Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng

29/05/2023 16:47

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 25/5/2023 đã ban hành văn bản số 3956/NHNN-TT yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Văn bản đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện một số nội dung nhằm tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Cụ thể, NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các chương trình, chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đối với khách hàng, trong đó ưu tiên thực hiện miễn phí duy trì tài khoản, phí rút tiền mặt đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cùng với đó, tích cực hưởng ứng và chủ động triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt năm 2023 thông qua các chương trình ưu đãi, chính sách khuyến mại phù hợp trong thời gian diễn ra sự kiện (tháng 6/2023 và đỉnh điểm vào Ngày không tiền mặt - 16/6/2023), cụ thể:

Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi hợp lý; phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán (đơn vị cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm,...) thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng TTKDTM như: Miễn giảm phí dịch vụ thanh toán; tặng quà, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng,... cho khách hàng khi mở mới tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng,... hoặc thực hiện thanh toán hóa đơn, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ bằng các phương thức TTKDTM (thanh toán thẻ, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại di động, thanh toán qua mã QR, trích nợ tự động,...).

Xem xét thực hiện ưu đãi phí chiết khấu cho các đơn vị chấp nhận thanh toán tham gia, đồng hành cùng với ngân hàng trong các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ.... nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến mại hợp lý (giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tích điểm thưởng, quay số,...) cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, theo VietStockFinance.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ Ví điện tử có chính sách ưu đãi hợp lý (miễn, giảm phí, phiếu quà tặng....) cho khách hàng đăng ký, liên kết thành công tài khoản Ví điện tử với thẻ ghi nợ nội địa, tài khoản thanh toán.

NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động xây dựng các chương trình, chính sách ưu đãi của đơn vị mình, quảng bá tới khách hàng và phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn, đề nghị phản ánh về NHNN (Vụ Thanh toán) để tổng hợp.

Theo NHNN, hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. Thời gian vừa qua, NHNN, bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán như: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 1/3/2023; nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo trình Chính phủ Nghị định (NĐ) thay thế NĐ101/2012/NĐ-CP về TTKDTM và NĐ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản (TK) viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, DV có giá trị nhỏ (Mobile-Money)...

Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy TTKDTM, như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC); Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ eKYC; Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng tới năm 2030...

Ngoài ra, NHNN cũng thành lập tổ công tác và ban hành kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị. Số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng, tăng 18,55% về giá trị, theo CAO.

Đến cuối tháng 3/2023, toàn thị trường có 21.347 máy ATM, 430.625 máy POS, tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng, tăng 32,09% về giá trị; giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng, giảm 4,02% về giá trị cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang TTKDTM.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement