18/10/2024 08:23
Ukraina lấy tên lửa đạn đạo mới ở đâu?
Báo Tầm nhìn (vzglyad.ru) của Nga đặt nghi vấn, một tên lửa mới không thể tự nhiên xuất hiện và luôn kế thừa một số bước phát triển trong quá khứ, tất nhiên, nếu những tuyên bố của Zelensky về "nguồn gốc Ukraina" của tên lửa là đúng.
Có vẻ như mọi thứ diễn ra theo đúng truyền thống tên lửa ở Ukraina. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Ukraina thừa hưởng những nguồn lực khoa học và công nghiệp quan trọng trong lĩnh vực tên lửa, điều nước này có được một cách hoàn toàn tình cờ.
Có một thời, khi quy hoạch địa điểm sản xuất quốc phòng, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của chu trình tên lửa của Liên Xô, nhà máy chế tạo máy Yuzhny, hay gọi tắt là Yuzhmash, và Phòng thiết kế Yuzhnoye đặt trụ sở tại Dnepropetrovsk, Ukraina.
Yuzhmash và Phòng thiết kế Yuzhnoye dưới thời Liên Xô chuyên chế tạo các tên lửa cỡ lớn - để làm tên lửa đẩy vũ trụ (Zenit, Cyclone) hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa (R-36M2 Voevoda và RT-23 Molodets). Sau khi Ukraina giành độc lập và do cơ chế kiểm soát vũ khí tên lửa, Kiev tập trung nỗ lực của lĩnh vực tên lửa vào việc tạo ra các hệ thống tên lửa tác chiến chiến thuật (OTRK) của riêng mình.
Tuy nhiên, cho đến năm 2014, công cuộc chế tạo OTRK của Ukraina với tầm bắn lên tới 500 km vẫn chậm chạp - trong bối cảnh quan hệ bình thường, thậm chí thân thiện với Nga và các nước láng giềng khác, Ukraina đơn giản là không cần những vũ khí như vậy.
Ngoài ra, việc có hàng nghìn OTRK Tochka-U của Liên Xô trong kho vũ khí cũng làm chậm lại mọi nỗ lực chế tạo OTRK mới của Ukraina. Tại sao phải chi tiền cho một tên lửa mới nếu quân đội vẫn còn đầy những hệ thống tuy cũ, nhưng khá mạnh mẽ có nguồn gốc từ Liên Xô?
Từ Sapsan đến Grom-2
Ngoài việc thiếu chiến lược phát triển quân sự rõ ràng sau năm 1991, chương trình tên lửa của Ukraina còn liên tục phải đối mặt với một số yếu tố cản trở sự phát triển. Một trong những vấn đề lớn là tài chính.
Việc chế tạo một OTRK hiệu quả đòi hỏi phải đầu tư tài chính lên tới 0,5-1 tỷ USD, rất khó để đảm bảo do việc phân bổ tiền từ ngân sách Ukraina trên cơ sở dư thừa. Các cam kết quốc tế của Ukraina, những hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ tên lửa hiện đại và quan hệ hợp tác với Nga sụp đổ cũng góp phần làm chậm sự phát triển.
Với cuộc đối đầu công khai với Nga bắt đầu từ năm 2014, giới lãnh đạo Ukraina đi đến kết luận rằng cần phải hiện đại hóa và phát triển phương tiện răn đe và phòng thủ của riêng mình. Một trong những lĩnh vực quan trọng là tạo ra hệ thống tên lửa chiến thuật với tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công ở khoảng cách đáng kể, nhằm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng và quân sự quan trọng của kẻ thù.
Nhưng ngay cả trong điều kiện như vậy, nguồn tài chính dành cho sản xuất OTRK cũng không được duy trì tốt và ngành công nghiệp tên lửa Ukraina vẫn đang trong tình trạng thiếu thốn.
Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraina đã nói với các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu tại Brussels hôm thứ Năm rằng đất nước của ông rất cần sự hỗ trợ của họ cho kế hoạch chấm dứt chiến tranh vào năm tới, nhưng không rõ bằng cách nào. Hiện, chưa rõ các đồng minh của Ukraina sẽ ủng hộ đến mức nào.
Thành công nhất trong quá trình tạo ra tên lửa Sapsan là việc thiết kế và thử nghiệm các bộ phận đơn lẻ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Bộ Quốc phòng Ukraina trưng bày mô hình của tổ hợp này trong cuộc duyệt binh nhân Ngày Độc lập của Ukraina vào tháng 8/2018, mặc dù rõ ràng không có dấu hiệu của tên lửa thật bên trong bệ phóng.
Nhìn chung, mặc dù Sapsan chắc chắn chưa đạt đến giai đoạn sản xuất hàng loạt, nhưng nó trở thành giai đoạn quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa của Ukraina và giúp đặt nền móng cho những bước phát triển tiếp theo.
Lối thoát cho bế tắc này được tìm thấy bên ngoài biên giới Ukraina. Để làm được điều này, Yuzhmash và Phòng thiết kế Yuzhnoye thay đổi một chút thiết kế Sapsan để tổ hợp tên lửa này trở nên hấp dẫn đối với khách hàng nước ngoài - chủ yếu là các nước Trung Đông, như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Do đó, dự án OTRK mới, được gọi là "Grom-2", đã được thực hiện với nguồn tài trợ lớn từ nước ngoài được cung cấp bởi Saudi Arabia, quốc gia chi khoảng 70 triệu USD cho việc thiết kế và thử nghiệm.
Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của Grom-2 bắt đầu năm 2017. Kể từ đó, các phương tiện truyền thông Ukraina thường xuyên đưa tin về các cuộc thử nghiệm "thành công" của tổ hợp này, liên tục được coi là thành tựu to lớn trong lĩnh vực quốc phòng.
Theo các thông tin này, công việc được thực hiện bao gồm cả thử nghiệm tĩnh động cơ và hệ thống điều khiển cũng như phóng tên lửa để kiểm tra việc kiểm soát. Về mặt chính thức, các thông tin này cho thấy "mức độ sẵn sàng cao của hệ thống để sử dụng trong chiến đấu" và "đã mang lại kết quả tích cực về tầm bắn và độ chính xác trong bắn trúng mục tiêu".
Tuy nhiên, nhiều thông điệp trong số này mang tính chất tuyên truyền. Kết quả thực sự của các cuộc thử nghiệm Grom-2 vẫn được giữ bí mật và thông tin về các hỏng hóc, trục trặc kỹ thuật trong chương trình được giữ kín.
Khả năng sẵn sàng kém của Grom-2 được chứng minh một cách gián tiếp bằng việc khách hàng ban đầu của tổ hợp này, Saudi Arabia, chưa bao giờ nhận được phiên bản OTRK hoạt động của Ukraina. Trên thực tế, họ đã chi rất nhiều tiền cho những lời hứa của Kiev.
Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng Ukraina đã tiến hành một số vụ phóng thử của Grom-2 trong điều kiện chiến đấu và các vụ phóng thử nghiệm này cho thấy hệ thống này được cho là có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 500 km.
Mặc dù vậy, có nhiều câu hỏi liên quan đến tính chính xác của những tuyên bố này – trên thực tế, các đợt sử dụng chiến đấu được cho là của Grom-2 đều có thể liên quan đến việc sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS hoặc tên lửa chống hạm Harpoon Block II+ ER và SLAM-ER của Mỹ.
Ngày nay, Ukraina khó có thể đảm bảo việc tạo ra một hệ thống tên lửa thực sự hiệu quả và đáng tin cậy, chứ đừng nói đến việc triển khai sản xuất hàng loạt. Sản xuất nói chung là vấn đề khó khăn chính đối với Grom-2: tất cả các cơ sở sản xuất của Yuzhmash ở Dnepropetrovsk và Pavlograd đều đã bị lực lượng không quân Nga tấn công liên tục và ít có khả năng trong tình trạng hoạt động đầy đủ.
Tấn công "cờ giả"?
Kiev sử dụng cực kỳ hạn chế những gì còn sót lại của ngành công nghiệp quân sự của mình khi tiếp nhận các hệ thống quân sự phức tạp được chế tạo sẵn như hệ thống phòng không, máy bay tấn công không người lái và phương tiện bay không người lái, đáng lo ngại nhất là tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ukraina ngày nay là nơi thử nghiệm và thuận tiện sử dụng vũ khí của phương Tây để chống lại Nga.
Lịch sử thất bại liên quan đến việc tạo ra Sapsan và Grom-2 càng khẳng định thêm rằng Ukraina hiện không thể độc lập phát triển và sản xuất các hệ thống quân sự phức tạp như tên lửa đạn đạo hiện đại, chứ đừng nói đến việc tích hợp vào OTRK tấn công hàng loạt.
Do đó, bất kỳ cuộc tấn công nào kiểu này vào lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của những tên lửa và sự liên quan của các quốc gia phương Tây trong việc cung cấp và sử dụng chúng.
Trong bối cảnh đó, khả năng rất cao Ukraina có thể sử dụng chiến thuật "cờ giả". Chiến thuật này đã được biết đến từ lâu: một nước cố gắng che giấu vai trò thực sự của mình trong các hành động gây hấn, ngụy trang cuộc tấn công của mình thành hành động của phía bên kia.
Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về việc Ukraina sử dụng tên lửa của phương Tây, nhưng ngụy trang chúng bằng các biểu tượng của Ukraina hoặc coi chúng là sản phẩm tự phát triển, được tạo ra trong thời gian ngắn nhất có thể.
Tháng 9 là tháng đẫm máu nhất trong cuộc chiến của lực lượng Nga ở Ukraina, các quan chức Mỹ cho biết, nâng số người Nga chết và bị thương lên hơn 600.000 binh sĩ kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Tại sao các nước phương Tây và Kiev phải có bước đi như vậy? Câu trả lời rất rõ ràng: để tránh những cáo buộc trực tiếp từ Nga về việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ nhìn chung được công nhận là của Liên bang Nga và để tránh nguy cơ các đồng minh và người bảo trợ phương Tây của Ukraina bị Nga tấn công trả đũa.
Họ nói rằng đây là "sáng kiến và vũ khí của Kiev", chứ không phải tên lửa đạn đạo của phương Tây với số sê-ri được xóa vội vàng và hình cây đinh ba (quốc huy của Ukraina - ND) được in nổi.
Thật khó để tưởng tượng rằng những bước đi như vậy của Kiev được thực hiện mà các nhà quản lý phương Tây không biết. Mỹ và các đồng minh, đang chơi trò chơi địa chính trị nguy hiểm, đã hơn một lần nhắm mắt làm ngơ trước những hành động khiêu khích của Kiev và thường trực tiếp hỗ trợ các hành động như vậy.
Ngày nay, các phương tiện truyền thông và bộ máy tuyên truyền phương Tây sẵn sàng che đậy bất kỳ cuộc tấn công "cờ giả" có thể có nào của Ukraina. Trong trường hợp có hành động khiêu khích mới, chẳng hạn như một cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Nga, các lực lượng này chắc chắn tuyên bố rằng "Kiev có quyền phòng thủ".
Các chuyên gia phương Tây khó có thể thừa nhận sự tham gia của nước họ vào việc chuẩn bị cho những hành động như vậy và bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm chỉ ra điều này sẽ bị coi là "thông tin sai lệch" hoặc "tuyên truyền của Nga".
Tuy nhiên, những chiến thuật như vậy, nếu được thực hiện, về lâu dài sẽ chống lại chính bên tổ chức thực hiện. Nga sẽ không bao giờ bỏ qua những hành động hung hăng như vậy. Và nếu những nỗ lực che giấu sự thật về việc sử dụng tên lửa phương Tây có thể tạm thời tạo ra cảm giác sai lầm về chiến thắng trong Chính quyền Kiev, thì kết quả sẽ chỉ là sự leo thang xung đột và những nạn nhân mới.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement