06/10/2022 13:11
Chuyên gia Australia đánh giá tích cực triển vọng của kinh tế Việt Nam
Chuyên gia nhấn mạnh các kết quả đạt được cho thấy hiệu quả điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam trong năm 2022 và kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Sau 2 năm chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình thế giới bất ổn, nền kinh tế Việt Nam hiện đang trên đà phục hồi và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong 9 tháng năm nay.
Cùng với quá trình phục hồi tự lực của doanh nghiệp và người dân, các kết quả đạt được cho thấy hiệu quả điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam trong năm 2022 và kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Trên đây là nhận định của Phó Giáo sư, tiến sỹ Chu Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Kinh tế phát triển, trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Australia, trong buổi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney.
Đánh giá về những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, tiến sỹ Chu Hoàng Long dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Việt Nam trong quý 3/2022 tăng trưởng trên 8,8%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm tăng trên 17%.
Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với mức giải ngân tăng 16% so với cùng kỳ năm trước - cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo, lạm phát vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới như S&P và Moody's gần đây đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Bên cạnh quá trình phục hồi tự lực của doanh nghiệp và người dân, theo chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Australia, các kết quả đạt được cũng cho thấy hiệu quả điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam trong năm 2022.
Điều này có ý nghĩa nổi bật trong bối cảnh rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát cao kỷ lục, kể cả những nước phát triển vốn có rất nhiều lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong điều hành kinh tế.
Theo phân tích của Phó Giáo sư, tiến sỹ Chu Hoàng Long, các quyết sách được đưa ra cho thấy sự quyết tâm và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam.
Song song với các biện pháp chủ động phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các gói giải pháp mạnh mẽ tập trung thực hiện các chiến lược gồm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam cũng triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực thi các biện pháp nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Đặc biệt, tiến sỹ Chu Hoàng Long nhấn mạnh mặc dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn chủ động tham gia vào nỗ lực chung của thế giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, cùng với các cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cuối năm 2021.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, tiến sỹ Chu Hoàng Long bày tỏ tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để tạo đà cho nền kinh tế phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Ông nêu ý kiến, với đà phục hồi trong 9 tháng đầu năm 2022 và các quyết sách của chính phủ, triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là khả quan. Một số tổ chức quốc tế dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay trong khoảng 7-7,5% và năm 2023 đạt mức tăng trưởng 6,7%, thậm chí còn có thể cao hơn nữa.
Các ngành kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi nhờ xuất khẩu ổn định và tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới vào đầu thập kỷ tới.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Chu Hoàng Long, các kết quả đạt được và các kỳ vọng khả quan không có nghĩa là mọi việc sẽ dễ dàng. Các doanh nghiệp vẫn cần thời gian để tiếp tục phục hồi, đặc biệt là trong hoàn cảnh thị trường lao động vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Lạm phát luôn là một rủi ro kinh tế vĩ mô thường trực nếu vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, rủi ro tài chính và tỷ lệ nợ xấu tại hệ thống ngân hàng có thể tạo ra những nguy cơ bất ổn.
Xét từ bên ngoài, nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh và khó đoán trước. Áp lực lạm phát và khả năng các nền kinh tế phát triển thắt chặt tiền tệ hơn nữa có thể dẫn đến biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây suy thoái.
Căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng dẫn đến rủi ro trong chuỗi cung ứng, bất ổn về nguồn cung năng lượng và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Đứng trước các rủi ro trên, Tiến sỹ Chu Hoàng Long cho rằng Chính phủ Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề lớn trong chính sách kinh tế.
Thứ nhất, xử lý các cản trở về thể chế để nâng cao hiệu quả triển khai chính sách tài khóa, đặc biệt là các chương trình đầu tư công.
Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, sẵn sàng đối phó với rủi ro lạm phát gia tăng.
Thứ ba, thực hiện đầy đủ chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thông qua đẩy mạnh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ số.
Cuối cùng là cải cách kinh tế theo chiều sâu thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng cường khả năng chống chịu rủi ro, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, phát triển năng lượng tái tạo, sản phẩm xanh, định giá carbon, cải thiện chất lượng lực lượng lao động, làm nền tảng cho ổn định và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement