13/03/2024 12:22
Bà Trương Mỹ Lan còn 13 tài sản chưa bị kê biên, phong tỏa, đề nghị dùng để khắc phục hậu quả
Tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan bất ngờ cho biết muốn mang 13 tài sản ngoài danh mục kê biên, phong tỏa trong vụ án này để khắc phục hậu quả nếu bà bị tuyên có tội, gây hậu quả.
Tòa nhà tỷ USD được rao bán để khắc phục hậu quả cho SCB
Ngày 12/3, phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tiếp tục diễn ra với phần tham gia xét hỏi các bị cáo từ các luật sư.
Năm 1992, khi nhà nước cho phép thành lập công ty TNHH thì nhà bà Lan thành lập Công ty Vạn Thịnh Phát. Mẹ bà Lan đã tích lũy được một số tài sản, vàng bạc, nhà cửa và đó cũng là nền tảng cho bà Lan có tiềm lực kinh tế mạnh. Cũng trong năm 1992, bà Lan gặp ông Chu Lập Cơ khi ông Cơ đi tìm cơ hội đầu tư. Bà Lan và ông Cơ kết hôn và chọn ở lại Việt Nam kinh doanh.
Bà Lan cũng khai rằng, thời điểm tái cơ cấu, SCB cần rất nhiều tiền. Bà đã thế chấp cho SCB khách sạn Windsor - khách sạn 5 sao đầu tiên ở Việt Nam tọa lạc tại quận 5 (TPHCM) để vay 15.000 tỷ đồng. Sau đó, bà Lan đã trả được khoản vay này.
Được biết, Trương Mỹ Lam đã ủy quyền cho con gái là Chu Duyệt Phấn và 2 người cháu đi thu hồi khoản nợ mà các cá nhân và tổ chức đang thiếu để khắc phục hậu quả cho vụ việc xảy ra ở SCB, Vạn Thịnh Phát.
Trong phiên xét xử ngày 12/3, bà Lan cho biết, Chu Duyệt Phấn đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD.
Ngoài ra, bà Lan cũng mong muốn chuyển 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella nộp khắc phục hậu quả vào Ngân hàng SCB để giúp đỡ ngân hàng vì "hiện SCB đang rất cần tiền".
Trước nguyện vọng của bà Lan, chủ tọa phiên tòa khẳng định Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ tạo mọi điều kiện để tất cả các bị cáo khắc phục hậu quả, nhưng các tài sản ở đâu, ai cất giữ… thì các bị cáo phải cung cấp địa chỉ rõ ràng, không nói chung chung.
"Không có ý định thâu tóm SCB"
Ngày 13/3, trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, về hoàn cảnh khi hợp nhất SCB trong bối cảnh 3 ngân hàng đang bị rút tiền, nhà nước vận động nhiều doanh nghiệp nhưng không ai dám vào, bị cáo từ chối rất nhiều lần, NHNN đề nghị bị cáo cố gắng mua được 65% để ổn định ngân hàng, kêu gọi đối tác (ưu tiên các đối tác nước ngoài…), cho mượn tài sản.
Bà Lan mong HĐXX xem xét vì bà không có ý định thâu tóm SCB. "Nếu bị cáo muốn thâu tóm thì bị cáo phải đưa toàn bộ người của bị cáo vào quản lý nhưng, bị cáo chỉ thực hiện đúng vai trò nhiệm vụ của mình khi hứa tham gia tái cơ cấu, các cổ phần không phải của bị cáo mà còn là của bạn bè bị cáo, lúc đó do quá hỗn loạn nên các bạn bè của bị cáo ai có thể đứng tên được đều đứng tên cổ đông cho SCB", bà Lan trình bày tại tòa.
"Mong HĐXX xem xét, bị cáo không dùng thủ đoạn, nếu bị cáo thủ đoạn sao lại mất hết tài sản như hôm nay?", bị cáo Lan nói.
Còn bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) nói rằng, bị cáo sở hữu hơn 99% cổ phần Timesquare. Bị cáo đã ký cho phép bà Lan sử dụng tài sản để thế chấp nhằm giúp tái cơ cấu ngân hàng theo đề nghị của bà Lan là vợ bị cáo.
Về lần thứ 2 khi ký, mặc dù bà Lan không nói gì nhưng bị cáo vẫn ký vì nghĩ là để giúp ngân hàng. Bị cáo dù không biết tiếng Việt nhưng tin tưởng vào nhân viên, trợ lý của mình nên vẫn ký. Bị cáo không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản, khoản vay tại SCB.
Ông Cơ cũng nói hoàn toàn không nghĩ sẽ có hậu quả như hôm nay. "Bị cáo không cố tình ký văn bản, bị cáo thừa nhận mình ký là sai, bị cáo mong tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục".
Trong vụ án này, ông Chu Lập Cơ (68 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt và gây hậu quả đặc biệt lớn cho SCB.
Ông Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 10/12/2012, Biên bản họp HĐQT ngày 12/12/2012, ngày 15/8/2017 của Công ty Times Square để thế chấp tài sản của Công ty Times Square bảo lãnh cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.116 tỷ đồng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement