20/04/2024 11:57
Ấn Độ và tham vọng 'soán ngôi' Trung Quốc
Thị trường tiêu dùng Ấn Độ đang chứng kiến giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, nhờ vào sự gia tăng của các hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao. Tốc độ tiêu dùng tại quốc gia này đang vượt xa Trung Quốc, khi khoảng cách giữa hai thị trường tiêu dùng này thu hẹp.
Các dự báo cho thấy vào năm 2030, Ấn Độ sẽ có 773 triệu người tiêu dùng, tăng 46% so với con số 529 triệu người được ghi nhận vào năm 2023. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến vẫn duy trì tổng số người tiêu dùng lớn hơn, với hơn 1 tỷ người tiêu dùng vào năm 2030, nhưng mức độ tăng trưởng chỉ đạt 15% so với năm 2023.
Những yếu tố thúc đẩy tiêu dùng ở mỗi quốc gia đang được định hình bởi các đặc điểm riêng của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở các khu đô thị, trong khi tại Ấn Độ, tầng lớp trung có thể thấy ở cả các khu đô thị và nông thôn.
Do sự phân tán của tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, việc tiếp cận người tiêu dùng mới có thể là điều khó khăn trong thời gian ngắn, cho đến khi sự cân bằng giữa các khu vực đô thị và nông thôn trong việc phân phối tài nguyên, lao động và vốn được thiết lập.
Trong khi đó, Trung Quốc cần khuyến khích các công dân sống ở ngoại ô của các thành phố lớn và các khu vực nông thôn hơn để tạo ra một sức tiêu dùng mạnh mẽ.
Hiện tại, tiêu dùng ở Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi các thành phố lớn, nơi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn 80% so với mức trung bình quốc gia. Tuy nhiên, thu nhập của các hộ gia đình ở các thị trường cấp thấp cũng đã tăng, tạo ra nhiều cơ hội tiêu dùng hơn.
Dẫu vậy, nhiều người dân vẫn ưa chuộng lối tiết kiệm hơn là tiêu dùng khi nền kinh tế trầm lắng, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, người dân Trung Quốc đã tích lũy khoản tiền tiết kiệm lên đến 53.000 tỷ CNY từ năm 2020, và số tiền này vẫn chưa được chi tiêu nhiều, theo một báo cáo của McKinsey. Để khuyến khích người dân sử dụng số tiền tiết kiệm này vào mục đích tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc cần có những biện pháp nâng cao an ninh tài chính, chẳng hạn như thông qua cải thiện hệ thống hưu trí.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các khả năng tiêu dùng mà người dân di cư từ nông thôn có thể mang lại bằng việc biến người lao động di cư thành cư dân thành thị, qua đó sức mua của họ có thể tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc thay đổi hệ thống hộ khẩu, khung pháp lý quản lý di chuyển dân số của Trung Quốc, có thể là một thách thức được đặt ra.
Hơn nữa, Trung Quốc đang đối mặt với xu hướng dân số già hoá, khi khoảng 15% dân số trên 65 tuổi, là xã hội trung niên, theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Ngược lại, Ấn Độ có một dân số trẻ hơn, với độ tuổi trung bình chỉ 28 so với 39 của Trung Quốc.
Ban đầu, dân số trẻ của Ấn Độ có thể được coi là một thế cạnh tranh trong một thị trường tiêu dùng mà người trẻ được đánh giá cao. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, hầu hết người cao tuổi đều sử dụng Internet vào năm 2030, trong khi sức mua hiện tại đều nằm trong tay thế hệ Y, nhóm người ngày càng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Điều này đánh dấu sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc, đó là chuộng hàng hóa chất lượng hơn là số lượng, đồng thời mong muốn có trải nghiệm mua sắm cá nhân hoá nhiều hơn.
Công nghệ tiên tiến, tích hợp trí tuệ nhân tạo và đổi mới liên tục đã là những yếu tố chính thúc đẩy thương mại ở Trung Quốc, giúp quốc gia này duy trì vị thế dẫn đầu so với các nền kinh tế khác từ trước đến nay.
Chẳng hạn như Shein đã tận dụng các thuật toán để cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm bằng cách đề xuất các sản phẩm phù hợp với sở thích cá nhân. Các thương hiệu khác cũng khai thác xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới như nhân vật trực tuyến.
Tuy nhiên, theo Sonja Cheung - Giám đốc của Hội đồng Doanh nghiệp châu Á, ở Ấn Độ, tỷ lệ sử dụng Internet cao đang thúc đẩy thương mại, nhưng những thách thức như tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên và khả năng tiếp cận giáo dục không bình đẳng có thể là rào cản cho sự đổi mới kỹ thuật số trong tương lai, vốn cần thiết cho sự tăng trưởng thương mại.
Ngoài ra, dù những lo ngại này đã được giải quyết một phần thông qua Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân Kỹ thuật số vào năm ngoái, người trẻ Ấn Độ vẫn lo ngại về việc mất dữ liệu kỹ thuật số và mất quyền riêng tư, theo một báo cáo trong tháng này từ ECDB.
Việc thúc đẩy mạnh mẽ nhằm hiện đại hóa và áp dụng thương mại số hoàn toàn trái ngược với những phong tục truyền thống ở Ấn Độ đã phần nào ảnh hưởng đến cách thế hệ Z tiếp cận với thương mại điện tử.
Khả năng đổi mới và nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, như phản ứng của người tiêu dùng đối với đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 trong các dịch vụ như du lịch và giải trí, là rất quan trọng đối với việc giữ vững vị thế dẫn đầu tiêu dùng toàn cầu của Trung Quốc.
Sự chuyển đổi này từ một nền kinh tế dựa trên sản phẩm sang một nền kinh tế dựa trên dịch vụ là một bước tiến quan trọng, phản ánh sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng.
"Để duy trì vị thế này, Trung Quốc cần mở rộng tầm nhìn của mình để bao quát các khu vực nông thôn và phục vụ các tầng lớp tiêu dùng thường bị bỏ qua như người lao động di cư. Đồng thời, Ấn Độ phải giải quyết các vấn đề về dữ liệu số giữa các thế hệ trẻ của mình và định hình lại cơ sở hạ tầng số để tận dụng hoàn toàn tiềm năng dân số của mình", bà Cheung nhận xét.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp