Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chính sách tỷ giá hối đoái cần linh hoạt hơn

Phân tích

15/10/2022 09:54

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, đó có thể là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý (managed floating) tương tự như các nước trong khu vực đã lựa chọn kể từ sau khủng hoảng kinh tế – tài chính năm 1997-1998.
news

‘Cái giá’ của ổn định tỷ giá Duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhằm tránh cuộc đua lãi suất, ổn định tỷ giá

Nhìn lại cơ chế tỷ giá thời gian qua

Trong quá khứ, thực tế ở Việt Nam đã nhiều lần cho thấy rằng chính sách neo tỷ giá không phải yếu tố đảm bảo sự thành công trong kiểm soát lạm phát. Cũng giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác, chính sách neo tỷ giá của Việt Nam chỉ thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát nhờ hạn chế được hiệu ứng chuyển của tỷ giá vào giá nhập khẩu và giá tiêu dùng nếu như đồng nội tệ không bị định giá quá thấp và đặc biệt là cung tiền phải được kiểm soát tốt.

Kể từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cách thức điều hành tỷ giá mới (dựa vào một giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại lớn nhất), tuy nhiên bản chất của chính sách vẫn là neo chặt chẽ vào đô la Mỹ.

Sau một thời gian dài thành công nhờ hạ thấp được tốc độ tăng cung tiền/tín dụng, kiểm soát tốt lạm phát trong nước, và duy trì được thặng dư thương mại hàng hóa, thị trường ngoại hối thời gian gần đây lại bắt đầu xuất hiện những bất ổn mới.

Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 5-6% so với đầu năm; hiện tượng chênh lệch tỷ giá trên thị trường chính thức và phi chính thức gia tăng mạnh; người dân và doanh nghiệp có động thái găm giữ ngoại tệ bất chấp việc NHNN đã phải bán ra một lượng lớn ngoại tệ trong nỗ lực bình ổn thị trường.

Những bất ổn lần này xuất phát từ bên ngoài do chính sách tiền tệ đảo chiều (tăng lãi suất) của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Với độ mở rất cao của nền kinh tế sau khi gia nhập hàng hoạt hiệp định thương mại tự do (tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP > 200%), cộng với việc tuân thủ kỷ luật về an toàn không được tốt của các ngân hàng thương mại, chế độ neo tỷ giá của Việt Nam đã bộc lộ những nhược điểm giống như trước đây.

Ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế hiện tượng đô la hóa và "nhập khẩu" lạm phát chỉ có thể thành công dựa trên nền tảng của sự cân bằng cán cân thương mại và môi trường lạm phát trong nước thấp (kiểm soát tốt tăng trưởng cung tiền và tín dụng), chứ không phải là nhờ chính sách neo tỷ giá.

Đó là, việc neo tỷ giá dẫn đến việc chuyển đổi trạng thái từ dư cung sang thiếu hụt ngoại tệ diễn ra rất nhanh. Với lượng dự trữ không nhiều, sự can thiệp của NHNN là không đủ để ngăn chặn sự mất giá của đồng nội tệ.

Mặc dù không được thừa nhận, nhưng thị trường ngoại hối phi chính thức vẫn luôn tồn tại song hành với thị trường ngoại hối chính thức. Điều này khiến cho người dân có tâm lý đầu cơ tích trữ ngoại tệ, gây lãng phí nguồn lực.

Thêm nữa, sự biến động mạnh của tỷ giá cũng khiến cho chênh lệch giữa giá mua và bán ngoại tệ tăng mạnh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khi giao dịch với các ngân hàng, dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ trở nên phổ biến hơn.

Những thay đổi tỷ giá quá nhanh chóng không như cam kết cũng đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tín nhiệm của cơ quan điều hành, bất kể những nguyên nhân biến động gần đây xuất phát từ thị trường thế giới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể chững lại để xem xét.

Ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế hiện tượng đô la hóa và “nhập khẩu” lạm phát chỉ có thể thành công dựa trên nền tảng của sự cân bằng cán cân thương mại và môi trường lạm phát trong nước thấp (kiểm soát tốt tăng trưởng cung tiền và tín dụng), chứ không phải là nhờ chính sách neo tỷ giá.

Bất cứ khi nào thâm hụt thương mại và lạm phát tăng tốc, hoặc bất ổn từ bên ngoài xuất hiện, kỳ vọng phá giá tiền tệ sẽ lại xuất hiện. Khi đó, những đợt phá giá nhỏ của NHNN là không đủ thỏa mãn kỳ vọng này và tỷ giá thường vượt ra ngoài biên độ cho phép, đặc biệt là trên thị trường tự do.

Với độ mở của nền kinh tế sẽ ngày một lớn hơn, tài khoản vốn ngày càng được tự do hơn, thì ảnh hưởng từ các cú sốc bên ngoài tới nền kinh tế sẽ ngày càng lớn. Việc áp dụng chế độ neo tỷ giá sẽ khiến NHNN thường xuyên phải đối phó với các cú sốc này và sẽ khó có thể chủ động về chính sách tiền tệ để đảm bảo các mục tiêu trong nước.

Rõ ràng, việc tăng lãi suất và bán ra dự trữ ngoại tệ (chủ yếu để bảo vệ tỷ giá) như trong điều kiện hiện nay sẽ làm chậm lại quá trình hồi phục kinh tế, cũng như không đáp ứng được thanh khoản cho toàn bộ hệ thống tín dụng trong nước, gây bất ổn trên các thị trường tài chính. Điều này sẽ còn khó hơn khi mà kỷ luật về an toàn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước vẫn chưa đáp ứng được các chuẩn mực đặt ra.

Cân nhắc cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, đó có thể là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý tương tự như các nước trong khu vực đã lựa chọn kể từ sau khủng hoảng kinh tế – tài chính 1997-1998. 

Khác với cơ chế neo tỷ giá hiện nay, trong cơ chế thả nổi có quản lý, ngân hàng trung ương sẽ “từ bỏ” việc tuyên bố trước tỷ giá trung tâm; tỷ giá thương mại hằng ngày về cơ bản được xác lập hoàn toàn bởi các giao dịch theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Tuy nhiên, NHNN có thể dùng các biện pháp can thiệp như mua bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và/hoặc các biện pháp kiểm soát nguồn vốn ra vào Việt Nam để làm mềm dao động của tỷ giá. Cụ thể, thông qua các hoạt động thị trường mở, hoặc tái chiết khấu và tái cấp vốn, và mua bán trên thị trường ngoại hối, NHNN có khả năng kiểm soát được cung tiền, qua đó điều tiết được tỷ giá và lãi suất mục tiêu.

Cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với cơ chế tỷ giá neo cố định hiện nay. Thứ nhất, giá cả của hầu hết các mặt hàng cũng như lương bổng của khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam đã được quyết định theo cơ chế thị trường.

Việc thả nổi có quản lý tỷ giá sẽ giúp sự biến động của giá cả các mặt hàng trong nước cân bằng với sự biến động của giá cả các mặt hàng trên thế giới, qua đó giúp nền kinh tế phân bổ tối ưu hơn. Thứ hai, độ mở kinh tế của Việt Nam lớn, nhưng lại không bị lệ thuộc mạnh vào một đối tác cụ thể nào, nên việc áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý sẽ không những không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài, mà còn giúp Việt Nam hấp thụ tốt hơn các cú sốc từ thị trường hàng hóa quốc tế.

Bên cạnh đó, những tính toán của chúng tôi chỉ ra rằng tác động của sự mất giá nội tệ đối với giá tiêu dùng (hiệu ứng chuyển của tỷ giá hối đoái) ở Việt Nam trong giai đoạn trước đây là cao hơn hẳn so với những nước phát triển và đang phát triển khác.

Tuy nhiên, hiệu ứng chuyển của tỷ giá sẽ giảm nếu như Việt Nam duy trì được môi trường lạm phát thấp và ổn định. Ngoài ra, chế độ neo tỷ giá chỉ với một chiều điều chỉnh (giảm giá đồng nội tệ) sẽ làm cho hiệu ứng chuyển của tỷ giá hối đoái cao hơn rất nhiều so với các chế độ tỷ giá linh hoạt hơn.

Trong các chế độ tỷ giá linh hoạt, các công cụ/biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá sẽ phát triển, nhờ đó tác động của sự thay đổi tỷ giá đối với nền kinh tế sẽ nhỏ hơn so với chế độ neo tỷ giá nhưng lại không giữ được như cam kết.

Chính sách tỷ giá hối đoái cần linh hoạt hơn - Ảnh 3.

Tỷ giá VND/USD giảm 0,04% xuống 24.110 vào ngày 14/10 từ 24.120 trong phiên giao dịch trước đó.

Điều kiện cần: kiểm soát lạm phát và hiện đại hóa thị trường ngoại hối

Tuy nhiên, để chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát thực sự phát huy tác dụng, Việt Nam cần kiên trì với kiểm soát lạm phát theo mục tiêu định trước – đóng vai trò như một “mỏ neo” kỳ vọng lạm phát. Điều này đòi hỏi sự độc lập của chính sách tiền tệ. Tức là, nó phải hoạt động dựa trên các nguyên tắc công khai, không bị tác động bởi các chính sách tài khóa và các tổ chức kinh tế, tài chính trên thị trường.

Và để đạt được mục tiêu về lạm phát trong nền kinh tế mở, NHNN sẽ điều tiết thị trường tiền tệ sao cho mục tiêu về lạm phát có thể đạt được. Việc thả nổi có quản lý tỷ giá cho phép NHNN thực hiện các hoạt động điều tiết này một cách linh hoạt và chủ động hơn thông qua các công cụ hoạt động thị trường mở hay mua bán trên thị trường ngoại hối.

Một điều kiện khác để cơ chế tỷ giá thả nổi có thể vận hành một cách suôn sẻ, giúp nền kinh tế phân bổ nguồn lực hiệu quả, là cần phải hiện đại hóa thị trường ngoại hối. Hiện nay, thị trường ngoại hối của Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch trực tiếp; các sản phẩm phái sinh liên quan đến ngoại hối hầu như chưa xuất hiện hoặc có chi phí đắt đỏ; tổng giá trị giao dịch ngoại hối vẫn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực; NHNN vẫn chiếm phần lớn các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.

Ngoại tệ là một loại tài sản. Một khi được cho phép, tỷ giá ngoại tệ thả nổi sẽ được các chủ thể kinh tế tham gia thị trường mua bán trao đổi tương tự các sản phẩm được chứng khoán hóa khác. Sự xuất hiện các công cụ phái sinh và các định chế tài chính trung gian liên quan đến tỷ giá sẽ giúp các chủ thể kinh tế hạn chế rủi ro. Đây sẽ là những vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết nếu muốn có một thị trường ngoại hối sôi động và hiệu quả thực sự.

(*) Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS-TS. PHẠM THẾ ANH (*)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement