

Trên kênh ngân hàng, sau khi tăng hàng trăm đồng phiên hôm qua, đến sáng nay, giá mua - bán USD tại hầu hết nhà băng lại tiếp tục tăng thêm 30-50 đồng, đưa ra bán tại một số ngân hàng lên tương đương tỷ giá quy đổi bên ngoài thị trường tự do.

Tỷ giá USD/VND lên mức kỷ lục, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào? - Ảnh 1.

Tỷ giá USDVND tăng 65 đồng tương đương 0,27% lên 24.375 vào hôm nay (18/10) từ 24.310 trong phiên giao dịch trước đó.

Cụ thể, Vietcombank hiện niêm yết tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh ở mức 24.200 - 24.480 đồng/USD (mua vào - bán ra), cao hơn 40 đồng so với cuối ngày hôm qua và tăng 250 đồng so với cuối tuần trước. Nếu so với đầu năm, giá bán USD tại ngân hàng này đã tăng tới 1.560 đồng, tương đương mức tăng ròng hơn 6,8%.

Cũng trong sáng nay, BIDV đưa ra giá mua với ngoại tệ này ở mức 24.205 đồng/USD và giá bán là 24.485 đồng/USD, cao hơn 30 đồng so với phiên hôm qua. So với cuối tuần trước, mức tăng tại ngân hàng này cũng là 255 đồng.

VietinBank phiên hôm qua đã tăng giá mua - bán USD thêm gần 200 đồng so với cuối tuần trước, đến sáng nay điều chỉnh tăng tiếp gần 70 đồng lên mức 24.224 đồng/USD (mua) và 24.504 đồng/USD (bán).

Nếu so với đầu năm, giá bán USD tại cả BIDV và Vietinbank cũng đã tăng xấp xỉ 7%.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại nhóm ngân hàng tư nhân khi giá giao dịch đồng bạc xanh vẫn tiếp tục nhảy vọt trong sáng nay.

Trên thị trường tự do, sau khi tăng gần 200 đồng ở cả hai chiều mua và bán trong phiên đầu tuần hôm qua, đến sáng nay, các đầu mối quy đổi ngoại tệ khu vực Hà Nội tiếp tục nâng giá mua - bán USD thêm xấp xỉ 80 đồng. Hiện giá mua vào chủ yếu dao động quanh mức 24.500 đồng/USD trong khi giá bán đã chạm ngưỡng 24.600 đồng/USD.

Vẫn duy trì mức giao dịch cao hơn so với kênh ngân hàng, nhưng tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh bên ngoài thị trường tự do mới tăng khoảng 1.110 đồng/USD, thấp hơn nhiều so với mức tăng phổ biến 1.700-1.800 đồng/USD tại các NHTM.

Trên thị trường thế giới, giá USD vẫn duy trì ở mức cao với chỉ số USD-Index tiếp tục đứng trên 113,04 điểm.

Theo giới phân tích, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 9 khiến cho nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng đây là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất 0,75% nữa tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.

Theo chuyên gia tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tăng lên khoảng 5,5 - 6% trong 2022, khi nguồn cung ngoại tệ 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong 2021. Hoạt động xuất khẩu bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn vào cuối năm và kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.

Trên thực tế, trong phiên đầu tuần này, NHNN đã phải nới biên độ giao dịch từ 3% lên 5% và tăng giá mua giao ngay từ 23.925 lên 24.380 đồng/USD.

Tỷ giá bán tại các NHTM cũng đã được điều chỉnh tăng khá mạnh sau khi nới biên độ, hiện giao dịch quanh vùng 24.500 đồng/USD, tương đương với việc tiền Đồng đã mất giá gần 7% so với cuối năm 2021.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất, theo Dân Việt.

Ông Thành phân tích, nếu VND mất giá quá nhiều thì một phần sẽ chuyển vào chỉ số giá, đồng thời đẩy lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VND mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Chưa kể vấn đề nợ quốc gia…

Thế nhưng, theo ông Thành mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền VND, USD…).

Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các khía cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.

VND hiện đang có mức mất giá gần 7%, mức thấp nhất so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Chẳng hạn như Yên Nhật Bản mất giá tới 31%, hay như đồng won của Hàn Quốc mất giá tới 22%, euro mất giá đến 14%.

Các chuyên gia cho rằng, việc phải có cơ chế tỷ giá linh hoạt là cần thiết, song vẫn phải cố gắng duy trì nhiều giải pháp cho VND ít mất giá để không nhập khẩu lạm phát. Bởi suy cho cùng, dù biên độ tỷ giá là bao nhiêu, tỷ giá trung tâm thế nào thì vùng mục tiêu tỷ giá phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nền kinh tế, lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đưa vốn vào Việt Nam để đầu tư...

Đây cũng chính là thông điệp được ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhấn mạnh tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý 3/2022.

"Khác với các cuộc chiến tiền tệ trước, đây là cuộc chiến tiền tệ giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp, linh hoạt", ông Quang nói.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement