08/09/2022 17:52
Không thể cô lập Nga, châu Âu còn phải trả giá đắt
Phát biểu hôm 7/9 tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, hơn 6 tháng sau khi Moscow đưa quân vào Ukraina, nhà lãnh đạo Nga đã tìm cách xoay trục sang các đồng minh ở châu Á, Trung Đông và châu Phi khi đất nước của ông phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông nhấn mạnh: "Dù ai đó muốn cô lập Nga đến đâu, thì cũng khó có thể làm được điều này". Ông cho biết đại dịch COVID-19 đã được thay thế bằng những thách thức toàn cầu khác "đe dọa toàn thế giới", bao gồm "cơn sốt trừng phạt ở phương Tây".
Theo ông, nền kinh tế Nga đang "vượt qua" hàng loạt các lệnh trừng phạt và mối quan hệ của Điện Kremlin với phương Tây đang rơi xuống mức thấp mới. Ông Putin tuyên bố sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho bất kỳ quốc gia nào áp mức giá trần đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, giống như Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất làm điều đó, đồng thời cho rằng việc áp đặt giá trần "sẽ là một quyết định hoàn toàn ngu ngốc".
Châu Âu, nơi phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp của Nga, đã cáo buộc Moscow lợi dụng năng lượng làm vũ khí và hôm 7/9, người đứng đầu EU Ursula von der Leyen đã đề xuất rằng các nước thành viên nên đồng ý áp mức giá trần.
Trước đó, hôm 2/9, các nước công nghiệp phát triển G7 tuyên bố sẽ khẩn trương tiến tới việc thực hiện áp giá trần đối với nhập khẩu khí đốt của Nga, trong nỗ lực cắt giảm nguồn tài trợ chính cho hành động quân sự của Moscow ở Ukraina.
Cơ hội mới tuyệt vời
Việc Putin tham gia diễn đàn ở Viễn Đông - khu vực có quan hệ địa chính trị và kinh tế chặt chẽ với các nước láng giềng của Nga ở châu Á - diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Nga thị sát các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở đó. Cuộc diễn tập này kéo dài một tuần, được gọi là Vostok-2022, đã kết thúc vào hôm 7/9 và có sự tham gia của một số quốc gia thân thiện với Điện Kremlin, bao gồm cả quân đội do Bắc Kinh cử tới.
Khi Moscow tìm cách tăng cường quan hệ với châu Á - đặc biệt là đồng minh quan trọng là Trung Quốc - ông Putin hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các vấn đề toàn cầu.
Ông nhấn mạnh: "Vai trò ... của các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tăng lên đáng kể", đồng thời nói thêm rằng quan hệ đối tác sẽ tạo ra "những cơ hội tuyệt vời mới cho người dân của chúng ta".
Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thứ - nhân vật số 3 ở Bắc Kinh - đã tham gia diễn đàn và có cuộc gặp song phương với Putin. Nhà lãnh đạo Nga dự kiến vào tuần tới sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã không rời Trung Quốc kể từ năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Hai lãnh đạo sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại Uzbekistan từ ngày 15-16/9. Bắc Kinh và Moscow đã xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây, tăng cường hợp tác như một phần của mối quan hệ mà họ gọi là mối quan hệ "không có giới hạn", đóng vai trò là đối trọng với sự thống trị toàn cầu của Mỹ.
Bắc Kinh đã từ chối lên án sự can thiệp của Moscow vào Ukraina, trong khi Moscow hoàn toàn đoàn kết với Bắc Kinh trong chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo Đài Loan tự trị, nơi Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình.
Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác hơn nữa, Nga đã thông báo hôm 6/9 rằng Trung Quốc sẽ chuyển thanh toán từ USD sang tiền tệ quốc gia của hai nước – Nhân dân tệ và Ruble - để thanh toán cho việc cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.
Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt khiến châu Âu "khổ sở"
Moscow đã đổ lỗi cho các nước phương Tây về quyết định không mở lại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau khi đường ống này bị đóng 3 ngày để bảo trì. Khi được hỏi nguồn cung cấp có trở lại nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, một phát ngôn viên của Kremlin nói: "Chắc chắn là như vậy".
Điện Kremlin khẳng định các biện pháp trừng phạt đã ngăn cản việc bảo trì thích hợp cơ sở hạ tầng khí đốt của Nga và đặc biệt, đã ngăn chặn công ty Đức Siemens đưa tuabin hiện đang được sửa chữa ở Canada trở lại.
Còn ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông: "Họ nói rằng Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí. Thật vô lý! Chúng tôi sử dụng năng lượng làm vũ khí để làm gì? Chúng tôi cung cấp bao nhiêu tùy theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Hãy cho chúng tôi một tuabin, chúng tôi sẽ khởi động lại đường ống này hoạt động vào ngày mai".
Đề xuất áp đặt giá trần khí đốt của bà Von der Leyen được đưa ra vài ngày sau khi Nga đóng cửa đường ống Nord Stream quan trọng đến châu Âu, nói rằng nó sẽ được sửa chữa trong một khoảng thời gian không xác định. Giá xăng tăng vọt hôm 5/9 do lo ngại gia tăng về nguồn cung cấp năng lượng.
Tháng trước, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan, một tiêu chuẩn của châu Âu, đã tăng tới 30% vào đầu phiên giao dịch hôm 5/9. Giá bán buôn có nhiều biến động trong những tuần gần đây. Giá giảm mạnh tuần trước khi Đức thông báo các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ đang đẩy nhanh hơn dự kiến.
Châu Âu cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung cấp khí đốt để tống tiền các nước châu Âu vì cuộc xung đột Ukraina. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 5/9: "Các vấn đề vận chuyển khí đốt này là do lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây, bao gồm Đức và Anh, áp đặt với đất nước chúng tôi và một số công ty. Chẳng có lý do nào khác dẫn tới các vấn đề này".
Tuy Anh không phải phụ thuộc vào Nord Stream 1 cho khí đốt, song quyết định của Kremlin siết lại cung cấp cho châu Âu đã làm giá bán buôn khí đốt tăng. Sự gia tăng này lại là nguyên nhân khiến giá năng lượng sắp tới có nguy cơ tăng vọt cho người tiêu dùng ở Anh, Wales và Scotland.
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã cam kết sẽ công bố kế hoạch giải quyết giá năng lượng. Một số chính phủ châu Âu đã đưa ra kế hoạch giúp đỡ doanh nghiệp và người tiêu dùng đối phó với chi phí năng lượng cao.
Trước đó, ngày 4/9, Đức tuyên bố gói 65 tỷ euro (khoảng 64 tỷ USD) bao gồm các khoản thanh toán một lần cho những người khó khăn nhất và giảm thuế cho các công ty dùng nhiều năng lượng. Cuối tuần qua, Thụy Điển và Phần Lan cũng công bố các gói vài tỷ USD để hỗ trợ các công ty năng lượng.
(Nguồn: India Times/BBC/RFI)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement