16/04/2023 19:05
Khuyến nghị cổ phiếu 17/4: STB, BMP, VCB, MWG
STB, BMP, VCB, MWG là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 17/4, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị STB: Mua với giá mục tiêu là 33.200 đồng/CP
CTCK MB - MBS: MBS duy trì khuyến nghị mua đối với STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, tuy nhiên điều chỉnh tăng giá mục tiêu lên mức 33.200 đồng/cp dựa trên những luận điểm sau:
NIM kỳ vọng gia tăng đi cùng với tăng trưởng tín dụng cao. MBS cho rằng với việc lãi suất tiếp tục được neo cao trong năm 2023, khoảng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động của STB vẫn sẽ được duy trì trong năm 2023, giúp NIM tiếp tục gia tăng. Điều này đến từ việc danh mục cho vay của STB tiếp tục chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ cùng với khả năng tăng trưởng tín dụng được duy trì.
MBS cũng kỳ vọng STB có thể đạt được mức TTTD 13-14% trong năm 2022, với giả định rằng NHNN vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong trường hợp NHNN tiếp tục có những nới lỏng trong nửa cuối năm 2023 như đã từng thực hiện trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của STB có thể sẽ cao hơn vì, theo quan điểm của MBS, STB sẽ là một trong những ngân hàng được ưu tiên cấp room tín dụng.
Chi phí trích lập dự phòng giảm đáng kể nhờ xử lý xong khoản trái phiếu VAMC. MBS kỳ vọng trong năm 2023, STB sẽ hoàn thành việc xử lý khoản trái phiếu này và có thể trích tối đa thêm khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng cho dự phòng trái phiếu VAMC. Kể từ sau năm 2023, STB có thể tiết kiệm hàng năm trung bình khoảng 1 nghìn tỷ đồng cho chi phí trích lập.
Chất lượng tài sản được duy trì lành mạnh. Nợ xấu tại thời điểm 31/12/2022 đạt 0,98%, tăng nhẹ so với mức 0.9% tại cuối Q3/2022. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp tỷ lệ NPL dưới mức 1%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ nhóm 2 lại tăng mạnh lên mức 1,25% (0,38% tại cuối Q3/2022 và Q4/2021). Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của STB tiếp tục được gia tăng khi đạt mức 131,0% tại cuối năm 2022. Mặc dù đây là mức thấp nhất trong 4 quý của năm 2022 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2021.
Hiệu quả hoạt động được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ CIR hợp nhất của STB trong năm 2022 đạt 41,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2012 và vẫn đang trong xu hướng tiếp tục được cải thiện. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống banking core giúp STB tiết kiệm được một khoản chi phí lớn từ lực lượng lao động nhưng vẫn đảm bảo được các khoản thu phí của ngân hàng. Rủi ro đầu tư.
Nợ xấu có thể gia tăng mạnh trong năm 2023. Việc tỷ lệ nợ dưới chuẩn (nhóm 2-5) gia tăng mạnh so với quý gần nhất và cùng kỳ 2021 cho thấy rủi ro bung nợ xấu mạnh trong năm 2023 là tương đối lớn khi mà thanh khoản có thể bị đẩy lên cao hơn khi mà lãi suất huy động bắt đầu giảm.
Khuyến nghị BMP: Khả quan
CTCK Bản Việt – VCSC: VCSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu BMP (Công ty CP Nhựa Bình Minh) và nâng giá mục tiêu thêm 8% khi nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 thêm 6% nhờ nỗ lực đẩy mạnh sản xuất và tối ưu hàng tồn kho của BMP ghi nhận kết quả tốt hơn dự kiến. VCSC cũng cập nhật mô hình định giá mục tiêu sang giữa năm 2024.
VCSC nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 8% lên 622 tỷ đồng (-10% YoY) chủ yếu do VCSC nâng giả định biên lợi nhuận gộp năm 2023 trong trong khi duy trì dự báo doanh thu.
BMP đặt kế hoạch LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 là 651 tỷ đồng (-7% YoY), tương đương 105% dự báo hiện tại của VCSC. VCSC cho rằng chênh lệch giữa kế hoạch của BMP và dự báo của VCSC là do BMP có quan điểm lạc quan hơn về nhu cầu trong năm 2023 và công ty cũng kỳ vọng sẽ giành được nhiều thị phần hơn bất chấp bối cảnh ngành xây dựng trong nước gặp nhiều thách thức.
Khuyến nghị VCB: Mua với giá mục tiêu 101.000 đồng/CP
CTCK ACB – ACBS: Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) tăng trưởng 36,4% n/n với động lực đến từ tăng trưởng tín dụng 18,8%, NIM mở rộng 0,24 điểm phần trăm lên 3,46% và chi phí dự phòng giảm 19,5% so với năm trước.
Tình trạng căng thẳng thanh khoản khiến lãi suất tăng mạnh trong giai đoạn Q3-Q4/22 có tác động tích cực lên NIM của VCB nhờ năng lực huy động và vị thế thanh khoản hàng đầu hệ thống.
Lãi suất có xu hướng giảm nhẹ kể từ đầu năm 2023 nhưng vẫn đang duy trì ở mức cao. ACBS kỳ vọng VCB vẫn có thể giữ được mức NIM tương đương với năm 2022.
Chất lượng tài sản là mối quan tâm hàng đầu của ACBS trong năm 2023 bất chấp thực tế VCB luôn nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Những khó khăn trên thị trường bất động sản và năng lượng tái tạo, cùng với việc bắt đầu nhận chuyển giao Ngân hàng Xây dựng sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản cũng như chi phí dự phòng của VCB.
Điểm tích cực là bộ đệm dự phòng tương đối dày của VCB sẽ giúp ngân hàng có dư địa để xử lý nợ xấu phát sinh và giữ chất lượng tài sản ở mức tốt. Khoản dự phòng 10.840 tỷ đồng cho vay liên ngân hàng cũng là một khoản hoàn nhập tiềm năng khi VCB thu hồi được khoản nợ này.
ACBS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VCB đạt 44.222 tỷ đồng, tăng trưởng 18,3%, cao hơn so với kế hoạch tăng trưởng tối thiểu 12% của ban lãnh đạo.
ACBS lặp lại khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu VCB là 101.000 đồng/cp theo phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư, tương đương với P/E và P/B năm 2023 là 14,8 lần và 3,0 lần.
Khuyến nghị MWG: Khả quan
CTCK Phú Hưng (PHS): Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đặt kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng (tăng 1% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng (tăng trưởng 2%) (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023).
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2023 sẽ đạt lần lượt 129.403 tỷ đồng (giảm 3% so với năm trước) và 3.212 tỷ đồng (giảm 21,7%) thông qua việc mở rộng các chuỗi cửa hàng nhưng sẽ gặp bất lợi từ sức mua yếu do bị ảnh hưởng bởi lạm phát, nền kinh tế yếu đi.
Sử dụng phương pháp DCF và P/S, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 49.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 20%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và chưa tính đến kết quả của các chuỗi AVA.
Rủi ro: (1) Tái cấu trúc Bách hóa xanh không đem lại hiệu quả; (2) Việc thâm nhập thị trường Indonesia không thành công; (3) Sức mua bị suy giảm do lạm phát và suy thoái kinh tế.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp