17/07/2023 13:13
Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen một lần nữa đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi mới đây Nga tuyên bố “không có cơ hội” cho việc gia thạn Thỏa thuận này.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc lần đầu ngày 22/7/2022 nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do cuộc xung đột giữa hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới là Nga và Ukraine.
Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày, tới 18/5/2023) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7.
Trước thực tế trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên hành động tối đa để đảm bảo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ tiếp tục được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào ngày 17/7.
Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng những mong muốn chính đáng của Moscow vẫn chưa được đáp ứng.
Trong nỗ lực nhằm giải tỏa những nghi ngại của Nga trước khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kết hiệu lực, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào tuần trước đã gửi một lá thư cho Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nhằm đưa ra các đề xuất giúp xóa bỏ các rào cản ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính qua ngân hàng nông nghiệp Nga, đồng thời tiếp tục khơi thông dòng ngũ cốc Ukraina chảy qua Biển Đen.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, ông Putin đã ví thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen là "trò chơi một chiều", đồng thời tiếp tục cảnh báo kịch bản sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu các bên không đáp ứng những điều kiện mà Moscow đưa ra.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời người đứng đầu Điện Kremlin nêu rõ: "Chúng ta có thể đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận này. Và nếu mọi người khẳng định lại rằng, tất cả những lời hứa dành cho chúng ta sẽ được thực hiện – thì hãy để họ thực hiện những lời hứa này. Và chúng ta sẽ ngay lập tức tham gia trở lại bản thỏa thuận".
Rạng sáng 17/7, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn các nguồn tin từ Liên hợp quốc cho biết, các bên tham gia thỏa thuận ngũ cốc hiện vẫn chưa thông báo cho tổ chức đa phương này về việc gia hạn thỏa thuận. Chính vì thế, Liên hợp quốc coi ngày 17/7 là ngày cuối cùng thỏa thuận còn hiệu lực.
Trong khi đó, một nguồn tin khác lại không loại trừ khả năng thỏa thuận vẫn có thể được gia hạn vào phút chót. "Chúng tôi vẫn đang chờ đợi phản ứng từ Moscow. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra" – TASS dẫn nguồn tin này cho biết.
Theo dữ liệu từ JCC, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước hưởng lợi chính từ các lô hàng ngũ cốc, cũng như các nền kinh tế phát triển.
Thỏa thuận này đã giúp Chương trình Lương thực Thế giới cứu trợ các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng như Afghanistan, Sudan và Yemen.
Điều này giúp giải thích tại sao Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nỗ lực hết sức để gia hạn thỏa thuận.
Ông cũng đã gặp các nhân vật cấp cao của Liên minh châu Âu vào tuần trước để thảo luận về tác động của các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt đối với Nga vì cuộc xung đột của nước này vào Ukraina. Nhưng đã không có tuyên bố công khai về các cuộc đàm phán của họ.
(Nguồn: TASS/AFP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp