28/10/2022 11:53
Đảo nợ là gì? Đảo nợ có vi phạm Pháp luật không?
Đảo nợ là gì? Nội dung, quy định và những rủi ro khi đảo nợ ngân hàng. Đảo nợ có vi phạm Pháp luật không?
Đảo nợ là gì?
Đảo nợ được hiểu là một hình thức ký kết một hợp đồng vay vốn mới để giải ngân và thanh toán nợ cho hợp đồng cũ. Cho vay đảo nợ là một trong những khái niệm không còn quá xa lạ mà sử dụng khá phổ biến trong ngành ngân hàng.
Ngân hàng nhà nước đã ban hành các quy chế có quy định cụ thể nghiêm cấm về hình thức cho vay đảo nợ này tại các tổ chức tín dụng và chỉ Chính Phủ mới được phép thực hiện nghiệp vụ này (dùng để đảo nợ vay nước ngoài).
Bởi vậy nên có một định nghĩa mới về đảo nợ ra đời. Cụ thể, đây là một hình thức huy động vốn vay mới để trả nợ toàn bộ khoản nợ hoặc một phần cho các khoản nợ cũ đã vay trước đó.
Đảo nợ ngân hàng là gì?
Đảo nợ ngân hàng là một thuật ngữ được phát triển lên từ đảo nợ. Có thể hiểu đây là một cách chuyển một khoản vay cũ tại ngân hàng của cá nhân/doanh nghiệp nhưng chưa có điều kiện, khả năng chi trả khi đến hạn sẽ thành một khoản vay mới.
Khoản vay mới này có thể được thực hiện ngay tại chính ngân hàng vay vốn trước đó hoặc một ngân hàng khác.
Bản chất của đảo nợ ngân hàng là tiếp tục các khoản nợ cũ của khoản vay cũ. Mặc dù ngân hàng yêu cầu khách hàng của mình phải tìm cách trả hết nợ cũ xong mới được tiến hành vay lại khoản mới.
Tuy nhiên quá trình thực hiện sẽ được tạo điều kiện để người vay vốn có thể hoàn tất hồ sơ vay mới để giải ngân và thanh toán cho các khoản nợ cũ. Hiện nay đang có không ít chi nhánh, ngân hàng áp dụng hình thức cho vay đảo nợ này với mục đích là kéo dài thời gian trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để che giấu các nhóm nợ xấu.
Quy định về đảo nợ ngân hàng
Hình thức cho vay đảo nợ kể từ năm 1975 đến nay chưa được Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản nào, kể cả trong quy chế cho vay được phát hành kèm theo với Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN.
Nhiều quyết định, thông tư sửa đổi mặc dù có nhắc đến đảo nợ nhưng cũng chỉ yêu cầu thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước. Nếu hành vi đảo nợ làm trái các quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt (quy định tại nghị định số 202/2004/NĐ-CP).
Bởi vậy nên dựa trên các cơ sở pháp lý đã được ban hành thì vẫn chưa thể đánh giá, khẳng định rõ hành vi "đảo nợ" có được xem là vi phạm pháp luật hay không?
Nếu đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, quy định riêng của ngân hàng nhà nước, việc đảo nợ vẫn có thể thực hiện. Chỉ khi không theo quy định, việc đảo nợ mới chính thức bị cấm.
Đảo nợ có vi phạm Pháp luật không?
Những căn cứ Pháp luật có liên quan đến hoạt động đảo nợ được quy định tại Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Có thể thấy hoạt động cho vay đảo nợ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, trong 2 trường hợp sau thì sẽ được phép:
+ Trường hợp đầu tiên: Khách hàng dùng khoản vay mới để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình. Trong đó, chi phí lãi suất được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Lưu ý là khoản nợ mới phải được cho vay bởi chính tổ chức tín dụng đã cho vay khoản nợ cũ.
+ Trường hợp thứ hai: Khách hàng sẽ được vay đảo nợ để trả khoản nợ tại tổ chức tín dụng khác hoặc nợ nước ngoài khi thuộc 3 mục đích sau:
- Vay phục vụ hoạt động kinh doanh.
- Thời hạn cho vay không vượt thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ.
- Khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Những rủi ro khi đảo nợ ngân hàng
+ Rủi ro về trách nhiệm dân sự và hình sự. Khi điều này xảy ra, cả khách hàng và ngân hàng cho vay đều sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật (ví dụ như hành vi làm giả giấy tờ hồ sơ,...).
+ Rủi ro về nợ xấu. Đảo nợ có thể sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng mình đã trả xong các khoản nợ quá hạn. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm thiểu đi. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì nợ sẽ tiếp tục xoay vòng khi khách hàng vay không đủ khả năng trả nợ. Cứ như vậy việc đảo nợ sẽ tạo ra nợ xấu và gây ra rủi ro cho người đi vay.
+ Không phản ánh chính xác "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp. Việc đảo nợ giúp doanh nghiệp che giấu đi phần nợ xấu hay nợ quá hạn của mình. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi kiểm tra tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.
+ Về phía ngân hàng, họ sẽ phải chịu rủi ro lớn nếu không tìm hiểu kỹ hồ sơ vay của khách hàng. Việc đánh giá khả năng phát triển, trả nợ của doanh nghiệp vay nợ là hết sức quan trọng.
+ Về phía người vay, họ sẽ có rủi ro gặp phải những trường hợp xấu. Như không chuẩn bị kịp tiền ứng tạm, để gần sát ngày trả tiền mới làm hồ sơ, rủi ro về việc cán bộ ngân hàng cấu kết với bên cho vay nóng, cố tình giam ngâm hồ sơ của bạn để tăng phần tiền lãi.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp