30/04/2022 08:50
Thổ Nhĩ Kỳ đang hưởng lợi từ các lệnh cấm vận mà phương Tây áp lên Nga?
Thổ Nhĩ Kỳ muốn tăng doanh thu từ du lịch lên mức trước đại dịch trong năm nay và vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng sau khi đồng lira mất đi ½ giá trị và du khách đến từ Nga là một trong những mục tiêu của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng, thương mại và du lịch của Nga. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 26,3 tỷ USD (25,07 tỷ Euro), trong khi Nga cũng là một trong những nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù là thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga về nguyên tắc và đã không tham gia cùng với lực lượng này.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraina trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng sâu sắc với lạm phát đạt mức cao nhất trong 20 năm do chi phí năng lượng và ngũ cốc tăng.
Đó là lý do tại sao doanh thu du lịch được coi là rất quan trọng để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai đang thiếu hụt, nhưng các hạn chế đối với thanh toán thẻ và hoạt động hàng không do lệnh trừng phạt đã gây ra lo ngại về sự sụt giảm đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và trong bối cảnh này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm ra giải pháp, đó là các du khách đến từ Nga.
Người Nga có thể thanh toán bằng thẻ Mir tại Thổ Nhĩ Kỳ
Các công ty thẻ khổng lồ của Mỹ là Mastercard và Visa đã đình chỉ hoạt động tại Nga như một phần trong lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây nhắm vào Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có một công thức khác qua đó cho phép khách du lịch Nga đến nước này mà không cần dùng đến thẻ Visa và Mastercard.
Nguyên nhân, người Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp cận nguồn tiền của họ thông qua hệ thống thanh toán "cây nhà lá vườn" của Nga có tên gọi là Mir.
Nga đã tạo ra Mir (tiếng Nga có nghĩa là "hòa bình" hoặc "thế giới") vào năm 2014 vì lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng và doanh nhân Nga do nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina có thể chặn các giao dịch được thực hiện bằng thẻ Mastercard và Visa.
Mir sau đó đã quảng bá đến một số nước có nhiều người Nga đến du lịch và sinh sống.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, thẻ Mir, được sử dụng để chuyển khoản ngân hàng, được chấp nhận trên toàn Liên bang Nga và 12 quốc gia khác, bao gồm Armenia, Kyrgystan, Kazakhstan, Belarus và Síp. Tính đến cuối năm 2021, tổng số thẻ Mir đã phát hành là 113,6 triệu.
Thanh toán bằng thẻ Mir ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện được chấp nhận bởi Isbank, Ziraat Bankasi và VakifBank. Isbank bắt đầu chấp nhận thẻ Mir vào năm 2019, do quan hệ thương mại giữa cả hai quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính và Kho bạc Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati cho biết, tỷ lệ sử dụng thẻ Mir ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức khoảng 15%. Các ngân hàng đang nỗ lực để tăng số tiền này, bỏ qua lời kêu gọi của ngân hàng trung ương Ukraina, theo đó Ukraina đề nghị các quốc gia bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đình chỉ tất cả các giao dịch bằng thẻ thanh toán Mir của Nga.
Hiện tại, ngoài thẻ Mir và tiền mặt, người Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn thanh toán nào khác do lệnh trừng phạt của phương Tây. Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã thận trọng trong việc mở tài khoản ngân cho những người Nga mới đến Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, hàng nghìn người Nga đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và coi đây là nơi trú ẩn an toàn trước các lệnh trừng phạt.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng, những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được hiểu là đang lách các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có bờ Biển Đen với cả Nga và Ukraina, có quan hệ kinh tế và chính trị "phức tạp" với cả hai quốc gia này, nhà kinh tế học Güldem Atabay ở Istanbul nói thêm rằng "cũng như Đức không thể áp đặt lệnh cấm vận năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ có lập trường về Nga và điều đó có thể hiểu là nước này đang cố bảo vệ mình".
Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải cẩn thận với cách tiếp cận của mình.
"Nếu có những nỗ lực mua năng lượng từ Nga và bán cho phương Tây, thì lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi từ đúng thành sai.
Bà Atabay cho biết, việc Mỹ truy tố công ty cho vay của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bị cáo buộc đã giúp Iran trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, là một trường hợp điển hình.
Chiến lược gia Timothy Ash của BlueBay Asset Management có trụ sở tại London cũng chỉ trích cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và cảnh báo trên Twitter rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang vi phạm ranh giới.
Có thể đạt được mục tiêu doanh thu du lịch?
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hy vọng vào sự phục hồi sau COVID-19 trong năm nay, nhắm mục tiêu doanh thu từ du lịch vào thời điểm trước đại dịch là 35 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đạt được mục tiêu này, theo bà Atabay, nguyên do xuất phát từ việc nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 10% trong năm nay.
"Đồng tiền của họ mất giá, lạm phát tăng cao. Do đó, sức mua của du khách Nga và người dân Nga giảm sút. Một số công dân Nga cũng không tham gia các kỳ nghỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ", bà nói.
Khoảng 4,7 triệu khách du lịch Nga, trong tổng số 24,7 triệu khách du lịch nước ngoài, đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, chiếm 19% tổng lượng khách du lịch đến nước này, tiếp theo là Đức với 12,5% và Ukraina với 8,3%, theo số liệu từ Bộ Du lịch.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement