15/05/2022 22:42
Triều Tiên đề nghị Trung Quốc hỗ trợ phòng chống COVID-19
Một nguồn tin ngoại giao ngày 15/5 cho biết Triều Tiên đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ phòng chống đại dịch COVID-19.
Theo nguồn tin, Triều Tiên gần đây đã thông qua kênh ngoại giao để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ hàng hóa và trang thiết bị chống dịch COVID-19, đồng thời tiết lộ rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành, song chưa rõ cụ thể Triều Tiên yêu cầu điều gì.
Tuần trước, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Triều tiên trong trường hợp cần thiết.
Bất chấp lệnh phong tỏa được áp đặt trên toàn quốc, tới nay quốc gia chưa tiêm chủng ngừa COVID-19 này đã ghi nhận hơn 800.000 ca nghi nhiễm, với ít nhất 296.180 ca mới có triệu chứng sốt được công bố ngày 15/5, theo KCNA. Số ca tử vong theo ngày tăng 15 trường hợp, lên tổng cộng 42 người.
Trong cuộc họp khẩn thứ hai của Bộ Chính trị Triều Tiên hôm 14/5, ông Kim Jong Un đã mô tả vụ bùng phát COVID-19 là một "biến động lớn" sau hơn 70 năm nước này được thành lập.
Ông Kim đang đặt chính mình ở vị trí "trung tâm và mũi nhọn" trong nỗ lực ứng phó COVID-19 của đất nước", ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nói với AFP.
"Ngôn từ mà ông Kim sử dụng cho thấy tình hình ở Triều Tiên có thể nghiêm trọng hơn trước khi nó được kiểm soát", vị chuyên gia nhận định.
Một số nhà quan sát nhận định bài phát biểu hôm 14/5 của ông Kim dường như "mở đường" cho việc tiếp nhận viện trợ quốc tế. Còn ông Leif-Eric Easley cho rằng đây cũng có thể là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang "tập hợp quần chúng" để sẵn sàng cho "sự hy sinh hơn nữa".
Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020. Không có phóng viên, nhân viên viện trợ hoặc nhà ngoại giao nào có thể thường xuyên ra vào quốc gia này, do đó các chuyên gia chỉ có thể phỏng đoán về tình hình thực tế tại Triều Tiên.
Một số thông tin hiếm hoi - như chưa có báo cáo về tỷ lệ vaccine, năng lực xét nghiệm hạn chế, cơ sở hạ tầng y tế công mỏng manh và tình trạng kinh tế đang gặp khó - làm dấy lên lo ngại về khó khăn diện rộng tại quốc gia gần 26 triệu dân.
Trong cuộc họp hôm 14/5, ông Kim bày tỏ lạc quan rằng đất nước có thể kiểm soát được đợt bùng phát dịch bệnh, đồng thời cho biết hầu hết vụ lây nhiễm đang xảy ra trong các khu vực đã được cách ly và không lây lan từ vùng này sang vùng khác.
Ông cũng kêu gọi cơ quan Triều Tiên "tích cực học hỏi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 thành công" từ những quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.
Triều Tiên trước đây đã từ chối đề nghị viện trợ vaccine COVID-19 từ Trung Quốc và chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh có suy đoán rằng nước này lo lắng về tác dụng phụ của vaccine hoặc các yêu cầu giám sát quốc tế liên quan đến tiêm chủng.
Tuy nhiên, tuần này, cả Bắc Kinh và Seoul đều đưa ra lời đề nghị viện trợ vaccine mới. Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nhận xét Triều Tiên "sẽ cố gắng lấy nguồn cung từ phía Trung Quốc".
Bên cạnh đó, ông Yang cho biết thêm có vẻ như Bình Nhưỡng "sẽ áp dụng cách tiếp cận chống virus theo kiểu Trung Quốc đối với các đợt phong tỏa trong khu vực".
Dù vậy, một số chuyên gia cũng bày tỏ Triều Tiên không chắc sẽ yêu cầu giúp đỡ lúc này, bởi làm như vậy sẽ là thừa nhận sự thất bại của hệ thống chống dịch khẩn cấp được áp dụng cho đến nay và sẽ tác động đáng kể đến sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo ông Kim có thể đẩy nhanh kế hoạch thử hạt nhân của mình nhằm "đánh lạc hướng" sự chú ý khỏi đợt bùng phát COVID-19.
"Triều Tiên có thể sẽ gặp khó khăn lớn trong những tháng tới khi cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của biến chủng Omicron", ông Cheong Seong Chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), nói. "Nhưng để nâng cao tinh thần, Triều Tiên có thể tập trung nhiều hơn vào các vụ thử tên lửa và hạt nhân".
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement