07/07/2022 14:07
Những mưu đồ của Trung Quốc dành cho Ấn Độ
Trang mạng Indiandefense News ngày 6/7 đăng bài phân tích về những thách thức mang tên "Trung Quốc" đối với Ấn Độ. Sau đây là nội dung bài viết.
Trong bối cảnh thế giới đang tập trung chú ý vào tình hình Ukraina, các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia thành viên BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 dưới hình thức trực tuyến, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.
Do một số trọng tâm cuộc họp tập trung vào khả năng mở rộng khối sang Iran, Argentina, và Pakistan, Ấn Độ đã có thể tránh được sự thù hằn của các đối tác là Trung Quốc và Nga đối với các nước phương Tây, thay vào đó chủ yếu tập trung vào tình hình nhân đạo ở Ukraina.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người mới đây đã gặp các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở miền Nam nước Đức, đã cố gắng tránh những cạm bẫy ngoại giao có thể gây tổn thương cho mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ.
Tương tự, việc kiềm chế tham gia làn sóng chống Nga của phương Tây trong khi biết Moskva sẽ là mục tiêu chỉ trích chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7 cho phép Ấn Độ cân bằng được 2 mối quan hệ song phương mong manh.
Trong nhiều tuần, trọng tâm chương trình nghị sự tập trung một cách bất thường vào việc liệu Hội nghị thượng đỉnh BRICS có được tổ chức trực tiếp hay không vì những cơ hội đàm phán mong manh có thể xuất hiện, điều mà Trung Quốc trông đợi. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng và bế tắc ở Đông Ladakh – nơi Trung Quốc vẫn tập trung quân ở bên kia Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC).
Việc Bắc Kinh từ chối rút quân trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS có thể đã khiến Thủ tướng Modi thực hiện một chuyến thăm trực tiếp. Hơn nữa, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa thể thống nhất về cấp độ tiếp theo (vòng 16) của các cuộc đàm phán cấp tư lệnh quân đoàn, sau khi vòng 15 được tổ chức hồi tháng 3 vừa qua.
Các cuộc đàm phán cấp ngoại giao và quân sự giữa hai bên đã không đạt được tiến triển nào do những bất đồng cơ bản giữa hai bên. Những khác biệt dai dẳng này đang ngày càng công khai tác động tới các cuộc gặp song phương và đa phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong các vấn đề chống khủng bố, quyền hàng hải, chủ quyền và Sáng kiến "Vành đài và Con đường" (BRI), những bất đồng giữa hai nước có xu hướng ngày càng rõ rệt. Nổi bật nhất trong động thái gần đây của Trung Quốc là ngăn chặn đề xuất chung của Ấn Độ và Mỹ về việc liệt Abdul Rehman Makki, thủ lĩnh khét tiếng của mạng lưới Lashkar-e-Toiba (LeT) có trụ sở ở Pakistan, vào danh sách các phần tử khủng bố toàn cầu theo Ủy ban trừng phạt Liên hợp quốc.
Điều này trái ngược với các nỗ lực tăng cường hợp tác chống khủng bố thông qua các nước BRICS. Với việc thảo luận về khả năng mở rộng BRICS, bao gồm Iran và Pakistan, chương trình chống khủng bố của BRICS khó có thể thành hiện thực.
Hơn nữa, các cam kết chống khủng bố ngày càng tăng của Ấn Độ trong nhóm Bộ tứ sẽ tạo cho New Delhi những lý do mạnh mẽ hơn để vạch ra một lộ trình hợp tác khác trong các vấn đề gay gắt vốn chia rẽ lập trường giữa các quốc gia thành viên BRICS.
Ấn Độ từng nhắc nhở Bắc Kinh về những cam kết của họ với luật pháp quốc tế khi Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar hồi tháng 5 vừa qua chỉ ra rằng "BRICS đã nhiều lần khẳng định tôn trọng bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế. Chúng ta phải tuân theo những cam kết này".
Trung Quốc đã muốn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các sự kiện diễn ra dọc biên giới với Ấn Độ, khi tờ Thời báo Hoàn cầu tuyên bố rằng "Trung Quốc và Ấn Độ không nên để vấn đề biên giới ảnh hưởng đến sự phát triển chung của mối quan hệ song phương".
Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Ladakh về nhiều mặt đã làm suy yếu khả năng của các quốc gia BRICS trong việc phối hợp chính sách một cách thường xuyên, hay nói rộng hơn là phá vỡ hiện trạng địa chính trị và kinh tế do phương Tây lãnh đạo.
Bên cạnh đó, Ấn Độ và Trung Quốc còn cạnh tranh ở các diễn đàn khác; ví dụ trong Hội đồng Bảo an LHQ, khi Trung Quốc từ chối ủng hộ quy chế ủy viên thường trực của Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ không mấy mặn mà với sáng kiến BRI của Trung Quốc.
Thất vọng vì không đạt được tiến triển đáng kể nào cũng như sự thiếu phối hợp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, Trung Quốc đã đề xuất mở rộng khối, trong đó Pakistan đứng đầu danh sách. Trung Quốc đã mời Pakistan tham dự "Đối thoại cấp cao về Phát triển toàn cầu", nhưng bị Ấn Độ ngăn cản, khiến Bắc Kinh tức giận. Thủ tướng Modi coi việc trì hoãn nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng BRICS là ưu tiên, thay vào đó ông đề nghị khối trước hết phải xác định tư cách của các thành viên mới.
Hôm 4/7, Iran đã nộp đơn xin gia nhập, một đề xuất có thể gây ngạc nhiên cho New Delhi, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Iran-Ấn Độ ấm lên sau khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian thăm chính thức Ấn Độ hồi đầu tháng 6 vừa qua và gặp người đồng cấp nước chủ nhà Jaishankar.
Mặc dù Ấn Độ không phản đối việc mở rộng BRICS nếu ý tưởng này thúc đẩy tinh thần thực sự của chủ nghĩa đa phương, nhưng việc đưa các quốc gia như Iran và Pakistan vào BRICS có thể thu hẹp sự lựa chọn và khả năng điều động của Ấn Độ trong khối.
Khi đó, một BRICS mở rộng sẽ bao gồm 4 quốc gia hoặc phản đối phương Tây hoặc đang xích lại gần Trung Quốc: Iran, Trung Quốc, Pakistan và Nga. Đối với Ấn Độ, việc dung hòa giữa việc tham gia BRICS và các nhóm do phương Tây dẫn đầu như G7 như trong vài tuần qua có lẽ báo hiệu một thách thức đang chờ Ấn Độ ở phía trước.
Khi những rạn nứt trong trật tự chính trị, kinh tế và quân sự toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng hơn, BRICS cũng như hình thức mở rộng của khối trong tương lai có thể trở thành một không gian hạn chế hơn rất nhiều cho Ấn Độ thực hiện các lựa chọn toàn cầu và khu vực.
Cuối cùng, xu hướng của Bắc Kinh đưa các vấn đề song phương vào các cơ chế đa phương như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS có thể giúp Trung Quốc định hình địa chính trị lớn hơn trong tương lai, nhưng điều này không có lợi cho hoạt động lành mạnh của tổ chức đa phương. Do đó, khả năng hợp tác của Ấn Độ với các nhóm do phương Tây dẫn đầu làm lu mờ các mưu đồ của Trung Quốc.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp