Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị ra sao cho kịch bản chính phủ vỡ nợ?

Doanh nghiệp

23/05/2023 14:12

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới 1/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhiều lần cảnh báo chính phủ liên bang có thể sẽ không thể trả được các nghĩa vụ nợ.

Đây là một khoảng thời gian ngắn để có thể đạt được thỏa hiệp khiến nhiều ngân hàng lo lắng và có những động thái chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất.

Theo các chuyên gia, để tự bảo vệ mình, các công ty nên đánh giá mức độ tiếp xúc với các hợp đồng của chính phủ, cân nhắc việc tăng giữ tiền mặt và bán bớt trái phiếu kho bạc, bởi giới chức Mỹ vẫn chưa đạt thỏa thuận về trần nợ công, khiến nước này ngày càng tiến gần rủi ro vỡ nợ. 

Các chủ doanh nghiệp đang trong trạng thái chờ đợi và quan sát, chuẩn bị cho khả năng suy thoái và sa thải nếu tình trạng vỡ nợ kéo dài.

Theo hãng tin CNN, dù một số cho rằng Mỹ không thể vỡ nợ, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hồi đầu tháng cho biết khả năng chính phủ không thể hoàn thành tất cả nghĩa vụ thanh toán trong hai tuần đầu tháng 6 "là rất lớn". 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng "rất có khả năng" cơ quan của bà sẽ không thể đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ của chính phủ nếu quốc hội không hành động để nâng hoặc đình chỉ trần nợ công vào đầu tháng 6.

Doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị ra sao cho kịch bản chính phủ vỡ nợ? - Ảnh 1.

Một tấm áp phích tại một nhà chờ xe buýt cho thấy khoản nợ quốc gia ở Washington, DC, vào ngày 21/5/2023. Ảnh: AFP

"Tất cả chúng ta đều hy vọng Mỹ không vỡ nợ. Nhưng hy vọng không phải là kế hoạch dự phòng. Các công ty cần phải tự chuẩn bị", ông Joshua White, giáo sư tài chính tại Trường quản lý Vanderbilt khuyến nghị.

Đánh giá mức độ liên quan đến chính phủ Mỹ

Một số công ty có thể không bị ảnh hưởng bởi việc vỡ nợ. Nhưng những doanh nghiệp có hợp đồng với chính phủ có thể  bị chậm chi trong các khoản thanh toán của họ ngay khi Bộ Tài chính Mỹ hết tiền.

Trong trường hợp vỡ nợ, có thể có một vài tuần thanh toán bị chậm trễ. Harry Mamaysky, giáo sư thực hành nghề nghiệp tại trường kinh doanh của Columbia, cho biết trong thời gian đó, chủ nhà, người bán hàng và những người khác có thể linh hoạt hơn và chấp nhận thanh toán sau.

Các doanh nghiệp phụ thuộc vào thanh toán từ chính phủ nên chuẩn bị cho sự chậm trễ này. "Cần vạch ra kế hoạch dự phòng", ông nói.

Theo CNN, các doanh nghiệp trong ngành quân sự và y tế có thể chịu tác động mạnh nhất. Các công ty tư nhân, ví dụ các hãng công nghệ, cũng có thể bị ảnh hưởng.

Ông Joshua White khuyên các công ty trong các ngành này tổ chức họp thường xuyên để vạch ra kế hoạch trong trường hợp bị chậm thanh toán. 

CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon đầu tháng 5 nói với Bloomberg rằng ngân hàng này đang tổ chức họp hàng tuần để chuẩn bị cho khả năng vỡ nợ.

"Đến lúc nào đó, chính phủ sẽ giải quyết được việc này thôi. Nhưng cho đến khi ấy, các công ty cần biết mình có thể chống chịu được không? Trong bao lâu? Và khó khăn sẽ ở mức nào", ông Joshua White cho hay.

Giữ nhiều tiền mặt hơn

Ông nói, ngay cả những doanh nghiệp không tiếp xúc trực tiếp với tài trợ của chính phủ cũng nên có một kế hoạch.

Nếu khách hàng hoặc nhà cung cấp không được trả tiền, rất có thể họ sẽ rút lại chi tiêu hoặc có thể gặp phải sự gián đoạn của chính họ và điều này có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Ông Joshua White cho biết: "Ở những thị trấn phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ của chính phủ… điều đó sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương.

Ông nói, các doanh nghiệp nhỏ không cần họp hàng tuần. Thay vào đó, họ nên giữ nhiều tiền mặt hơn, và đa dạng hóa tiền tệ dự trữ, phòng trường hợp giá USD giảm.

Việc chính phủ vỡ nợ có thể sẽ đẩy lãi suất lên cao, khiến việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn. "Có một lượng tiền mặt dồi dào bây giờ tôi nghĩ sẽ rất hữu ích", ông White nói. Các công ty có thể làm điều đó bằng cách tạm dừng các dự án lớn.

Bên cạnh đó, vỡ nợ sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, ông Kent Smetters, Giáo sư Kinh tế tại Walton nhận định. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải đi vay để thanh toán cho các nhà cung cấp khi thiếu tiền mặt.

"Nhưng nếu tôi là ngân hàng, tôi sẽ giảm việc cho vay lại. Vì một lượng tiền gửi đã được dùng để đầu tư trái phiếu kho bạc. Chính phủ có thể không thanh toán trái phiếu đúng hạn nếu vỡ nợ", ông Smetters giải thích.

Bán bớt trái phiếu chính phủ

Giống như các ngân hàng có thể sẽ quan tâm đến trái phiếu chính phủ của họ, các công ty cũng cần như vậy.

Nếu đang sở hữu một tín phiếu Kho bạc sẽ đáo hạn vào đầu hoặc giữa tháng 6, "và công ty đang dựa vào việc nhận được số tiền đó vì cần thanh toán số tiền đó cho một nhà cung cấp… điều này có thể bị mắc kẹt trong một hoặc hai tuần, trong khi Quốc hội tìm cách nâng trần nợ công", Mamaysky cho biết.

Ông nói, các công ty trong tình huống cần thanh toán ngay lập tức có thể cân nhắc gửi số tiền đó vào tài khoản được FDIC bảo hiểm thay vì mạo hiểm thanh toán chậm, mặc dù họ có khả năng bị mất tiền trong giao dịch.

Cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết

Cynthia Franklin, giám đốc khởi nghiệp của Phòng thí nghiệm đổi mới WR Berkley tại Đại học New York, làm việc chủ yếu với các công ty nhỏ và công ty mới thành lập. 

Bà nói rằng lời khuyên mà bà dành cho các doanh nghiệp hiện tại cũng giống như lời khuyên mà bà dành cho những doanh nghiệp ở giai đoạn đầu.

Bà nói: "Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, chi phí đi vay sẽ tăng cao, niềm tin tiêu dùng giảm xuống. Các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách thắt lưng buộc bụng". Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng, "dù sao thì đó cũng là điều mà một doanh nghiệp nên làm".

Theo bà Cynthia Franklin, các công ty cần "linh hoạt và thích ứng", đa dạng hóa tệp khách hàng để không bị phụ thuộc vào một nguồn thu. Doanh nghiệp cũng cần tăng hiệu suất hoạt động để không chi nhiều hơn nhu cầu.

Bà nói: "Khi chúng ta nói về việc chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kinh tế hoặc sự bất ổn về kinh tế, thì đó thực sự là đang làm những việc mà lẽ ra chúng ta nên làm từ lâu" và nói thêm rằng: "Không chỉ trong thời kỳ suy thoái hoặc bất ổn kinh tế, lúc nào doanh nghiệp cũng cần nghĩ về việc chỉ chi tiêu cho những gì cần thiết mà thôi".

(Nguồn: CNN)

GIA HÂN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement