04/11/2023 07:33
Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tiên âm
Báo Nikkei đưa tin đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong quý 3/2023, chạm mức thấp kỷ lục.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt quá dòng vốn vào do căng thẳng với Mỹ về công nghệ bán dẫn và lo ngại về hoạt động chống gián điệp gia tăng làm tăng rủi ro.
Sự thay đổi này được phản ánh trong dữ liệu cán cân thanh toán trong quý 3/2023 do Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc công bố hôm 3/11.
FDI đạt âm 11,8 tỷ USD, với số lượng rút vốn và cắt giảm quy mô nhiều hơn so với các khoản đầu tư mới cho xây dựng nhà máy và các mục đích khác. Điều này đánh dấu con số âm đầu tiên trong dữ liệu kể từ năm 1998.
Việc ngoại hối đổ vào Trung Quốc giảm không quá mới mẻ. Kể từ quý 2/2022, vốn FDI vào nước này đã giảm hơn 50%. Chính sách zero-COVID khiến trung tâm kinh tế Thượng Hải phải đóng cửa trong phần lớn năm 2022, cũng là lý do gây bất ổn cho mảng giao thương quốc tế, góp phần khiến các hoạt động đầu tư mất đà.
Trong một cuộc khảo sát vào tháng 9 với các công ty thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, gần một nửa số người được hỏi cho biết họ sẽ không đầu tư vào Trung Quốc vào năm 2023 hoặc đầu tư ít hơn vào năm 2022.
Căng thẳng leo thang với Mỹ là một nguyên nhân khiến đầu tư nước ngoài sụt giảm. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào mùa thu năm ngoái bởi Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, 66% thành viên được hỏi cho rằng căng thẳng song phương gia tăng là một thách thức kinh doanh ở Trung Quốc.
Vào tháng 8, Mỹ công bố những hạn chế chặt chẽ hơn đối với đầu tư chip và trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc. Washington đang phối hợp với Bắc Kinh trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11, nhưng Mỹ vẫn cam kết hạn chế công nghệ dưới danh nghĩa an ninh kinh tế.
Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group của Mỹ, khi xem xét đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn theo điểm đến, thị phần của Trung Quốc đã giảm từ 48% vào năm 2018 xuống còn 1% vào năm 2022.
Ngược lại, thị phần của Mỹ tăng từ 0 lên 37%. Thị phần tổng hợp của Ấn Độ, Singapore và Malaysia tăng từ 10% lên 38%.
Luật phản gián sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng 7 và mở rộng phạm vi của những gì được coi là gián điệp, cũng khiến các công ty lo lắng. Yusuke Miura, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết: "Luật pháp và quy định của Trung Quốc thiếu minh bạch, một yếu tố làm gia tăng mối lo ngại về tính liên tục trong kinh doanh ở nước này".
Khi các công ty Trung Quốc nâng cao khả năng cạnh tranh, một số công ty nước ngoài đang chọn cách rời đi. Mitsubishi Motors, công ty chậm chuyển sang sử dụng xe điện, đã tuyên bố vào tháng 10 rằng họ sẽ rút khỏi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Để đối phó với làn sóng vốn nước ngoài tháo chạy, Trung Quốc đang tung ra nhiều chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài, bao gồm nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.
Ông Miura nói: "Các công ty nước ngoài ngày càng lo ngại về sự chú trọng của chính quyền đối với an ninh và khó có khả năng lập trường thận trọng của họ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi nhanh chóng".
Trung Quốc đang gấp rút xây dựng chuỗi cung ứng chip riêng trước nguy cơ căng thẳng kéo dài với Mỹ, tuy nhiên việc mua sắm thiết bị, linh kiện cần thiết từ nước ngoài diễn ra chậm chạp. Nếu tốc độ đổi mới công nghệ và tăng trưởng năng suất chậm lại, nó có thể gây áp lực giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement