15/07/2022 07:58
Tổng thống Sri Lanka gửi đơn từ chức từ Singapore, tình hình trong nước vẫn rối ren
Văn phòng chủ tịch quốc hội Sri Lanka cho biết, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã đệ đơn từ chức ngay sau khi đến Singapore vào hôm thứ Năm (14/7).
Người phát ngôn của Quốc hội Sri Lanka Indunil Yapa cho biết, việc TT Gotabaya Rajapaksa gửi đơn từ chức qua email sẽ được xem xét trước khi có thông báo chính thức vào thứ Sáu.
TT Rajapaksa đã bỏ trốn khỏi Sri Lanka vào thứ Tư, sau khi những người biểu tình tràn dinh thự của ông vào cuối tuần trước. Điểm đến đầu tiên của vị Tổng thống này là Maldives và sau đó là Singapore.
"Tính xác thực và tính hợp pháp của e-mail sẽ phải được kiểm tra" trước khi chính thức được chấp nhận, ông Yapa nói với AFP.
Ông Rajapaksa sẽ là tổng thống đầu tiên từ chức kể từ khi Sri Lanka thông qua hệ thống cộng hòa Tổng thống vào năm 1978.
Một đám đông nhỏ vẫy cờ quốc gia, nhảy múa ăn mừng bên ngoài phòng thư ký của tổng thống khi tin tức về việc từ chức được công bố.
"Đây là một chiến thắng hoành tráng cho người dân", một người biểu tình có tên là Harinda Fonseka nói. "Nhưng đó chỉ là bước đầu tiên", người này nói thêm.
Theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe - người đã từ chức trước đó do áp lực từ các cuộc biểu tình - sẽ trở thành quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội chỉ định người kế nhiệm.
Ông Rajapaksa, vợ Ioma và hai vệ sĩ của họ đến Singapore từ Male trên chuyến bay của hãng hàng không Saudia Arabia.
Là tổng thống, ông Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ bị bắt, và ông được hiểu là đã muốn ra nước ngoài trước khi từ chức để tránh khả năng bị giam giữ.
Cựu tổng thống Maldives Mohamed Nasheed được cho là đã đóng một vai trò hậu trường trong việc đưa ông ta ra khỏi đất nước và cho biết Rajapaksa sợ rằng ông ta sẽ bị giết nếu ở lại.
"Tôi tin rằng Tổng thống sẽ không từ chức nếu ông ấy vẫn ở Sri Lanka, và sợ mất mạng", Nasheed tweet.
Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận ông Rajapaksa đã được phép quốc đảo này để thực hiệm một chuyến thăm mang tính chất cá nhân, ông ấy đã không xin tị nạn và nước này cũng không cấp phép tị nạn".
Theo các nguồn tin an ninh Sri Lanka, ông dự kiến sẽ ở lại Singapore một thời gian trước khi có khả năng chuyển đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Rajapaksa bị cáo buộc quản lý yếu kém khiến nền kinh tế của quốc đảo cạn kiệt ngoại hối để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và điều này đã dẫn đến tình trạng khó khăn nghiêm trọng cho 22 triệu người.
Sri Lanka đã vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD vào tháng 4 và đang đàm phán với IMF để có được gói cứu trợ.
Hòn đảo này gần như cạn kiệt nguồn cung cấp xăng dầu vốn đã khan hiếm và chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các văn phòng và trường học để giảm thiểu việc đi lại để tiết kiệm nhiên liệu.
Tại Colombo, những người biểu tình đã rời khỏi một số tòa nhà chính phủ mà họ đã chiếm giữ trong những ngày gần đây, sau khi Wickremesinghe chỉ thị lực lượng an ninh khôi phục trật tự và ban bố tình trạng khẩn cấp.
"Chúng tôi đang rút khỏi Phủ Tổng thống và Văn phòng Thủ tướng trong hòa bình ngay lập tức, nhưng sẽ tiếp tục đấu tranh", một phát ngôn viên của những người biểu tình cho biết.
Các nhân chứng đã chứng kiến hàng chục nhà hoạt động rời văn phòng của Thủ tướng Wickremesinghe khi cảnh sát vũ trang và lực lượng an ninh được đưa đến đây.
Thủ đô được đặt trong tình trạng giới nghiêm và các xe bọc thép tuần tra tại một số khu vực.
Hàng trăm nghìn người vào khu nhà của Thủ tướng kể từ khi nó được mở cửa cho công chúng, sau khi ông bỏ trốn và các nhân viên an ninh rút đi.
Đến chiều thứ Năm, các cánh cổng đã được đóng lại với lực lượng bảo vệ có vũ trang được bố trí cả bên trong và bên ngoài.
Trước đó cùng ngày, chủ doanh nghiệp Gihan Martyn, 49 tuổi, đã cáo buộc Tổng thống "câu giờ".
"Ông ta là một kẻ hèn nhát", anh nói bên ngoài dinh tổng thống. "Ông ta đã hủy hoại đất nước của chúng tôi ... Vì vậy, chúng tôi không tin tưởng ông ta chút nào. Chúng tôi cần một chính phủ mới."
Cảnh sát cho biết một binh sĩ và một cảnh sát đã bị thương trong cuộc đụng độ qua đêm với những người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội khi lực lượng an ninh ngăn cản nỗ lực xông vào cơ quan lập pháp của những người này.
Bệnh viện chính ở Colombo cho biết khoảng 85 người đã nhập viện trong tình trạng bị thương vào hôm thứ Tư và một người đàn ông chết ngạt sau khi bị xịt hơi cay tại Văn phòng Thủ tướng.
Quân đội và cảnh sát đã được lệnh dập tắt mọi bạo lực, đồng thời cảnh báo những kẻ gây rối rằng họ "được trao quyền hợp pháp để thực thi nhiệm vụ của mình".
Nhưng sinh viên Chirath Chathuranga Jayalath, 26 tuổi, nói: "Bạn không thể ngăn chặn cuộc biểu tình này bằng cách giết người. Họ sẽ bắn vào đầu chúng tôi nhưng chúng tôi làm điều này từ trái tim của mình".
(Nguồn: AFP/CNA)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement