24/03/2023 21:34
Ông Putin có thể bị bắt giữ theo lệnh truy nã của ICC?
Câu hỏi được đặt ra là liệu lãnh đạo của một quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) có thể bị bắt giữ hay không, trong khi mà Nga không thừa nhận thẩm quyền của ICC?
Liên quan đến vấn đề này, tạp chí "Time Magazine" và báo "Le Monde" có bài phân tích đáng chú ý như sau:
Ông Vladimir Putin bị cáo buộc những tội danh nào?
Theo tạp chí "Time Magazine", thông báo của ICC được đưa ra sau khi Ủy ban Nhân quyền LHQ công bố một báo cáo trong đó cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược Ukraina. Một trong những cáo buộc đối với ông Putin là cưỡng bức hàng nghìn trẻ em Ukraina đến Nga.
Theo giới chuyên gia, những tội ác này không chỉ đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất, khiến gia đình chia cắt, mà còn thể hiện một nỗ lực có hệ thống nhằm xóa bỏ bản sắc Ukraina bằng cách cải tạo những đứa trẻ này thành người Nga.
Theo hai điều khoản trong Quy chế Rome, tức văn kiện thành lập ICC, hành động cưỡng bức đưa người Ukraina sang Nga được cho là "trục xuất bất hợp pháp thường dân" và chuyển những người này một cách bất hợp pháp từ vùng bị chiếm đóng ở Ukraina sang Nga. ICC cũng phát lệnh bắt giữ bà Maria Lvova-Belova, Ủy viên Tổng thống về Quyền của trẻ em tại Nga, với cùng tội danh.
Mặc dù chưa biết chính xác bao nhiêu trẻ em được đưa đến Nga, nhưng theo báo cáo của LHQ, cả chính quyền Nga và Ukraina đều cho hay hàng trăm nghìn trẻ em Ukraina đã đến Nga. Các quan chức Nga bị cáo buộc trao những đứa trẻ này cho các gia đình nhận con nuôi và cấp quốc tịch Nga cho các em, trong số đó có những trẻ đã bị mất cha mẹ hoặc bị chia cắt khi bố mẹ bị bắt.
Nga đã công khai thừa nhận sự tồn tại của "chương trình trẻ em" này, nhưng khẳng định việc đưa những đứa trẻ này đến Nga là để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, các báo cáo khác, như của Ủy ban điều tra LHQ, đã phản bác lập luận đó và cho rằng: "Việc di dời dân cư không thể được biện minh bởi lý do về an toàn hay y tế… Chính quyền Nga cũng không tìm cách liên lạc với người thân của những đứa trẻ này hay với chính quyền Ukraina".
Liệu ông Putin có thể bị bắt?
Tổng thống Nga sẽ khó có thể bị bắt giữ khi đang nắm quyền. ICC không có lực lượng an ninh của riêng mình và phụ thuộc vào các quốc gia (thừa nhận cơ quan này) để thực thi lệnh bắt giữ.
Nga không thừa nhận Quy chế Rome và thời gian tới, ông Putin khó có thể đến thăm một quốc gia thừa nhận Quy chế này (gồm 123/193 quốc gia thành viên LHQ). Nhưng ngay cả khi Putin ra khỏi lãnh thổ Nga, cũng không có gì bảo đảm là ông sẽ bị bắt vì còn tùy các nước ông đến có sẵn sàng bắt ông hay không.
Nga vẫn là một trong những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Việc bắt giữ Tổng thống Putin có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với bất cứ quốc gia nào thực hiện điều này.
Trong quá khứ, lệnh truy nã của ICC đã từng bị phớt lờ, như trường hợp của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Ông đã ra nước ngoài nhiều lần bất chấp lệnh bắt giữ của ICC vì liên quan đến nạn diệt chủng ở Darfur.
Ngay cả khi Tổng thống Nga và phe của ông mất quyền lực ở Nga, và một chính phủ khác muốn dẫn độ ông Putin đến La Haye, trụ sở của ICC, cũng có một trở ngại lớn: Hiến pháp Nga cấm dẫn độ công dân Nga sang một quốc gia khác. ICC cũng không có khả năng xét xử Putin mà không bắt giữ ông, bởi tòa án không thể xử vắng mặt.
Nếu ông Putin không bị bắt, những cáo buộc này có tác động gì?
Thông báo này tác động đến dư luận quốc tế và công luận nước Nga, đồng thời làm suy yếu vị thế của ông Putin trên trường quốc tế. Tại Nga, ông Putin tự coi mình là nhà lãnh đạo đề cao các giá trị truyền thống, bảo vệ trẻ em, trái ngược với một phương Tây "không trong sạch".
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến Ukraina, nhiều nước phương Tây đã xa lánh Nga, nhưng ông Putin vẫn hy vọng nhận được ủng hộ từ các quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi, những nước có thể cho rằng Nga buộc phải hành động như vậy là do mối đe dọa NATO.
Nay quyết định của ICC có thể làm lung lay lập trường của những nước đó. Hơn nữa, thông báo này có thể thúc đẩy sự ủng hộ của các nước thành viên NATO dành cho Ukraina về mặt quân sự và làm NATO thêm hùng mạnh.
Những nguyên thủ quốc gia nào từng bị truy nã quốc tế?
Theo tờ "Le Monde", ông Putin là nguyên thủ quốc gia thứ 4 bị truy nã khi đang cầm quyền. Trước đó là Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic bị tòa Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ truy nã vào năm 1999, hay lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir vào năm 2009 và lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi vào năm 2001.
Trong số những nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo quân sự cấp cao bị công lý quốc tế truy nã, 83% phải đối mặt với công lý.
Những lời buộc tội ông Putin càng vang dội hơn khi tư pháp quốc tế trong ba thập kỷ qua đã không có đóng góp gì cho hòa bình.
Ba mươi năm sau khi đặt nền móng cho việc thành lập các tòa án quốc tế đầu tiên (cho Nam Tư cũ vào năm 1993 và sau đó là cho Rwanda 1994), 20 năm sau khi thành lập ICC vào năm 2002, dù có những cố gắng thực hiện lời hứa với công lý quốc tế, không gì có thể ngăn cản Nga phạm tội xâm lược Ukraina, phạm tội ác chiến tranh và sau đó là tội ác chống nhân loại, thậm chí là tội ác diệt chủng.
Ông Putin còn bị truy tố vì các tội ác chiến tranh khác, như là trong những vụ binh sĩ quân đội Nga bị cáo buộc đã ám sát, tra tấn và hiếp dâm thường dân Ukraina.
Tại sao ICC khó thực thi công lý?
Thứ nhất là do Mỹ, Trung Quốc và Nga, 3 cường quốc hàng đầu thế giới, 3 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, vẫn không công nhận ICC, mặc dù cơ quan này được 123/193 quốc gia thành viên LHQ công nhận.
Thứ hai, chính Mỹ, lãnh đạo của phương Tây và phe dân chủ, cũng đã bị xem là vi phạm luật pháp quốc tế, phạm tội xâm lược Iraq và tội ác chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và trong các nhà tù bí mật của CIA ở Guatanamo, mà không bị trừng phạt.
Chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush (2001-2009) và việc Washington tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đồng minh có khả năng bị tư pháp quốc tế nhắm đến, khiến Mỹ bị coi là có thái độ "nhất bên trọng nhất bên kinh".
Lệnh truy nã mang tính biểu tượng?
Đây là quyết định táo bạo nhất kể từ khi bản cáo trạng đầu tiên được đưa ra đối với Tổng thống Slobodan Misolevic của Nam Tư. Lúc đó, ít người dám tin rằng Milosevic sẽ bị chính nước ông chuyển đến tòa án ở La Haye hai năm sau đó. Misolevic đã sống những ngày cuối đời trong một nhà tù của LHQ.
Lệnh truy nã Tổng thống Putin không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thể gây ra nhiều hậu quả chính trị. Như vậy là kể từ nay, lãnh đạo Nga không thể công du 123 nước công nhận thẩm quyền của ICC, mà trớ trêu thay, trong đó lại bao gồm những nước chủ chốt trong chính sách "bành trướng" của ông Putin, như Gruzia, Serbia và Hungary - những nước đồng minh châu Âu duy nhất của Tổng thống Nga, hay những nước mới nổi quan trọng, như Brazil hay Nam Phi.
Trên thực tế, qua việc từ chối các nỗ lực hòa giải chiến tranh Ukraina-Nga, ông Putin bị chuyển từ đối tượng có thể đàm phán thành người bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, bị cô lập. Ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tiếp tục đàm phán với ông Putin, thật khó có thể tưởng tượng rằng Tổng thư ký LHQ hay lãnh đạo một nước dân chủ nào đến Moskva và bắt tay lãnh đạo Nga.
Hậu quả khó lường nhất, ngoài cách mà xã hội Nga nhìn vị lãnh đạo của mình, đó là cuộc xung đột Nga-Ukraina. Không một quốc gia hay trung gian hòa giải nào có thể hủy bỏ lệnh bắt giữ của ICC. Cho dù không gì có thể bảo đảm rằng Tổng thống Nga sẽ bị xét xử vào một ngày nào đó và công lý được thực thi, ông Vladimir Putin kể từ nay bị đóng dấu "ô nhục".
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement