10/04/2023 18:28
Khuyến nghị cổ phiếu 11/4: MIG, QNS, VCB, C4G, GMD, LTG
MIG, QNS, VCB, C4G, GMD, LTG là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 11/4, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị MIG: Khả quan
CTCK VNDirect – VND: VND đưa ra khuyến nghị Khả quan đối với cổ phiếu MIG của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân Đội (HOSE: MIG) với giá mục tiêu là 19.500 đồng/cp dựa trên P/B 2023 là 1,5 lần.
Với vị thế là doanh nghiệp BH phi nhân thọ lớn thứ 5 cùng sự hậu thuẫn của Ngân hàng Quân đội (MBBank) và Tập đoàn viễn thông Viettel, MIG sẽ nắm bắt tốt đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành BH Việt Nam trong những năm tới. VND kì vọng MIG sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận kép khoảng 21% trong 3 năm tới, và qua đó cải thiện ROE lên khoảng 11-12%.
Trong 3 năm qua, MIG đã tăng 2,9% thị phần dựa trên phí BH gốc – mức tăng cao nhất trong một ngành có tính cạnh tranh cao với hơn 30 doanh nghiệp (DN) tham gia kinh doanh – qua đó, vươn từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 5.
Việc tăng mạnh thị phần đã giúp tăng trưởng kép phí BH gốc của MIG chạm mức 28%, cao hơn đáng kể so với trung bình ngành chỉ ở mức 9%. VND tin rằng khả năng tận dụng hệ sinh thái MBBank và Viettel kết hợp với việc tập trung phát triển kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) sẽ hỗ trợ MIG tiếp tục mở rộng thị phần và gia tăng mạnh doanh thu trong tương lai.
Khác với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn đầu tư phần lớn danh mục vào tiền gửi ngân hàng vốn mang tính an toàn cao, MIG áp dụng một chiến lược đầu tư linh hoạt hơn. Cụ thể, MIG dành một phần đáng kể của danh mục để đầu tư vào các loại tài sản khác như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hay cổ phiếu nhằm mục đích tối ưu hóa lợi suất đầu tư.
Mặc dù chiến lược này đồng nghĩa với việc rủi ro đầu tư sẽ cao hơn, nhưng VND tin rằng trong dài hạn, định hướng này sẽ giúp MIG đạt được lợi suất đầu tư vượt trội hơn so với trung bình ngành. Trong năm 2023, với việc lãi suất đã quay trở lại mức cao và thị trường chứng khoán đang dần phục hồi thì hiệu quả đầu tư của MIG chắc chắn sẽ được cải thiện.
MIG đang giao dịch ở mức P/B 1,4 lần, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm là 1,6 lần. VND cho rằng đây là một định giá hấp dẫn với một DN BH có tiềm năng tăng trưởng doanh thủ mạnh mẽ nhưng lại mang tính phòng thủ trong môi trường lãi suất cao.
Tiềm năng tăng giá bao gồm: (1) tỷ lệ kết hợp thấp hơn dự kiến, (2) thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Rủi ro giảm giá bao gồm: (1) tổn thất mang tính thảm hoạ, (2) chi phí dự phòng cao hơn dự kiến cho các khoản đầu tư.
Khuyến nghị QNS: Khả quan
CTCK SSI - SSI Research: QNS (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) hiện giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 9,2x, nằm ở khoảng giữa dải P/E lịch sử 4 năm. SSI áp dụng mức P/E mục tiêu là 12x cho mảng sữa đậu nành (từ 11x) và 7x cho các mảng khác (từ 6x).
Theo đó, SSI đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới cho cổ phiếu QNS là 46.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 11% (ROI là 18%). SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu QNS.
Khuyến nghị VCB: Trung lập
CTCK Mirae Asset Việt Nam – MASVN: Điểm nhấn đầu tư: NII sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ triển vọng tăng trưởng tín dụng cao. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) là một trong bốn ngân hàng tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, do đó VCB có khả năng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung cũng như các đãi ngộ riêng.
MASVN kỳ vọng tăng trưởng tín dụng VCB sẽ tiếp tục ghi nhận ở mức cao (+15% svck.), ổn định nguồn thu nhập từ lãi. Bên cạnh đó, các khoản cho vay liên ngân hàng cũng có thể cơ cấu sang các loại tài sản có mức lợi suất tốt hơn khi cần thiết. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được duy trì ở mức 10,1%, tăng nhẹ 78bps so với 2021 và cao hơn quy định là 8%.
Sức mạnhthương hiệu cũng giúp cho nhóm ngân hàng quốc doanh có nhiều lợi thế trong vấn đề huy động, đặc biệt là VCB. Mặc dù lãi suất huy động của VCB thấp hơn so với các NHTM khác khoảng 2-3%, tuy nhiên huy động của VCB vẫn tăng 9,5% trong năm 2022, cao hơn 1.4x lần so với tăng trưởng huy động toàn ngành. Trong bối cảnh chi phí huy động thấp, lãi suất cho vay của VCB sẽ tương đối hấp dẫn hơn, cho phép ngân hàng lựa chọn nhóm khách hàng có rủi ro tín dụng thấp.
Theo đó, MASVN nâng giá mục tiêu cho VCB lên mức 94.100 đồng/cp, tương đương 2,6 lần GTSS dự phóng 2023. Tuy nhiên, MASVN điều chỉnh giảm khuyến nghị từ Tăng Tỷ Trọng xuống Nắm Giữ, do giá chứng khoán đã tăng tốt kể từ lần cập nhật gần đây (+14% từ tháng 12/2022).
Rủi ro lớn nhất đối với việc đầu tư cổ phiếu VCB là mức định giá tương đối cao so với các NHTM khác, có thể dẫn đến động thái điều chỉnh, đặc biệttrong bối cảnh tình hình tài chính toàn cầu ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn.
Khuyến nghị C4G: Tích cực
CTCK Agribank (AGR): Sau khi phát hành thêm cổ phiếu vào đầu năm 2022 và đưa hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu từ gần 3 lần xuống 1,3 lần, Tập Đoàn Cienco4 (C4G – UPCoM) đã trúng thầu gần 4.500 tỷ đồng trong năm ngoái và đầu năm nay, bao gồm các gói thầu thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Bùng - Vạn Ninh, Hậu Giang - Cà Mau...), gói thầu tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cam Ranh... và các dự án đường giao thông trọng điểm tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chúng tôi kỳ vọng C4G có thể trúng thêm nhiều gói thầu quan trọng khác, đặc biệt là các dự án tại sân bay với kinh nghiệm đã được chứng minh tại các dự án đã triển khai.
Kỳ vọng lợi nhuận bán niên khả quan nhờ hạch toán từ các dự án: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây; Sân bay Phú Bài... C4G cũng đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023 tương đối cao (lần lượt 4.500 tỷ và 330 tỷ, cao hơn 60% và 117% so với năm trước), có thể nhờ kỳ vọng hạch toán doanh thu - lợi nhuận từ việc (1) Chuyển nhượng 2 dự án bất động sản: Long Sơn 1B và Long Sơn 3 trong quý II/2023, (2) Thu hồi vốn tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới khi dự án này không đem lại hiệu quả hoạt động.
Thông tin hỗ trợ ngắn hạn: (1) C4G tiếp tục trình kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE hoặc HNX (dời từ năm 2022 qua 2023 do chưa lựa được thời điểm thích hợp); (2) Trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 6% và phát hành cổ phiếu tăng vốn tỷ lệ 2:1 để thanh toán các khoản công nợ phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nhà thầu phụ và Ngân hàng, cũng như bổ sung vốn lưu động nhằm giúp gia tăng tài chính.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu C4G với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP.
Khuyến nghị GMD: Tích cực
CTCK Agribank (AGR): Thương vụ bán cảng Nam Hải Đình Vũ được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ lợi nhuận cho CTCP Gemadept (GMD – sàn HOSE) trong bối cảnh năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn, đồng thời tăng thêm nguồn lực đầu tư các dự án trong tương lai.
Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến triển khai cảng Gemalink giai đoạn 2 trong năm 2023 và có thể đưa dự án vào vận hành trong giai đoạn 2024 – 2025. Dự án này dự kiến giúp tăng công suất của doanh nghiệp lên gấp đôi so với hiện tại, lên mức 3 triệu TEUs.
Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 kỳ vọng đạt hiệu suất cao sau khi vận hành nhờ tiếp nhận một lượng khách sau khi chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ. Gemadept tự tin với việc có thể đạt hiệu suất cao và thậm chí có lãi ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động. Nếu thuận lợi, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 có thể được triển khai sau giai đoạn 2 giúp Nam Đình Vũ trở thành cảng lớn nhất phía Bắc
Nâng giá dịch vụ xếp dỡ tại các cảng cho năm 2023: GMD đã thực hiện nâng giá dịch vụ xếp dỡ thêm khoảng 5-20%, qua đó giúp hỗ trợ doanh thu hoạt động cảng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo GMD sẽ là cổ phiếu được mua ròng mạnh trong đợt tái cơ cấu danh mục của VNDiamond, VNFIN Lead và VNFIN Select cho kỳ quý II/2023.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 62.000 đồng/CP.
Khuyến nghị LTG: Tích cực với giá mục tiêu 33.000 đồng/CP
CTCK Agribank (AGR): Ba tháng đầu năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 531 USD/tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất trong gần 2 năm qua. Nguyên nhân đến từ (1) Nhu cầu nhập khẩu của một số nước gia tăng trong đó có Trung Quốc khi quốc gia này mở cửa nền kinh tế; (2) Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào tháng 9.2023; (3) Hiện tượng El Nino có thể sẽ diễn ra vào năm nay ảnh hưởng đến sản lượng của các quốc gia sản xuất gạo lớn (Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc...
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo tháng 3/2023 ước đạt 480 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 952 triệu USD, tăng lần lượt 82% và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Với việc giá gạo tiếp tục xu hướng tăng và nhiều quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo, Agriseco Research dự báo xuất khẩu gạo có thể tiếp tục tăng trưởng tích cực trong các tháng tới.
Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu đã hạ nhiệt đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể tại thị trường Việt Nam, giá phân Ure đang dao động quanh 14.000–15.000 đồng/kg, giảm 15-20% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, Tập đoàn Lộc Trời (LTG – UPCoM) có thể giảm được đáng kể áp lực chi phí đầu vào và cải thiện được biên lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp của LTG đã cải thiện từ mức 12% trong quý II/2022 lên 21% và 24% trong quý III và quý IV/2022. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng gạo cũng đã tăng mạnh từ chỉ 1-2% trong các năm trước lên 4% trong quý IV/2022.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu LTG với giá mục tiêu 33.000 đồng/CP.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp