14/03/2024 16:54
Bà Trương Mỹ Lan cho Công ty Dầu khí Phương Đông mượn tài sản, vay 1.700 tỷ đồng vì “quý doanh nghiệp trẻ”
Bà Trương Mỹ Lan đồng ý đưa tài sản, đảm bảo cho Công ty Dầu khí Phương Đông vay 1.700 tỷ đồng của SCB vì lý do giúp SCB đạt chỉ tiêu cho vay và vì "tôi quý doanh nghiệp trẻ nhưng làm ăn khó khăn, thiếu điều kiện".
Sáng 14/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, với việc các luật sư tiến hành xét hỏi.
Luật sư của Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Dầu khí Phương Đông, nêu câu hỏi với Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và cũng là chủ của SCB, về khoản vay giữa 2 bên.
Bà Lan khai biết bị cáo Tùng qua sự giới thiệu của Trương Khánh Hoàng, quyền Tổng giám đốc SCB. Bị cáo cho hay, Hoàng khi đó nói SCB cần chỉ tiêu cho vay thương mại trong khi Tùng có công ty thương mại dầu khí "hoạt động rất tốt" nhưng hiện đang khó khăn, mong bà Lan hỗ trợ.
Trương Mỹ Lan đồng ý yêu cầu trên vì 2 lý do, thứ nhất là giúp ngân hàng đạt chỉ tiêu cho vay, thứ hai là "tôi quý doanh nghiệp trẻ nhưng làm ăn khó khăn, thiếu điều kiện".
Bị cáo trình bày tiếp: "Tôi nói với Hoàng, em làm tốt đi, chị tìm tài sản hỗ trợ cho Tùng vay", thêm rằng bản thân chỉ biết đưa tài sản vào ngân hàng, đảm bảo khoản vay này và nếu không có tài sản, sẽ đi mượn của bạn bè.
Trương Mỹ Lan khẳng định không biết Công ty Phương Đông của Tùng vay SCB bao nhiêu tiền nhưng ví dụ: "Vay 10 đồng, có thể Tùng dùng ba, bốn đồng, còn lại SCB dùng để tái cơ cấu".
"Trương Muội" cũng cho rằng bản thân chỉ đưa tài sản vào giúp SCB nên cáo trạng quy kết bà lợi dụng việc này, rút tiền ra dùng riêng là sai, đồng thời khẳng định bản thân không "đi vay mấy trăm tỷ".
Cơ quan tố tụng xác định, Công ty Phương Đông được SCB giải ngân 1.720 tỷ đồng, để Trương Mỹ Lan và Nguyễn Thanh Tùng cùng sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Về việc hai bên dùng bao nhiêu trong số vay được, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng SCB, khai cả ngân hàng và Công ty Phương Đông đều có người theo dõi, đối chiếu thường xuyên với nhau nhưng cụ thể mỗi bên dùng bao nhiêu, bà không nắm rõ.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng khai, Công ty Phương Đông vốn gặp khó khăn, ông ta đầu tư vào đây với mong muốn "cống hiến cho ngành dầu khí". Doanh nghiệp này nợ thuế nhiều nhưng có nợ xấu tại BIDV nên buộc lòng phải tìm tới Trương Mỹ Lan.
Cáo trạng thể hiện, năm 2022, các bị cáo Lan, Tùng thống nhất dùng các công ty trong nhóm của Tùng lập hồ sơ vay vốn tại SCB để cả hai cùng có tiền. Trương Mỹ Lan phụ trách đưa tài sản của mình vào đảm bảo các khoản vay và chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung lập hồ sơ, giải ngân, theo Dân Việt.
Phần Tùng, ông ta lấy 35 công ty trong nhóm mình, lập 37 hồ sơ vay vốn với tổng số tiền 1.720 tỷ đồng. Theo định giá, tài sản đảm bảo các khoản vay này trị giá hơn 882 tỷ đồng nên hành vi của Tùng gây thiệt hại 850 tỷ đồng, phải hầu tòa về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Trước đó trong phiên xử ngày 13/3, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) thừa nhận sai phạm của mình, không né tránh nhưng thiệt hại là quá lớn trong khi bị cáo không phải là người hưởng, nên mong HĐXX xem xét.
Về tài sản đảm bảo khoản vay 1.500 tỷ đồng của Tường Việt, bị cáo Dung thừa nhận đã làm sai quy trình tín dụng nhưng đề nghị xem xét lại hậu quả mà bị cáo này gây ra.
Bị cáo cũng đề nghị xem xét lại giá trị của dự án Mũi Đèn Đỏ và kết quả định giá của công ty Hoàng Quân vì theo quan điểm của bị cáo Dung thì cổ phần, cổ phiếu cũng là tài sản nhưng xác định giá trị bằng 0 là chưa hợp lí. Bị cáo Dung nói mình chỉ là người kế thừa từ Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB).
Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo các thành viên khác tại Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho Lan sử dụng.
Bị cáo Dung biết rõ, các khoản vay của Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty "ma", giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay. Các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật.
Với hành vi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.690 tỷ đồng và gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số nợ lãi phát sinh hơn 69.000 tỷ đồng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement