07/04/2023 10:41
Cạnh tranh là gì? Những điều cần biết về cạnh tranh
Cạnh tranh là gì? Mục đích và Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Cạnh tranh là gì?
Cạnh tranh là một khái niệm rộng, nó có hầu hết ở mọi lĩnh vực khác nhau của xã hội, từ những cuộc sống hằng ngày đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao…và cạnh tranh có khá nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau.
Theo cách hiểu phổ thông thể hiện trong Từ điển ngôn ngữ tiếng Anh, "competition" (cạnh tranh) là "một sự kiện hoặc một cuộc đua, theo đó các đối thủ ganh đua để giành phần hơn hay ưu thế tuyệt đổi về phía mình". Theo Từ điển tiếng Việt, "cạnh tranh" là " cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm những lợi ích như nhau".
Trong khoa học kinh tế, đến nay các nhà khoa học dường như chưa thỏa mãn với bất cứ khái niệm nào về cạnh tranh. Bởi lẽ, cạnh tranh là hiện tượng kinh tế chỉ xuất hiện và tồn tại trong nền kinh tế thị trường, ở mọi lĩnh vực, mọi giai đoạn của quá trình kinh doanh và gắn với mọi chủ thể kinh doanh đang hoạt động trên thị trường. Do đó, cạnh tranh được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau tùy thuộc vào ý định và hướng tiếp cận nghiên cứu của các nhà khoa học.
Với tư cách là động lực nội tại trong mỗi chủ thể kinh doanh, cuốn "Các hoạt động hạn chế cạnh tranh và hoạt động thương mại không lành mạnh" của Tổ chức thống nhất, tín thác vì người tiêu dùng (Ấn Độ) đã diễn tả: "Cạnh tranh trên thị trường là quá trình ở đó nhà cung cấp cố gắng ganh đua để giành khách hàng bằng các phương thức, biện pháp khác nhau".
Theo Từ điển kinh doanh, xuất bản ở Anh năm 1992 thì "cạnh tranh" được hiểu là "sự ganh đua, sự kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình". Từ điển tiếng Việt Bách khoa tri thức phổ thông cũng giải thích cạnh tranh theo nghĩa kinh tế là: Hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất.
Mục đích của cạnh tranh trong kinh doanh
Trong nền kinh tế thị trường, nếu quan hệ cung cầu là cốt vật chất, giá cả là diện mạo thì cạnh tranh là linh hồn của thị trường. Nhờ có cạnh tranh, với sự thay đổi liên tục về nhu cầu và với bản tính tham lam của con người mà nền kinh tế thị trường đã đem lại những bước phát triển nhảy vọt mà loài người chưa từng có được trong các hình thái kinh tế trước đó.
Sự ham muốn không có điểm dừng đối với lợi nhuận của nhà kinh doanh sẽ mau chóng trở thành động lực thúc đẩy họ sáng tạo không mệt mỏi, làm cho cạnh tranh trở thành động lực của sự phát triển.
Dù bạn muốn hay không muốn, nhưng đã tham gia vào nền kinh tế thị trường thì cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên để triển khai chiến lược cạnh tranh hiệu quả bạn phải có mục đích nhất định.
Nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp triển khai cạnh tranh với các đối thủ của mình đều hướng đến các mục đích sau:
+ Cạnh tranh giành được nhiều lợi nhuận từ cá nhân, tổ chức khác.
+ Có chỗ đứng trong thị trường, nguồn nguyên liệu dồi dào, thu hút nhiều khách hàng….sẽ có nhiều ưu thế, thuận lợi cho sự phát triển và doanh thu cao.
+ Cạnh tranh để giành được nhiều lợi thế hơn, tránh được những rủi ro và thiệt hại trong suốt quá trình kinh doanh.
+ Cạnh tranh để tăng doanh thu, mở rộng thị phần khẳng định giá trị thương hiệu.
+ Cạnh tranh là động lực để cá nhân, tổ chức phấn đấu, thay đổi và nỗ lực phát triển về mọi mặt, nỗ lực trở thành đơn vị dẫn đầu ngành.
+ Tấn công vào thị trường mới, sự hội nhập cạnh tranh đã được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và coi trọng, mục đích là phát triển kinh tế, các mối quan hệ xã hội, nâng cao hiểu biết toàn xã hội.
Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường
Canh tranh là động lực phát triển kinh tế nâng cao năng suất lao động xã hội. Một nền kinh tế mạnh là nền kinh tế mà các tế bào của nó là các doanh nghiệp phát triển có khả năng cạnh tranh cao. Vai trò của cạnh tranh đối với nền kinh tế thị trường được thể hiện qua những mặt sau:
+ Là động lực thúc đẩy sự phát triển của mọi thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường, góp phần xóa bỏ những độc quyền, bất hợp lý, bất bình đẳng trong kinh doanh.
+ Cạnh tranh bảo đảm thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc.
+ Thúc đẩy sự đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, kích thích nhu cầu phát triển, làm nảy sinh những nhu cầu mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và phát triển nền kinh tế.
+ Làm nền kinh tế quốc dân vững mạnh, tạo khả năng cho doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài.
+ Giúp cho nền kinh tế có nhìn nhận đúng hơn về kinh tế thị trường, rút ra được những bài học thực tiễn bổ sung vào lý luận kinh tế thị trường của nước ta.
Phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của cạnh tranh không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, doanh nghiệp mà là nhiệm vụ chung của toàn bộ cá nhân. Cạnh tranh phải là cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau để cùng phát triển, cùng đi lên thì mới làm cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Lợi ích và hạn chế của cạnh tranh trong kinh doanh
Lợi ích và hạn chế luôn tồn tại song hành với nhau trong cạnh tranh kinh doanh. Bởi cạnh tranh dù mang đến nhiều lợi ích, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực, thử thách. Nhất là các doanh nghiệp đang cung cấp các sản phẩm hoặc đang tham gia vào một thị trường đã bước vào giai đoạn bão hòa.
Lợi ích của cạnh tranh trong kinh doanh: Thúc đẩy sự đổi mới cho doanh nghiệp, nền kinh tế thị trường. Làm tăng nhu cầu, nâng cao năng lực sản xuất. Giúp doanh nghiệp tìm thấy ưu thế cạnh tranh của mình. Thúc đẩy sự phát triển kinh doanh liên tục. Tạo động lực giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn…
Hạn chế của cạnh tranh trong kinh doanh: Tạo nên áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Khiến doanh nghiệp phải chi tiếu, đầu tư nhiều hơn. Làm giảm thị phần của doanh nghiệp. Tạo áp lực lớn trong quá trình làm việc của nhân viên. Khiến khách hàng bị nhầm lẫn về sản phẩm, thương hiệu…
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp