09/09/2022 14:05
Phương Tây càng trừng phạt Nga, ông Putin càng đẩy mạnh 'bắt tay' với châu Á
Thành viên cấp cao của Viện Gatestone, ông Gordon Chang, và cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Rebekah Koffler đã có những phân tích về liên minh ngày càng phát triển giữa Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nhắm trực tiếp vào Mỹ và tuyên bố "sự trừng phạt của nước này" làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây, đồng thời củng cố châu Á như một thế lực trong tương lai.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố rằng "sự thống trị ngày càng suy yếu" của Washington là lý do khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu giáng đòn trừng phạt nghiêm khắc vào Moscow sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Ông nói: "Các nước phương Tây đang tìm cách duy trì trật tự thế giới của ngày hôm qua", tập trung vào niềm tin rằng Mỹ tấn công Moscow trong lĩnh vực kinh tế nhằm khôi phục sự thống trị của mình để đổi lấy thành công của châu Âu, chứ không phải để trả đũa cho chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Tổng thống Putin tuyên bố: "Châu Âu sắp vứt bỏ những thành tựu của mình trong việc xây dựng năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân và sự ổn định kinh tế-xã hội vào lò lửa trừng phạt, làm cạn kiệt tiềm năng của họ theo chỉ đạo của Washington vì liên minh châu Âu-Đại Tây Dương. Điều này tương đương những sự hy sinh nhân danh duy trì sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu".
Bài phát biểu của Putin trùng với thông báo hôm 7/9 rằng ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp mặt trực tiếp vào tuần tới, cuộc gặp lần đầu tiên kể từ khi Nga tấn công Ukraina.
Cuộc gặp này sẽ nhấn mạnh những nỗ lực của Nga và Trung Quốc trong việc củng cố liên minh hai nước khi căng thẳng với Mỹ và châu Âu gia tăng liên quan đến cảnh báo của phương Tây về sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài.
Trước khi Nga xâm lược Ukraina, Moscow và Bắc Kinh đã tuyên bố hai nước "không có giới hạn" trong quan hệ đối tác và kể từ đó, hai nước liên tục tập trận và đàm phán lại các thỏa thuận khí đốt để hạn chế sự phụ thuộc vào đồng USD và Euro.
Ngày 7/9, ông Putin tuyên bố: "Chúng ta đều thấy tận mắt rằng đồng USD, đồng Euro và đồng Bảng Anh đã không còn được tin tưởng như những loại tiền tệ phù hợp để thực hiện các giao dịch, lưu trữ dự trữ và định giá tài sản... Chúng tôi đang từng bước loại bỏ sự phụ thuộc này vào các loại ngoại tệ không đáng tin cậy và bị tổn hại".
Hiện nay, đồng Ruble vẫn có giá trị dưới 0,02 USD, mặc dù đã tăng nhẹ trước khi xung đột Nga-Ukraina nổ ra hồi tháng 2, trong khi đồng USD có giá trị gần bằng 7 Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng cho biết các lệnh trừng phạt quốc tế đã bắt đầu cho thấy tác động đối với năng lực tài trợ và tiếp tế của Nga ở Ukraina. Các báo cáo cũng cho thấy Putin có thể đang tìm kiếm các đối tác quốc tế để được hỗ trợ.
Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần này cũng có sự góp mặt của các quan chức Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Putin.
Vai trò của châu Á-Thái Bình Dương
Ông Putin nói: "Những thay đổi mang tính kiến tạo và không thể đảo ngược đã diễn ra trong suốt các mối quan hệ quốc tế... Vai trò của các quốc gia và khu vực năng động, đầy triển vọng trên thế giới, chủ yếu là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã tăng lên đáng kể".
Theo nhà báo Anissa El Jabri tại Vladivostok, từ khi cắt đứt quan hệ kinh tế với phương Tây, châu Á và đặc biệt là Trung Quốc đã trở thành ưu tiên số một của Nga. Tuy nhiên, đây không phải là một sự chuyển hướng do bị ép buộc, mà tại đây, ai cũng thể hiện tinh thần yêu nước và kiên quyết chống phương Tây.
Sáng 7/9, ông Andrei Kostin, Chủ tịch, Tổng Giám đốc ngân hàng VTP, ngân hàng mà Nhà nước Nga là cổ đông chiếm đa số, nhấn mạnh là toàn bộ các ngân hàng rồi sẽ đều bị trừng phạt, cho nên phải phi USD hóa và phi Tây phương hóa nền kinh tế.
Putin "xoay trục" sang châu Á
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/9 đến thị sát các cuộc tập trận quy mô với các đồng minh ở vùng Viễn Đông, trước khi đến phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế ở Vladivostok cho thấy khi căng thẳng với phương Tây càng gia tăng do cuộc chiến ở Ukraina, chủ nhân Điện Kremlin càng hướng về châu Á và nhất là tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Các cuộc tập trận mang tên Vostok-2022 đã bắt đầu từ ngày 1/9, với sự tham gia của các đơn vị quân đội đến từ nhiều nước có biên giới chung hay của các nước đồng minh với Nga như Belarus, Syria, Ấn Độ và đông nhất là Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Nga Ivan Konovalov nhận định: "Khi tham gia tập trận chung với Nga, Bắc Kinh chứng tỏ với Mỹ rằng trên thực tế họ là đồng minh của Nga và sẵn sàng cùng Nga đẩy lùi mọi mối đe dọa trong khu vực".
Theo nhận định của hãng tin AFP, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, Diễn đàn Vladivostok năm nay càng có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga do nền kinh tế nước này đang gánh chịu tác động của các trừng phạt.
Mặc dù ủng hộ Nga về mặt chính trị trong cuộc xung đột Ukraina và cũng rất cần đến nguồn dầu khí của Nga, nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn tránh giúp Moscow lách các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, chính vì vậy nên Tổng thống Nga càng muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế và an ninh với Trung Quốc.
Việc Nga "xoay trục" sang châu Á chủ yếu là vì lý do kinh tế. Do hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng có của phương Tây, Moscow buộc phải quay sang phương Đông để tìm các thị trường tiêu thụ, thị trường cung cấp để thay thế những thị trường đã bị mất, đặc biệt về dầu khí.
Tuần trước, các nước G7 đã thông qua nguyên tắc về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga nhằm làm giảm nguồn thu của Moscow từ loại nhiên liệu này. Đáp lại quyết định của các nước phương Tây, ngày 6/9, tại diễn đàn ở Vladivostok, Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Choulginov tuyên bố Nga sẽ xuất khẩu dầu thô nhiều hơn sang châu Á.
Riêng đối với Trung Quốc, tập đoàn Gazprom ngày 6/9 thông báo kể từ nay, Bắc Kinh sẽ trả các hợp đồng khí đốt của Nga bằng đồng Ruble và Nhân dân tệ, thay vì bằng đồng USD. Cũng tại diễn đàn, các hợp đồng mua bán khí đốt giữa hai nước đã được ký kết.
(Nguồn: Foxnews/RFI)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement