10/04/2023 11:58
Một triệu quả đạn pháo - lời hứa 'hão huyền' tiếp theo với Ukraina?
Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết cung cấp cho Ukraina 1 triệu quả đạn pháo trong vòng 1 năm. Hiện Kiev rất cần đạn dược để chống lại quân đội Nga, nhưng các nước thành viên EU vẫn tiếp tục tranh cãi về nguồn cung vũ khí cho Kiev.
Tại cuộc họp của các Đại sứ các quốc gia thành viên EU ngày 5/4 tại Brussels, một vấn đề quan trọng có thể quyết định sự thắng bại của Ukraina trên chiến trường đã được thảo luận sôi nổi: liệu EU có thể cung cấp đạn dược cho Kiev như đã hứa với tốc độ nhanh như thế nào? Đạn dược sẽ đến từ nguồn nào?
Và thậm chí EU có thể giữ lời hứa với Ukraina không? Nhiều giờ thương lượng đã trôi qua, và một lần nữa các quốc gia EU lại không thể đạt được sự thống nhất, mặc dù tất cả đều hiểu rõ ràng rằng thời gian là vấn đề mang tính cốt lõi nhất.
Trước đó, 17 quốc gia EU và Na Uy đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraina 1 triệu quả đạn pháo cỡ nòng 155mm trong 12 tháng tới. Số đạn pháo này sẽ được dành cho các khẩu pháo của các đơn vị pháo binh Ukraina đã và đang tiếp tục tham gia vào một cuộc chiến tiêu hao lớn với quân đội Nga từ cuối năm ngoái. Kế hoạch này đã được công bố tại Brussels hai tuần trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì xảy ra.
Ý tưởng của kế hoạch này là các lực lượng vũ trang châu Âu sẽ chuyển giao đạn pháo từ kho dự trữ của họ cho Kiev, sau đó họ sẽ nhận được khoản tiền đền bù của EU để lấp đầy trở lại các kho dự trữ này. Một tỷ Euro sẽ được dành cho việc cung cấp đạn dược cho Kiev. Một tỷ Euro khác sẽ được dành để các quốc gia cùng nhau mua sắm đạn dược mới.
Đây được coi là một "bước ngoặt" đối với cộng đồng các quốc gia EU; và EU tuyên bố dự án này được thiết lập như một "dự án hòa bình", không phải là một liên minh "buôn bán vũ khí quốc tế".
Nhưng những người trong cuộc nghi ngờ về sự thành công của kế hoạch này. Theo giới quân sự ở Brussels, khó có thể tập hợp được 1 triệu quả đạn pháo, ít nhất là không phải chỉ trong vòng 1 năm.
Các cuộc đàm phán giữa đại diện EU và các nhà ngoại giao các nước thành viên EU hết sức khó khăn. Vấn đề là năng lực sản xuất, tính thực tế của kế hoạch và lợi ích quốc gia của các nước thành viên.
Một số quốc gia muốn đặt mua đạn pháo thông qua Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), một số quốc gia khác lại không nhất trí điều này. Bản thân EDA khẳng định họ có vai trò quan trọng, muốn nhận được các đề nghị chính thức để có thể tiến hành đàm phán hợp đồng và mua hàng, mặc dù cho đến nay EDA có rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Liệu kế hoạch có phải chỉ là một chiêu trò PR?
Vấn đề "gai góc" nhất là có nên mua đạn pháo từ các nhà sản xuất bên ngoài châu Âu hay không? Pháp đặc biệt phản đối điều này vì Paris muốn đặt hàng từ ngành công nghiệp vũ khí của chính họ. Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus cũng do dự vì các quốc gia này lo sợ đơn đặt hàng sẽ đến tay các nhà sản xuất vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngược lại, nhiều quốc gia khác, trong đó có Đức, lập luận rằng việc đặt hàng bên ngoài châu Âu là hợp lý - ví dụ như ở Nhật Bản, quốc gia có năng lực sản xuất vũ khí lớn nhưng chưa được sử dụng.
Nhưng khi các nước thành viên EU vẫn chưa thể kết thúc tranh cãi về nguồn cung đạn dược, thời gian dành cho Ukraina ngày càng ngắn lại. Theo các chuyên gia quân sự, quân đội Nga bắn hơn 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi đó quân đội Ukraina chỉ có thể bắn khoảng 2.000 quả - ít hơn 10 lần - do nhiều nhà máy sản xuất vũ khí và kho đạn dược của Kiev vẫn ở trong tình trạng đổ nát, hoang tàn. Quân đội Ukraina cần khẩn cấp nguồn cung vũ khí từ EU, nếu không họ sẽ sớm không thể chống chọi lại với hỏa lực của Nga.
Và việc thiếu đạn dược không phải là vấn đề duy nhất. Theo chuyên gia quân sự Áo Markus Reisner, việc chuyển giao đạn dược là rất cần thiết, nhưng điều quan trọng không kém là phương Tây phải cung cấp đủ các loại tháp pháo mới.
Chuyên gia Reisner cho biết các loại tháp pháo Ukraina đang sử dụng đều đã bị hao mòn theo thời gian, khiến độ chính xác ngày càng giảm và dễ xảy ra tình trạng bắn trượt.
Tuy nhiên, cho đến nay, tại Brussels không có cuộc thảo luận nào về việc cung cấp cho Kiev các khẩu pháo mới. Do đó, lời cam kết mạnh mẽ về đạn dược của EU có vẻ giống như một "lời hứa nửa vời", một "chiêu trò quảng bá" nhiều hơn là kết quả thực tế.
Ngay cả những con số - 1 triệu quả pháo cho Ukraina, 1 tỷ Euro cho quân đội nước này, 1 tỷ Euro khác cho việc mua sắm đạn dược chung - cũng đã có vẻ hơi cường điệu. Cho đến nay tại châu Âu, mỗi năm chỉ có khoảng 300.000 quả đạn pháo được sản xuất bởi 15 nhà sản xuất ở 11 quốc gia EU, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Rheinmetall của Đức, Nexter của Pháp và Saab của Thụy Điển.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất vũ khí đều đã cắt giảm công suất hoạt động của các nhà máy, vì thực tế hầu hết các đội quân ở châu Âu chỉ cần đạn dược để luyện tập là chính. Giờ đây điều này đang mang tới những hậu quả nghiêm trọng.
Doanh nghiệp cần các hợp đồng cụ thể
Theo chuyên gia Reisner, các quốc gia như Slovakia, Cộng hòa Séc và Áo có từ 10.000 đến 20.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155mm. Tất nhiên không thể biết con số chính xác vì đây là bí mật quốc gia. Tại Đức, theo thông tin từ quân đội nước này, dự trữ đạn dược của Đức chỉ đủ cho 2 đến 4 ngày sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột toàn diện.
Ở Vương quốc Anh, đạn dược có thể đủ dùng trong 1 tuần xung đột. Các kho vũ khí dự trữ của các quốc gia thành viên EU gần như trống rỗng kết hợp với sự thiếu năng lực của các nhà sản xuất gây ra bất lợi rất lớn.
Điều này sẽ không thể thay đổi chỉ trong "một sớm một chiều". Việc sản xuất đạn pháo rất phức tạp vì tất cả các loại đạn đều phải giống nhau. Nếu quả đạn lớn hơn cỡ nòng dù chỉ một chút, nó sẽ bị mắc kẹt trong nòng pháo; ngược lại nếu nhỏ hơn, hiệu quả của phát bắn sẽ không đạt yêu cầu và khả năng cao sẽ trượt mục tiêu.
Và tất nhiên, nhiều nhà sản xuất vũ khí chỉ muốn bắt tay vào sản xuất khi đã nhận được đơn đặt hàng. Cho đến nay, đơn đặt hàng vẫn chưa đến do các quốc gia EU vẫn đang tranh cãi về các thủ tục.
Trên thực tế, dưới áp lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhà sản suất vũ khí Nexter của nước này đã bắt đầu mở rộng sản xuất. Ngược lại, nhà sản xuất Rheinmetall của Đức vẫn do dự. Trong một phát biểu gần đây, CEO Armin Papperger của Rheinmetall nhấn mạnh tập đoàn này sẽ "không thể sản xuất bất cứ thứ gì nếu không có đơn đặt hàng".
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp