18/02/2024 12:26
Nhìn lại 2 năm cuộc chiến Nga-Ukraina: Thời gian đang đứng về phía ông Putin?
Đã 2 năm trôi qua kể từ cuộc xâm lược Ukraina của Moskva vào tháng 2/2022 - lâu hơn rất nhiều nếu việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraina năm 2014 được coi là điểm khởi đầu. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào khả năng phục hồi của các bên tham chiến, lần lượt được hình thành bởi ý chí và khả năng duy trì cuộc xung đột của họ.
Không ai nghi ngờ quyết tâm của cả Nga lẫn Ukraina trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, rủi ro ngày càng lớn đối với khả năng tiếp tục chiến đấu của Ukraina. Kiev đang thiếu thiết bị và đạn dược - đặc biệt là đạn pháo cũng như thiết bị phòng không và tác chiến điện tử. Ukraina cũng cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để duy trì sự phát triển của nền kinh tế. Đây là điểm yếu của Kiev - và không có con đường rõ ràng nào dẫn đến một tương lai bền vững.
Thỏa thuận muộn màng của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng này về gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ Euro trong 4 năm cho Ukraina sẽ giúp ích. Tuy nhiên, Kiev phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về trang thiết bị quân sự.
Vì vậy, điều đặc biệt đáng lo ngại là gói hỗ trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraina vẫn bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ, trong bối cảnh tranh cãi về an ninh biên giới và sự hoài nghi ngày càng tăng của Đảng Cộng hòa đối với kế hoạch viện trợ cho Kiev.
Sự không chắc chắn về tác động của cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ vào tháng 11/2024, sự chú ý dành cho cuộc xung đột Israel-Gaza và nguy cơ xảy ra chiến tranh rộng hơn ở Trung Đông… tất cả sẽ khiến Kiev lo lắng về sức mạnh bền bỉ của những người ủng hộ phương Tây.
Trong khi đó, với những áp lực trên chiến trường và triển vọng hỗ trợ bấp bênh của phương Tây, chính trị trong nước đã trở thành tâm điểm ở Kiev. Đáng chú ý, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thất bại trong vai trò lãnh đạo quân sự của mình, với một cuộc phản công phần lớn bị cản trở vào năm ngoái, dẫn đến việc thay thế chỉ huy quân đội nổi tiếng Valerii Zaluzhnyi.
Đáng tiếc thay, những khó khăn của Kiev lại là tin tốt đối với Moskva. Chúng củng cố niềm tin của Tổng thống Vladimir Putin rằng thời gian đang đứng về phía Nga, rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev chắc chắn sẽ suy yếu, trong khi áp lực quân sự ngày càng tăng của Nga đối với nước láng giềng nhỏ hơn cuối cùng sẽ khiến Ukraina suy sụp.
Thật không may, ông Putin có lý.
Không bên nào (Nga và Ukraina) từ bỏ mục tiêu chiến tranh đã tuyên bố của họ. Đối với Putin, người từ lâu bị ám ảnh bởi Ukraina, điều này có nghĩa là buộc Kiev phải tuân theo và quay trở lại phạm vi ảnh hưởng của Nga một cách vững chắc.
Trong khi đó, Ukraina - bị cuộc tấn công của Nga lôi kéo vào một cuộc đấu tranh sinh tồn nhằm duy trì tình trạng độc lập và sự sống còn của mình – vẫn quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga hiện đang tuyên bố chủ quyền.
Hiện tại, cả Ukraina lẫn Nga đều không có đủ khả năng để đạt được mục tiêu của mình một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, họ cũng không sẵn sàng ngừng chiến đấu và đàm phán, ngoại trừ những điều kiện của riêng họ.
Trên chiến trường miền Đông Ukraina, triển vọng không mấy tốt đẹp đối với Kiev. Các lực lượng Ukraina bị bao vây, thiếu đạn pháo và các trang thiết bị khác, bị áp đảo về số lượng và hỏa lực, khi mà tên lửa, máy bay không người lái (drone) và năng lực tác chiến điện tử của Nga đang gây thiệt hại nặng nề cho họ.
Một điểm sáng đối với Ukraina là ở Biển Đen, nơi Ukraina có thể mở lại các tuyến thương mại hàng hải quan trọng và tiến hành chiến tranh tới Bán đảo Crimea thông qua các phương tiện kết hợp.
Tuy nhiên, ở những nơi khác dọc theo chiến tuyến, tình hình đang rất tồi tệ đối với Ukraina. Nga đang đạt được tiến bộ đáng kể, mặc dù phải trả giá đắt về sinh mạng. Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, những lợi ích như vậy có thể không đáng kể nhưng có tác động tích lũy.
Trong khi đó, trái ngược với những khó khăn về trang thiết bị quân sự của Ukraina, Moskva đã ồ ạt tăng chi tiêu quốc phòng, tăng hơn 30% trong năm qua. Điều này góp phần tạo nên khả năng phục hồi bất ngờ của nền kinh tế Nga.
Nó được củng cố bởi doanh thu từ dầu khí, đặc biệt là từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga đã tăng cường sản xuất trang thiết bị quân sự ở trong nước nhằm bù đắp những tổn thất to lớn trong 2 năm qua. Nga được hưởng lợi từ nguồn cung cấp công nghệ lưỡng dụng của Trung Quốc, đạn dược và tên lửa của Triều Tiên cũng như drone của Iran.
Ở trong nước, chế độ của ông Putin được củng cố bởi sự kết hợp giữa tuyên truyền lan rộng và kiểm soát đàn áp trong nước, nhằm ngăn chặn những người bất đồng chính kiến. Điều này không có nghĩa là sự ổn định của chế độ được đảm bảo: phản ứng ban đầu chậm chạp và do dự của Điện Kremlin trước cuộc nổi dậy của người đứng đầu tập đoàn Wagner - ông Yevgeny Prigozhin - vào tháng 6 năm ngoái cho thấy cơ cấu quyền lực của Nga có sự rạn nứt.
Và việc Điện Kremlin ủng hộ một đối thủ bề ngoài đã được thuần hóa của Putin trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm nay, dưới hình thức nghị sĩ vô danh Boris Nadezhin, đã phản tác dụng. Sự ủng hộ lớn bất ngờ của công chúng đối với việc Nadezhin ứng cử (dù hiện đã bị loại) đã chỉ ra sự bất mãn tiềm ẩn và dẫn đến một cuộc biểu tình chống Điện Kremlin trong im lặng.
Hơn nữa, việc Nga ngày càng chuyển sang nền kinh tế chiến tranh sẽ gây ra những tổn thất - về mặt thúc đẩy lạm phát và chuyển hướng các nguồn lực khỏi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội.
Tuy nhiên, điều này sẽ không cản trở việc Putin tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5, cũng như không ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Moskva đối với cuộc chiến ở Ukraina. Tuy nhiên, nó sẽ khiến giới tinh hoa cầm quyền vốn luôn cảm thấy bất an cảm thấy lo lắng.
Đây sẽ là một năm khó khăn đối với Ukraina. Giữ vững vị thế chiến trường hiện tại, bảo tồn và tái thiết các nguồn tài nguyên, đồng thời cố gắng làm suy yếu khả năng của Nga thông qua chiến tranh bất đối xứng, đặc biệt là ở Bán đảo Crimea, có thể là lựa chọn thực tế nhất của Ukraina.
Vấn đề là việc thiếu tiến bộ trên chiến trường có nguy cơ khuyến khích những người ủng hộ phương Tây thiếu kiên nhẫn thúc giục Kiev tạm dừng cuộc chiến và đạt được thỏa thuận với Moskva. Điều này có thể dẫn tới một lệnh ngừng bắn - vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, bất kỳ sự thỏa hiệp nào chắc chắn sẽ củng cố lợi ích lãnh thổ của Nga, tạo điều kiện cho cuộc chiến của nước này và làm suy yếu chủ quyền của Ukraina - và có nguy cơ khiến Moskva trở nên táo bạo hơn về lâu dài. Điều đó dường như khó có thể là một kết quả có lợi cho NATO chứ chưa nói đến lợi ích của Ukraina.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement