26/08/2023 08:33
Việt Nam, Philippines và Brunei tham gia sáng kiến thanh toán QR xuyên biên giới
Việt Nam, Philippines và Brunei sẽ cùng các nền kinh tế lớn khác ở Đông Nam Á tham gia hệ thống thanh toán mã QR được kết nối với nhau nhằm mục đích thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Perry Warjiyo, Thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia, cho biết hôm 25/8 rằng Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đang tiến triển trong việc thực hiện các giao dịch song phương sử dụng mã QR với nhau, được khởi xướng vào năm ngoái.
Ông Warjiyo nói với các phóng viên sau cuộc họp giữa các quan chức tài chính hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: "Cam kết này sẽ giúp… tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán xuyên biên giới một cách liền mạch và an toàn".
"Dần dần… tất cả các quốc gia [sẽ] được kết nối trong… thanh toán của họ bằng đồng nội tệ đang được sử dụng", ông nói.
Indonesia hiện đang thí điểm sáng kiến này với Singapore và bốn quốc gia "vào cuối năm nay sẽ kết nối với nhau - từ song phương đến đa phương", ông cho biết.
Theo kế hoạch thanh toán, các ngân hàng trung ương của Malaysia và Indonesia đã triển khai liên kết xuyên biên giới vào tháng 5. Người Malaysia đi du lịch đến Indonesia giờ đây có thể thanh toán hàng hóa và dịch vụ chỉ bằng cách quét mã QR bằng điện thoại di động của họ, người Indonesia đi du lịch ở Malaysia cũng có thể làm như vậy. Các khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền địa phương, bỏ qua nhu cầu sử dụng đồng USD làm trung gian.
Ông Warjiyo cho biết Việt Nam dự kiến sẽ sớm tham gia sáng kiến này, cơ quan tài chính phụ trách hệ thống thanh toán nội địa của nước này hiện đang đàm phán với ngành địa phương để thống nhất về hệ thống QR quốc gia.
Philippines đang củng cố ngành thanh toán QR của mình, với các quan chức ở đó thuyết phục các doanh nghiệp trong ngành đồng ý về khả năng kết nối khu vực. Trong khi đó, Brunei đang thiết lập một khung pháp lý quốc gia để trao cho các cơ quan tài chính của mình quyền điều chỉnh và giám sát các hệ thống thanh toán trong nước, điều kiện tiên quyết cho các bước tiếp theo, ông Warjiyo cho biết.
Ông bày tỏ hy vọng ngày càng có nhiều nước thành viên ASEAN thiết lập hợp tác về giao dịch đồng nội tệ. "Điều này cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự ổn định trong cả nền kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, đồng thời giải quyết" tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng từ bên ngoài", ông nói.
Sáng kiến RPC được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào năm 2022 nhằm tăng cường kết nối thanh toán giữa các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng cách thực hiện thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và rẻ hơn, cũng như toàn diện và minh bạch hơn.
Theo thỏa thuận hợp tác này, Việt Nam sẽ bắt tay với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore. Trọng tâm đặt vào việc kết nối hệ thống thanh toán với những quốc gia này, đặc biệt tập trung vào việc sử dụng hệ thống mã QR (quick response) cho các giao dịch bán lẻ. Tiếp cận công nghệ này dự kiến sẽ đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình thanh toán bán lẻ qua biên giới.
Thỏa thuận được đưa ra trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN tại Jakarta để củng cố sáng kiến thanh toán xuyên biên giới này.
6 ngân hàng trung ương bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Indonesia, Ngân hàng Negara Malaysia, Bangko Sentral ng Pilipinas, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) và Ngân hàng Thái Lan.
Mở rộng kết nối thanh toán sẽ giúp hỗ trợ các hoạt động kinh tế khu vực sau đại dịch, bao gồm du lịch và các ngành dịch vụ khác. Sáu ngân hàng cho biết trong một tuyên bố chung vào ngày 25/8 rằng thỏa thuận cũng sẽ thúc đẩy thương mại và chuyển tiền giữa các thành viên ASEAN, đồng thời mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sáu nước này có nhiệm vụ đưa các thành viên ASEAN khác vào sáng kiến RPC từ cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương lần thứ chín. Sáng kiến này cũng có thể được mở rộng sang các nền kinh tế lân cận và các quốc gia ngoài ASEAN.
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp