Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Liệu Nga có đủ tiền để chi cho cuộc chiến ở Ukraina?

Phân tích

07/12/2022 13:15

Đã 9 tháng kể từ khi quân đội Nga tiến hành cuộc chiến toàn diện vào Ukraina. Những gì được dự định là một chiến dịch quân sự nhanh chóng nhằm lật đổ Chính phủ Ukraina đã biến thành một cuộc chiến kéo dài cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn binh sĩ và dân thường.
news

Mặc dù cuộc chiến đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraina, nơi chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất về người và của, nhưng Nga cũng phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này. 

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh của họ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Moskva, nhắm vào các quan chức chính phủ, xuất nhập khẩu, công nghiệp nặng và doanh thu từ dầu khí. 

Nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Nga và do đó buộc Điện Kremlin phải tạm ngừng chiến tranh. Tuy nhiên, những giả định như vậy không phản ánh thực tế. Moskva sẽ không gặp phải những hạn chế kinh tế đáng kể trong ngắn hạn có thể buộc nước này phải thay đổi chính sách.

Liệu Nga có đủ tiền để chi cho cuộc chiến ở Ukraina? - Ảnh 1.

Kinh tế Nga không sụp đổ bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Lợi nhuận "từ trên trời rơi xuống"

Các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt đã khiến kinh tế Nga suy giảm nhưng có lẽ không nhiều như phương Tây mong đợi. Theo Chính phủ Nga, GDP của nước này trong năm 2022 sẽ giảm khoảng 2,9%, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga dự báo sẽ giảm từ 3-3,5%, bằng một nửa so với dự đoán của một số chuyên gia đưa ra hồi tháng 3, ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến. 

Không lâu sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, Nga phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng. Giá tiêu dùng đã tăng 10% trong 8 tuần sau cuộc xâm lược, nhưng đã chững lại vào tháng 5. Đồng Ruble cũng giảm giá đáng kể trong tháng 2 và tháng 3, từ 75 Ruble đổi được 1 USD xuống còn 135 Ruble/1 USD. 

Nhận thấy nguy cơ tiếp tục mất giá, chính phủ Nga đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về tài chính và tiền tệ đối với các giao dịch vãng lai và vốn. Cuối cùng đồng Ruble đã ổn định ở mức 60 Ruble/1 USD.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng với nhu cầu giảm khiến nhập khẩu vào Nga giảm đáng kể, lần lượt 23% và 14% trong quý 2 và quý 3. Điều này dẫn đến nguồn thu ngân sách liên quan nhập khẩu (bao gồm thuế và thuế hải quan) giảm 20% trong 10 tháng đầu năm. Lệnh trừng phạt của phương Tây cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu hydrocarbon của Nga, vốn chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu và 45% nguồn thu ngân sách liên bang năm 2021. 

Trước khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Tập đoàn Gazprom cũng đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, khiến giá tăng đột biến. Tháng 4 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh yêu cầu các công ty châu Âu thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble. Một số quốc gia châu Âu từ chối thực hiện sắc lệnh này và do đó Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho họ. 

Trong tháng 4-5/2022, nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Ukraina và đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu qua Ba Lan cũng bị gián đoạn. Sau đó, vụ phá hoại đường ống Nord Stream hồi tháng 9 đã cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt sang Đức. 

Liệu Nga có đủ tiền để chi cho cuộc chiến ở Ukraina? - Ảnh 2.

Các lệnh trừng phạt Nga khiến giá dầu và khí đốt tăng mạnh, đem về cho nước này một khoản lợi nhuận không nhỏ.

Như vậy, đến giữa tháng 11, xuất khẩu của Gazprom sang châu Âu (bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ) đã giảm 43%. Nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Nga đã cắt giảm gần 20% sản lượng. Nhưng điều đó không làm giảm doanh thu của Gazprom; ngược lại, Gazprom và ngân sách liên bang đã nhận được một khoản lợi nhuận bất ngờ do giá khí đốt tăng mạnh (đỉnh điểm là tháng 8 khi giá khí đốt tăng 460% so với cùng kỳ năm ngoái). 

Lợi nhuận của Gazprom tăng mạnh đến mức chính phủ đã áp đặt thuế tạm thời đối với doanh thu của công ty từ tháng 9-11/2022, thu về 1.248 tỷ Ruble (20 tỷ USD) cho kho bạc nhà nước.

Tình hình trong lĩnh vực dầu mỏ cũng tương tự. Việc EU đưa ra các hạn chế đối với nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã buộc các công ty Nga phải tìm kiếm khách hàng mới và chấp nhận giảm giá đáng kể - lên tới 25%. 

Tuy nhiên, do giá dầu cao (120 USD vào nửa đầu năm), giá dầu của Nga vẫn cao hơn so với năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm nay, nguồn thu ngân sách từ sản xuất và xuất khẩu hydrocarbon của Nga tăng 34% so với 2021.

Chi phí chiến tranh

Ngân sách Nga cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh trong chi tiêu quân sự. Giữa tháng 9/2022, Bộ Tài chính Nga báo cáo vào cuối năm nay, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng 31%, từ 3,573 nghìn tỷ Ruble (57 tỷ USD) lên 4,679 nghìn tỷ Ruble (74 tỷ USD). Con số này bao gồm khoản bổ sung 600-700 tỷ Ruble (10-11 tỷ USD) mà Bộ Quốc phòng chi cho mua sắm và sửa chữa vũ khí. 

Chi tiêu liên bang cho bộ máy an ninh cũng tăng hơn 19% lên 2,788 nghìn tỷ Ruble (44,5 tỷ USD). Một phần ngân sách bổ sung này được phân bổ cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, vốn đang tích cực tham gia hỗ trợ chiếm đóng ở Ukraina.

Ngay sau khi công bố ngân sách dự kiến, Điện Kremlin đã ban hành sắc lệnh "động viên một phần" lực lượng quân dự bị cho chiến trường Ukraina. Khoảng 318.000 người đã phải nhập ngũ, việc này đòi hỏi phải tăng thêm chi tiêu quốc phòng ít nhất 372 tỷ Ruble (6 tỷ USD) để trả lương và các chi phí khác. 

Ngân sách năm 2023 do chính phủ soạn thảo và được trình quốc hội trước khi có sắc lệnh động viên của Tổng thống, do đó sẽ không ngạc nhiên nếu chi tiêu quốc phòng thực tế cho năm 2022 và 2023 cao hơn mức công bố chính thức. Như vậy, chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2022 sẽ vượt quá 5% GDP, điều chưa từng có.

Tuy nhiên, nguồn thu bất ngờ từ xuất khẩu dầu khí ở mức độ nào đó đang bù đắp cho các khoản chi tiêu liên quan chiến tranh. Như Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã tuyên bố, do các cơ chế để Moskva thanh toán nợ nước ngoài bị đóng lại sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt và khả năng vay trong nước bị hạn chế, thâm hụt sẽ được bù đắp chủ yếu từ dự trữ tích lũy. 

Tính đến tháng 10 vừa qua, dự trữ ở mức khoảng 10,7 nghìn tỷ Ruble (171 tỷ USD) - với phần thanh khoản lên tới 7,5 nghìn tỷ Ruble (120 tỷ USD) – quá đủ để bù đắp cho khoản thâm hụt năm 2022 dự kiến 0,9% GDP (khoảng 15 tỷ USD).

Năm 2023 đầy thử thách

Trong ngân sách năm 2023, Chính phủ Nga đã ấn định mức tăng chi tiêu quốc phòng là 6,5% nhằm bù đắp lạm phát. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng chi tiêu cho chiến tranh sẽ không tăng trong năm tới. Tuy nhiên, giả định này đang bị đặt dấu hỏi. 

Chi tiêu cho lực lượng động viên không được đưa vào ngân sách 2022 cộng với khoản tiền trợ cấp cho các gia đình nạn nhân chiến tranh chưa được trả trong năm nay có thể sẽ buộc chính phủ phải sửa con số này. Hơn nữa, sau khi Duma Quốc gia thông qua ngân sách tài khóa 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu tuyên bố tăng 50% ngân sách mua sắm quốc phòng cho năm tới.

Giống như chi tiêu, thu ngân sách của năm 2023 cũng khó có thể đoán trước. Lợi nhuận bất ngờ từ hydrocarbon đã khiến Điện Kremlin lạc quan, được phản ánh trong các dự báo của chính phủ về khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2023. Nhiều chuyên gia không chia sẻ sự lạc quan này. Dự báo chính thức của Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ khởi sắc vào nửa cuối năm 2023.

Liệu Nga có đủ tiền để chi cho cuộc chiến ở Ukraina? - Ảnh 4.

Các chuyên gia dự báo, Nga sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023.

Một ẩn số quan trọng trong ngân sách năm tới cũng là doanh thu từ hydrocarbon, cụ thể là dầu mỏ. EU đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga vào ngày 5/12 và sẽ ngừng mua các sản phẩm dầu của Nga vào ngày 5/2 tới. 

Cùng với Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia, EU đã áp đặt mức giá trần 60 USD đối với dầu của Nga. Do đó, Nga khó có thể tăng lượng dầu xuất khẩu trong năm tới để đạt mức như trước chiến tranh. 

Giá dầu xuất khẩu trung bình của Nga trong năm 2021 là 69 USD/thùng. Tỷ giá hối đoái giữa đồng Ruble và USD hiện tại cao hơn 15% so với mức trung bình của năm 2021, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm mới. Những yếu tố này có thể làm giảm khoảng 15-20% (22-29 tỷ USD) doanh thu ngân sách năm 2023 từ sản xuất và xuất khẩu hydrocarbon so với năm 2021.

Để đối phó với sự sụt giảm doanh thu dự kiến, Chính phủ Nga đã tuyên bố tăng thuế đối với các công ty dầu khí cũng như các nhà sản xuất kim loại và than đá. Việc này có thể đủ bù đắp tới 75% doanh thu bị giảm. Như vậy, nguy cơ không đạt doanh thu dự kiến trong năm 2023 vẫn còn, nhưng sẽ giới hạn ở mức 5-6% tổng thu ngân sách.

Đủ ngân sách cho chiến tranh

Mặc dù ngân sách được dự trù trong điều kiện không chắc chắn lắm nhưng cũng không thể gọi là không ổn định. Tùy từng trường hợp, thu ngân sách có thể cao hơn hoặc thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, chênh lệch sẽ không vượt quá 1% GDP (17,2 tỷ USD). 

Ngay cả khi thu ngân sách thấp hơn, thâm hụt ngân sách cũng sẽ không vượt quá 3% GDP (52 tỷ USD), có thể được bù đắp từ dự trữ (hiện ở mức 120 tỷ USD). Đồng thời, các nước phương Tây dường như không có cơ hội hay mong muốn tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga. 

Điều này có nghĩa là ngân sách Nga sẽ không phải đối mặt với bất kỳ cú sốc nào liên quan đến trừng phạt trong năm 2023. Do đó, sẽ không có bất kỳ hạn chế tài chính lớn nào có thể buộc Điện Kremlin thay đổi triệt để chính sách hiếu chiến đối với Ukraina.

Thăm dò ý kiến

Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

(Nguồn: TTXVN/Alijazeera)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement