23/06/2022 10:33
Nga đã thua trong cuộc chiến ở Ukraina?
Nga tiếp tục giành ưu thế trên thực địa ở Ukraina, đặc biệt là ở khu vực Donbass, nơi cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt nhất. Nhưng xét về góc độ dài hạn, Nga đã thua trong cuộc chiến này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể và sẽ gây thêm nhiều đau khổ hơn cho Ukraina, cho dù quân đội Nga không đủ mạnh để lật đổ chính phủ Zelensky và chiếm toàn bộ Ukraina như ông từng hy vọng ban đầu.
Tuy nhiên, ông Putin tự tin rằng Ukraina không đủ mạnh để đẩy lùi lực lượng quân sự Nga khỏi những vùng lãnh thổ mà họ đang chiếm đóng, và cũng hiểu rằng lạm phát lương thực và nhiên liệu toàn cầu do cuộc chiến mà ông gây ra sẽ kiểm tra giới hạn quyết tâm của phương Tây trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraina như hiện tại.
Nhưng xét về góc độ dài hạn, Nga đã thua trong cuộc chiến này, và quyết định tấn công Ukraina của Putin sẽ được ghi nhớ là một trong những sai lầm lớn nhất của một nhà lãnh đạo một cường quốc trong nhiều thập kỷ.
Putin hy vọng cuộc chiến của ông sẽ đạt được kết quả gì? Các mục tiêu mà ông đã đưa ra khi phát lệnh mở chiến dịch quân sự này là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraina. Bằng cách phi phát xít hóa, ông muốn loại bỏ bất kỳ chính phủ Ukraina nào muốn quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu hơn là với Nga. Với việc phi quân sự hóa, ông muốn tước bỏ mọi khả năng của Ukraina trong việc thách thức sự thống trị của Nga trong tương lai, bất kể ai nắm quyền ở Kiev.
Tham vọng của Putin còn vươn xa ra ngoài lãnh thổ Ukraina. Ông cũng muốn chứng minh cho Mỹ và châu Âu thấy rằng Nga nên được coi là một cường quốc có khả năng xác định phạm vi ảnh hưởng của riêng mình.
Ông muốn cho thấy rằng các cường quốc phương Tây đều có ý chí yếu kém và chia rẽ. Ông cũng hy vọng sẽ củng cố vị thế của mình với người dân Nga, giống như vụ sáp nhập Bán đảo Crimea hồi năm 2014 đã củng cố uy tín của ông.
Putin đã đạt được những gì?
Putin đã cho thấy Nga là một cường quốc ảo tưởng và nguy hiểm, muốn xem xét lại cấu trúc an ninh của châu Âu và vẽ lại các đường biên giới của một quốc gia dân chủ láng giềng bằng vũ lực và một loạt lời nói dối về động cơ của nó.
Putin đã chứng minh rằng ông không biết người Ukraina sẵn sàng chiến đấu vì điều gì hoặc phương Tây sẽ phản ứng như thế nào trước hành động xâm lược quy mô lớn của Nga. Putin đã gây thiệt hại cho quân đội của chính mình. Số binh sĩ Nga thiệt mạng trong 100 ngày ở Ukraina nhiều hơn so với con số hồng quân Liên Xô đã chết trong một thập kỷ ở Afghanistan.
Một số lượng lớn xe tăng và vũ khí hạng nặng khác đã bị hủy diệt. Nguồn tiếp tế pháo binh ngày càng cạn kiệt. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm đe dọa an ninh quốc gia sẽ càng làm suy yếu nỗ lực tiếp tế và tái cung cấp của Nga.
Putin cũng đã cho phần còn lại của thế giới thấy được khả năng, hạn chế và lỗ hổng của Nga. Ông cũng gây thiệt hại đáng kể cho tinh thần của một lực lượng chiến đấu không được trang bị đầy đủ cho sứ mệnh mà nhà lãnh đạo của họ đã lên kế hoạch.
Putin đã mang lại cho châu Âu và Mỹ một cảm giác về mục đích chung đã không tồn tại kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ông đã nhắc nhở nhiều người châu Âu tại sao sự giúp đỡ của Mỹ lại có giá trị như vậy và cho người Mỹ thấy rằng châu Âu sẽ có những lựa chọn khó khăn và hy sinh đau đớn để bảo vệ các giá trị của phương Tây.
Putin đã mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất chấp sự phản đối của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, và tăng gấp đôi chiều dài biên giới Nga-NATO bằng cách thuyết phục Phần Lan và Thụy Điển rằng họ an toàn hơn nếu gia nhập liên minh quân sự phương Tây thay vì đứng bên ngoài liên minh. Khoảng 2/3 cử tri Đan Mạch, quốc gia vốn có tư tưởng hoài nghi châu Âu, đã bỏ phiếu ủng hộ thắt chặt quan hệ quốc phòng với EU.
Putin đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế Nga với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, mà khó có thể được dỡ bỏ chừng nào Putin vẫn nắm quyền. Ông đã tạo ra sự thiếu hụt dài hạn các phụ tùng thay thế quan trọng cho ngành sản xuất của Nga.
Ông đã đặt mình vào thế dễ bị chỉ trích không chỉ từ những người Nga không muốn bị quốc tế cô lập, điều mà họ biết là sẽ đến, mà còn từ những người nghĩ rằng ông đã xử lý sai một cuộc chiến mà lẽ ra Nga phải thắng một cách dễ dàng.
Ukraina bị tàn phá nặng nề từ khi cuộc chiến diễn ra.
Putin đã thuyết phục EU cắt giảm mạnh nhập khẩu năng lượng của Nga, một nguồn thu quan trọng của chính phủ Nga. Ông đã chứng minh cho các nhà lãnh đạo châu Âu thấy rằng họ phải chi nhiều tiền hơn cho phòng thủ của châu Âu. Tất cả những diễn biến này gần như không thể tưởng tượng được trước khi Nga bắt đầu tập trung quân đội dọc biên giới Ukraina.
Putin cũng đã khiến nước Nga phải phụ thuộc sâu sắc vào thiện chí hạn chế của Trung Quốc. Quá trình chuyển xuất khẩu khối lượng lớn năng lượng của Nga từ châu Âu sang châu Á sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, và do ít khách hàng sẵn sàng mua dầu và khí đốt của Nga hơn, nước này sẽ phải bán các sản phẩm của họ với giá chiết khấu.
Đổi lại, Putin có thể giành quyền kiểm soát khu vực Donbass của Ukraina và các vùng giáp Biển Đen để kết nối khu vực đó với Crimea do Nga kiểm soát. Tất nhiên, Nga không hoàn toàn bị cô lập. Vẫn có những người và chính phủ ở mọi nơi trên thế giới coi Mỹ là mối đe dọa lớn hơn Nga đối với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Nhiều chính phủ sẽ tiếp tục mua nguyên liệu thô và vũ khí của Nga, đặc biệt là với mức giá thấp hơn.
Nhưng tệ nhất, thiệt hại tự mình gây ra là không thể đảo ngược chừng nào Putin vẫn còn nắm quyền. Đây là lý do tại sao mặc dù chiến sự ở Ukraina có thể tiếp diễn trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng Putin đã thua trong cuộc chiến này.
(Nguồn: TTXVN/Nikkei)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp