07/06/2022 14:08
Ai 'trả hóa đơn' cho 100 ngày xung đột tại Ukraina?
Trong bài phát biểu qua video trước Quốc hội Luxembourg ngày 2/6, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky thừa nhận Nga đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraina, với diện tích gần 125.000 km2. Hiện tại, khu vực Donbass vẫn là trọng tâm hoạt động của quân đội Nga, cuộc tranh giành giữa Nga và Ukraina tại Severodonetsk ngày càng trở nên quyết liệt.
Theo thông tin của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 23/5, cuộc xung đột ở Ukraina đã khiến 8 triệu người phải di tản và ghi nhận hơn 6 triệu người tị nạn từ Ukraina đã chạy ra nước ngoài.
Các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraina bị đình chỉ vô thời hạn do hai bên đổ lỗi cho nhau khiến đàm phán rơi vào bế tắc. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" khi vừa viện trợ quân sự cho Ukraina, vừa áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraina bùng phát ngày 24/2 đến nay, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trên các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, năng lượng, không phận, khoa học công nghệ và văn hóa...
Dưới sự phối hợp của một số công ty và hiệp hội ngành nghề của phương Tây, các lệnh trừng phạt Nga đã mở rộng sang lĩnh vực giải trí, thể thao và dân sự. Gần đây, Mỹ đã thông qua khoản viện trợ gần 40 tỷ USD cho Ukraina, phê chuẩn viện trợ lô vũ khí mới nhất, bao gồm việc cung cấp nhiều hệ thống phóng tên lửa tầm xa theo yêu cầu của phía Ukraina.
Ngày 2/6, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 áp đặt với Nga, trong đó có giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga và có hiệu lực từ ngày 3/6.
Rõ ràng là Nga và Ukraina, với tư cách là hai bên tham gia trực tiếp, đang phải chịu nhiều ảnh hưởng từ về đất nước, xã hội đến con người. Xung đột luôn tàn khốc và phải trả một cái giá rất đắt, nhưng ai là người phải thực sự phải "trả hóa đơn" cho cuộc xung đột này? Cuộc khủng hoảng đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu và những người nghèo nhất phải chịu đựng nhiều tổn hại nhất.
Hơn 100 ngày diễn ra cuộc chiến, Ukraina hứng chịu những thiệt hại kinh khủng về cả con người lẫn vật chất và văn hóa.
Mỹ và EU đã tính toán sai
Chiến tranh kinh tế là một phần rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraina, Mỹ và EU, với tư cách là các nền kinh tế lớn, rõ ràng sẽ không tìm cách đối đầu trực tiếp với một cường quốc quân sự như Nga. Điều mà Mỹ giỏi nhất là chiến tranh ủy nhiệm, vì như vậy có thể giảm thiểu những tổn thất cho nước này ở mức thấp nhất.
Vì vậy, có thể thấy ngoài viện trợ quân sự và lên tiếng ủng hộ Ukraina, Mỹ và EU chỉ có thể tấn công vào điểm yếu của kinh tế Nga, cố gắng buộc nước này phải khuất phục thông qua các biện pháp phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính. Dưới tiền đề không tìm cách xung đột trực tiếp với Nga, các nước này đang cố gắng tham gia sâu hơn vào cuộc chiến này để giáng đòn mạnh hơn vào Nga.
Mỹ và châu Âu cho rằng Nga sống dựa vào dầu khí, quá phụ thuộc vào dầu khí, trừng phạt dầu khí sẽ khiến nền kinh tế tổn thương nặng nề. Đúng là Nga có cơ cấu kinh tế đơn nhất, với sản lượng khai thác dầu khí bình quân chiếm 1/3 GDP, một khi xuất khẩu dầu bị chặn hoặc giá quá thấp thì sẽ chịu rất nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt.
Dầu và khí đốt của Nga cũng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho ngành năng lượng thế giới, đặc biệt là ở các nước láng giềng châu Âu, nơi nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu khí của Nga trong một thời gian dài, mức độ phụ thuộc lên tới 40%. Việc EU theo chân Mỹ cắt đứt nhập khẩu dầu từ Nga đã khiến chính khu vực này rơi vào tình cảnh "tự mua dây buộc mình".
EU đã khởi động vòng trừng phạt thứ 6 chống lại Nga, dự định mùa Hè và mùa Thu tiêu thụ ít năng lượng để chấm dứt 90% sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trước mùa Đông. Tuy nhiên, kết quả 100 ngày xung đột cho thấy tình hình không mấy khả quan. Do không thể tìm được nguồn cung cấp dầu khí ngay lập tức, EU buộc phải chịu sức ép của giá dầu tăng cao, nhập khẩu từ Mỹ, thậm chí mua dầu và khí đốt giá cao của Nga từ Ấn Độ.
Ngày 1/5, Văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết, nước này đã mở tài khoản để thanh toán khí đốt tự nhiên cho tập đoàn dầu khí Gazprom theo cách mà Nga đề xuất. Ngoài ra, 9 nước EU khác cũng đang làm như vậy. Các thành viên có thái độ cứng rắn cũng bị Nga chủ động cắt hợp đồng. Lạm phát Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 5/2022 đã tăng 8,1% so với cùng kỳ, chứng kiến mức cao nhất của khu vực kể từ trước tới nay.
Hiện tại, Mỹ dường như là "ngư ông đắc lợi" từ cuộc xung đột này, nhưng thực tế không phải như vậy. Giá dầu và lương thực thế giới đã tăng lên mức kỷ lục do cuộc xung đột này, nước Mỹ đang trong giai đoạn lạm phát cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 3/2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm. Mặc dù CPI tháng Tư thu hẹp nhẹ xuống 8,3% nhưng vẫn ở mức cao.
Khảo sát do trường Đại học Michigan thực hiện cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5/2022 đã giảm xuống 58,4 từ con số của tháng 4 là 65,2. Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vào cuối tháng Năm.
Số liệu mới nhất từ Cục phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người Mỹ trong tháng Tư đã giảm xuống 4,4%, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Những thông tin trên cho thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, người tiêu dùng chưa từng có tâm lý lo lắng đến như vậy, nhưng người Mỹ đang tiết kiệm được ít hơn, điều này sẽ là một rắc rối tiềm tàng cho nền kinh tế Mỹ. Và những điều này đang gây nguy hiểm cho triển vọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.
Ông Biden đã công khai thừa nhận rằng không có khả năng giảm giá năng lượng và lương thực trong ngắn hạn và đang quyết tâm đến thăm Arabia Saudia trong tháng Sáu để gặp Thái tử Mohammed bin Salman. Nỗ lực của ông Biden muốn tránh gặp Thái tử Mohammed bin Salman và muốn liên lạc trực tiếp với Quốc vương Salman bin Abdulaziz al-Saud trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống đã không có kết quả.
Saudi Arabia đã "phớt lờ" lời kêu gọi tăng sản lượng dầu thô của Mỹ, quan hệ hai nước dường như đang trong giai đoạn khiến người ta lo ngại nhất và khó đoán nhất. Cuộc bầu cử giữa kỳ nhiệm vào tháng 11 sắp diễn ra khi giá xăng dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục. Áp lực thực sự đang buộc ông Biden phải hạ thấp lập trường và đạt được thỏa hiệp với Saudi Arabia để tăng sản lượng dầu.
EU nói rằng chỉ một mình Nga chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung cấp lương thực như "một tên lửa tàng hình chống lại các nước đang phát triển" và đổ lỗi cho Điện Kremlin về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang rình rập, khiến Đại sứ Liên hợp quốc tại Moscow phải rời khỏi cuộc họp của Hội đồng Bảo an.
Michel đã nói chuyện trực tiếp với đại sứ Nga Vassily Nebenzia tại một cuộc họp hội đồng, nói rằng ông đã nhìn thấy hàng triệu tấn ngũ cốc và lúa mì bị mắc kẹt trong các container và tàu tại cảng Odesa của Ukraina cách đây vài tuần "vì các tàu chiến của Nga ở Biển Đen".
Ông cho biết các cuộc tấn công của Moscow vào cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở lưu trữ ngũ cốc của Ukraina, cũng như xe tăng, các vụ ném bom trên không và mìn của nước này, đang ngăn cản Ukraina trồng và thu hoạch.
Michel nói: "Điều này đang đẩy giá lương thực lên cao, đẩy mọi người vào cảnh nghèo đói và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực. "Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập này".
Ảnh hưởng đến toàn thế giới
"Cuộc chiến kinh tế" kéo dài 100 ngày không làm Nga tổn thương, nhưng đã khiến Mỹ và châu Âu khốn đốn và gây thêm những vết thương mới cho nền kinh tế thế giới vốn đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Đặc biệt, sự thiếu hụt nguồn cung lương thực và năng lượng đã gây ra áp lực lạm phát lan rộng, tạo ra "hiệu ứng cánh bướm" ở một số quốc gia, gây ra các cuộc khủng hoảng mới về kinh tế, xã hội và thậm chí cả chính trị.
Nếu nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã trực tiếp đánh vào châu Âu và Mỹ, thì cuộc khủng hoảng lương thực do cuộc chiến này dẫn tới đang ảnh hưởng đến toàn thế giới. Ngày 24/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, cho rằng giá lương thực toàn cầu tăng cao do xung đột Nga-Ukraina có thể gây ra bạo loạn ở các nước nghèo.
Nga và Ukraina đều là những nước lớn về sản xuất và kinh doanh ngũ cốc. Do ảnh hưởng bởi chiến tranh và các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, ngũ cốc và dầu của hai nước vắng bóng trên thị trường thế giới, ngũ cốc chiếm khoảng 1/3, hạt hướng dương chiếm 1/2 thị phần thế giới đã bị cắt nguồn cung.
Hơn nữa, Nga là nhà sản xuất và bán phân bón lớn, không có cách nào để xuất khẩu, điều này làm tăng chi phí sản xuất ngũ cốc và dầu ở các khu vực sản xuất chính khác và tiếp tục đẩy giá lên, tạo thành các cuộc khủng hoảng chồng chất. Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, dầu thực phẩm và phân bón… hiện đã gây ra hỗn loạn thị trường toàn cầu và rối loạn sinh thái về mọi mặt.
Đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước có dân số lớn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hoặc các nước nhỏ vốn khó khăn lắm mới có thể tự duy trì, giá ngũ cốc và dầu tăng sẽ mang đến thảm họa. Với 80% lúa mỳ, 70% hạt hướng dương và 40% khách du lịch của Ai Cập đến từ Nga và Ukraina, cuộc "cách mạng bánh mỳ" sẽ là không thể tránh khỏi.
Iran, một nước lớn ở Trung Đông, đã bị ảnh hưởng bởi giá cả và lạm phát tăng cao do xung đột Nga-Ukraina gây ra. Kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu ở tỉnh Khuzestan vào đầu tháng Năm, các cuộc biểu tình vì sinh kế của người dân đã lần lượt nổi lên ở các thành phố. Trong những năm gần đây, Lebanon vốn đang bên bờ vực phá sản, không thể chịu được giông bão do xung đột Nga-Ukraina và các lệnh trừng phạt của Mỹ-châu Âu, đã tuyên bố phá sản vào đầu tháng Tư.
Sri Lanka không thể chịu đựng được tình trạng thiếu lương thực và năng lượng dai dẳng và giá cả tăng cao, đã chính thức chọn phá sản, vỡ nợ và ngừng trả các khoản nợ nước ngoài, đánh mất kỷ lục về "độ tin cậy" được duy trì kể từ khi độc lập năm 1948, xã hội rơi vào hỗn loạn và xung đột, chính phủ buộc phải từ chức.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán xung đột Nga-Ukraina sẽ làm thay đổi cách giao dịch, sản xuất và tiêu dùng của thế giới, giá thực phẩm và lương thực toàn cầu sẽ tăng 22,9% vào năm 2022, cao hơn mức tăng 31% của năm 2021. Tổng Giám đốc WTO cho rằng nếu các nước không cùng tính cách giảm thiểu tác động thì không chỉ năm nay mà năm sau cũng sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Bà cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực cuối thế kỷ 20 có nguy cơ lặp lại nếu giá lương thực tiếp tục tăng.
Điều cần phải cảnh giác hơn là kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát, chủ nghĩa bảo hộ thương mại lương thực bắt đầu trỗi dậy. Năm nay, tiếp sau Nga và Ukraina, thì Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Indonesia và Argentina đều đã ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định việc Nga chặn xuất khẩu lương thực từ Ukraina là "đẩy người dân vào cảnh nghèo đói và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực".
Từ tháng 2-4/2022, số quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực đã tăng từ 3 lên 23 quốc gia. Xung đột, các lệnh trừng phạt và các yếu tố con người chắc chắn đã làm tăng đáng kể chi phí cung cấp, do đó đã làm tăng giá lương thực.
Hiện nay, mối đe dọa thực sự đối với an ninh lương thực là sự đảo ngược toàn cầu hóa mà nguyên nhân là do đại dịch, xung đột Nga-Ukraina, xung đột quốc gia, các lệnh trừng phạt kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ lương thực.
Xem xét 100 ngày của cuộc xung đột Nga-Ukraina, quan điểm của các bên liên quan sẽ khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục mở rộng, đồng nghĩa với việc nhiều cuộc khủng hoảng sẽ rình rập trước cửa hầu hết các nước đang phát triển, Lebanon và Sri Lanka có thể không phải là những "nạn nhân" duy nhất, mà sẽ có thêm nhiều nước nữa. Cho dù là các nước phát triển hay là nước nghèo thì cũng đều phải "trả hóa đơn" cho cuộc xung đột này.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement