19/07/2024 07:31
Kịch bản về một thế giới có lạm phát cao hơn
Đối mặt với tình trạng già hóa dân số, phi toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, tâm lý chống nhập cư và những tiến bộ công nghệ, các ngân hàng trung ương trong những năm tới sẽ chịu áp lực từ nhiều hướng.
Áp lực xảy đến ngay cả khi các ngân hàng đã kiểm soát được tình trạng lạm phát cao hiện nay. Những đánh đổi khó khăn sẽ là khó tránh khỏi.
Trong bài bình luận mới đây đăng trên trang mạng Projet Syndicate, Giáo sư chuyên ngành tài chính Raghuram G. Rajan - cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) và nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – đã tiến hành phân tích về triển vọng lạm phát của thế giới trong những năm tới.
Theo Giáo sư Rajan, ở nhiều quốc gia, bối cảnh chính trị đang thay đổi mạnh, có thể là chỉ dấu cho thấy sẽ có những chính sách cấp tiến hơn tại Mỹ và châu Âu.
Mối quan tâm nổi cộm hiện nay là chính sách tài khóa và nợ. Khi các chính trị gia cấp tiến lên nắm quyền, họ hiếm khi có ý định "thắt lưng buộc bụng". Hầu hết các nhà lãnh đạo đều đưa ra những kế hoạch táo bạo, đòi hỏi phải mở rộng chi tiêu.
Nhưng ngay cả các nhà lãnh đạo ôn hòa cũng sẽ cảm nhận được áp lực phải chi tiêu nhiều hơn trong những năm tới. Lãi suất thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) có thể sẽ quay trở lại xu hướng dài hạn vốn có. Điều đó có nghĩa là chi phí trả nợ sẽ "ngốn" nhiều ngân sách của chính phủ hơn.
Chi tiêu quân sự chắc chắn cũng sẽ tăng lên, do tình hình địa chính trị, và chi tiêu cho giáo dục có thể phải tăng khi các chính phủ nỗ lực định vị xã hội trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Trên hết, chi tiêu liên quan tới khí hậu và các khoản trợ cấp đã trở nên cấp bách hơn.
Tất cả các khoản chi tiêu ròng bổ sung nêu trên ngụ ý rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải bù đắp cho động lực tăng chi của chính phủ bằng một chính sách thắt chặt hơn. Nhưng với nhiều quốc gia, vốn đã ngập trong nợ nần, việc duy trì chính sách lãi suất thực tế cao sẽ làm dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của nợ.
Liệu các ngân hàng trung ương có bỏ qua vấn đề và cho phép giá cả tăng lên, với hy vọng lạm phát sẽ làm giảm bớt một số khoản nợ? Hay họ sẽ đứng lên chống lại chính phủ của mình và tăng lãi suất?
Khi các ưu tiên tài chính và mức nợ xác định phạm vi của chính sách tiền tệ, các nhà kinh tế gọi đó là "sự thống trị tài chính". Và trên thực tế đã có nhiều tình huống chứng minh cho luận điểm này.
Còn xu hướng nhân khẩu học thì sao? Hai nhà kinh tế học Charles Goodhart và Manoj Pradhan tin rằng với việc dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp và tình trạng già hóa diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại do lực lượng lao động bị suy giảm.
Trong khi đó, chi tiêu sẽ tăng lên – một phần để đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho người cao tuổi nhiều hơn – và tăng trưởng tiền lương có thể mạnh mẽ hơn khi nguồn lực lao động trở nên khan hiếm. Tất cả những yếu tố này sẽ gây ra lạm phát.
Tất nhiên, vẫn có những người tin rằng tiết kiệm sẽ tăng lên cùng với tình trạng già hóa và luồng nhập cư vào các nước đang già hóa sẽ giúp ngăn chặn tình trạng thiếu lao động. Nhưng do nhiều quốc gia già hóa đã từ chối tiếp nhận số lượng lớn người nhập cư, nên kịch bản lạc quan này khó xảy ra.
Kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan sâu rộng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thế giới đã chứng kiến sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ trên quy mô rộng. Suy giảm đầu tư xuyên biên giới là dẫn chứng đầu tiên của quá trình này.
Xu hướng phi toàn cầu hóa sẽ tiếp tục làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Nhưng liệu quá trình này có gây ra lạm phát hay không còn phụ thuộc vào cách mà quá trình này diễn ra như thế nào.
Như các chuyên gia Ludovica Ambrosino, Jenny Chan và Silvana Tenreyro đã lưu ý trong một nghiên cứu gần đây, nếu thuế quan được áp dụng đột ngột, lạm phát sẽ tăng vọt và các ngân hàng trung ương sẽ khó tránh khỏi việc tăng lãi suất.
Trong trung hạn, các nhà nghiên cứu cho rằng các nhà nhập khẩu trong nước sẽ chuyển sang các nhà cung cấp thay thế. Bởi vì nền kinh tế sẽ nghèo hơn và tiêu dùng thấp hơn (mỗi đồng đô la chi tiêu sẽ mua được ít hàng nhập khẩu hơn), nên lạm phát sẽ giảm đi.
Chủ nghĩa bảo hộ có thể làm tăng giá nhập khẩu. Nhưng vì chủ nghĩa bảo hộ cũng sẽ khiến mọi người trở nên nghèo hơn và nhu cầu suy giảm, vì vậy nó có thể không làm tăng lạm phát nhiều.
Câu hỏi được đặt ra là nếu toàn cầu hóa làm giảm lạm phát, liệu phi toàn cầu hóa có khiến lạm phát tăng lên? Nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng đã tranh luận về vấn đề này. Phi toàn cầu hóa, bằng cách giảm cạnh tranh, sẽ thúc đẩy lợi nhuận độc quyền và do đó làm tăng sự cám dỗ của các ngân hàng trung ương trong việc cho phép lạm phát "nhích lên" nhiều hơn.
Dĩ nhiên, phi toàn cầu hóa cũng sẽ làm tăng quyền lực của công đoàn. Nhưng cần lưu ý rằng toàn cầu hóa thường đi kèm với lạm phát thấp, nên ít nhất vẫn cần phải chuẩn bị cho khả năng phi toàn cầu hóa sẽ gây ra điều ngược lại.
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải hơn sẽ khiến bức tranh kinh tế càng trở nên phức tạp hơn. Theo các chuyên gia Luca Fornaro, Veronica Guerrieri và Lucrezia Reichlin, các quy định xanh thường áp đặt thêm chi phí đối với các nguồn năng lượng bẩn, đôi khi chúng khiến các ngân hàng từ chối tài trợ cho những dự án như vậy.
Do đó, khi năng lượng bẩn vẫn được giữ làm đầu vào cần thiết cho sản xuất thì đầu ra của sản phẩm chắc chắn sẽ đắt hơn. Và khi nhu cầu gia tăng, các doanh nghiệp sẽ phải dùng nhiều năng lượng bẩn hơn, làm tăng chi phí và giá sản phẩm đầu ra.
Để kiềm chế lạm phát, các chính sách của ngân hàng trung ương cần phải thắt chặt hơn. Nó có nghĩa là tăng trưởng sẽ chậm hơn và làm chậm quá trình chuyển đổi nhu cầu sang năng lượng xanh, gây hạn chế đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Đối mặt với triển vọng như vậy, các ngân hàng trung ương theo định hướng xanh có thể muốn chấp nhận lạm phát cao hơn một cách hợp lý, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh.
Nếu năng suất tăng nhờ tiến bộ công nghệ như việc triển khai rộng rãi AI, thì áp lực lạm phát có thể sẽ được giảm bớt do nguồn cung lớn hơn và rẻ hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, điều này mới chỉ là hy vọng.
Có lẽ, mối lo ngại lớn nhất là khi các cử tri yêu cầu có sự thay đổi và các nhà lãnh đạo cấp tiến sẽ tạo điều kiện cho lạm phát cao hơn - ví dụ, bằng cách ngăn chặn nhập cư hoặc mở rộng chi tiêu - ngay cả khi chúng làm xói mòn tính độc lập của ngân hàng trung ương. Điều này đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ và hậu quả không mấy tốt đẹp.
Tỷ lệ lạm phát lõi của Nhật Bản tăng lên 2,6% trong tháng 6
Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi ở Nhật Bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm chi phí nhiên liệu, tăng 2,6% so với cùng kỳ vào tháng 6/2024, tăng tốc trong tháng thứ hai liên tiếp sau mức tăng 2,5% trong tháng 5.
Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản hiện đã ở mức trên 2% trong hơn hai năm. Mặc dù thấp hơn một chút so với dự báo của thị trường là 2,7%, nhưng số liệu mới nhất đã củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 hiện tại khi họp vào cuối tháng 7.
BOJ đã thay đổi chính sách tiền tệ vào tháng 3, tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 và chấm dứt 8 năm lãi suất âm trong bối cảnh tiền lương tăng và lạm phát cao.
(Nguồn: Cục Thống kê Nhật Bản)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement