10/10/2023 08:05
Trừng phạt 'ông trùm' Evergrande cũng không giải quyết được vấn đề bất động sản Trung Quốc
Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) chủ tịch Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đã trở thành ví dụ mới nhất về những sai sót trên thị trường bất động sản Trung Quốc, vì sự thăng trầm của ông sẽ không thể xảy ra nếu không có nhiều biến động và mâu thuẫn trong lĩnh vực này.
Ông Hứa là một nhà tư bản nổi tiếng với việc tối đa hóa tín dụng để tài trợ cho việc mở rộng một đế chế kinh doanh rộng lớn.
Tỷ phú này là một trong những nhà từ thiện lớn nhất Trung Quốc với việc bơm hàng tỷ nhân dân tệ vào tỉnh Quý Châu phía tây nam để giúp người dân địa phương thoát nghèo. Nhưng ông lại không giao căn hộ cho người mua nhà hoặc thanh toán cho nhà cung cấp và nhà thầu, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh khốn khổ và tuyệt vọng.
Lòng tham của ông Hứa là cũng đồng thời là "sản phẩm" của những vấn đề sâu sắc trong nền kinh tế thị trường hỗn hợp của Trung Quốc. Sự phát triển thị trường nhà ở của Trung Quốc trong một phần tư thế kỷ qua là kết quả ngoạn mục của việc biến đất đai thành hàng hóa bằng cách giải phóng sức mạnh của vốn, tạo cho những người như Hứa Gia Ấn một sân khấu để chơi đùa.
Quá trình thương mại hóa đất đai và tư nhân hóa quyền sở hữu nhà ở đã làm thay đổi cục diện kinh tế của đất nước theo chiều hướng tốt hơn, mang lại điều kiện sống được cải thiện cho hàng trăm triệu người. Nhưng quá trình này cũng chứa đựng mầm mống của sự hủy diệt.
Ngay từ ngày đầu, nó đã là một hệ thống được thiết kế để mang lại lợi ích cho nhà nước và chủ sở hữu vốn. Hệ thống quyền sở hữu của Trung Quốc thậm chí còn là một phiên bản khốc liệt hơn của những gì có thể thấy ở Hồng Kông, nơi nguồn cung đất đai hạn chế và giá bất động sản cao đã góp phần tạo ra khoảng cách giàu nghèo trầm trọng và các tệ nạn xã hội.
Chính quyền thành phố đại lục tìm cách tối đa hóa doanh thu từ việc bán đất bằng cách hạn chế nguồn cung. Họ cũng có khả năng lớn hơn trong việc thúc đẩy nhu cầu, bao gồm thông qua các phương pháp như phá bỏ các cộng đồng cũ để thúc đẩy mọi người mua nhà mới.
Độc quyền đất đai và quá trình đô thị hóa đã tạo ra của cải khổng lồ. Những vụ đặt cược của chủ tịch Hứa thông qua đòn bẩy quá mức và mối quan hệ chặt chẽ với những người nắm quyền lực đã tỏ ra thành công rực rỡ trong những ngày đầu.
Hứa Gia Ấn có lý do chính đáng để thể hiện mình là một trong những doanh nhân "đúng đắn về mặt chính trị" nhất đất nước. Tư cách thành viên của ông trong cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc và những khoản đóng góp hào phóng cho các ưu tiên của nhà nước - bao gồm cả bóng đá và xóa đói giảm nghèo đã giúp ông dễ dàng được chấp nhận làm đại lý chuyển đổi đất đai thành dòng tiền.
Khi tài sản có nhu cầu và giá cả tăng cao, mọi người đều thắng. Chính quyền địa phương có tiền để cải thiện cơ sở hạ tầng thành phố, chủ sở hữu nhà có điều kiện sống tốt hơn và tài sản được đánh giá cao, còn các nhà phát triển như ông Hứa tích lũy tài sản với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhưng những điều kiện đó không thể duy trì mãi được.
Khi các hộ gia đình bình thường ở Trung Quốc tiêu sạch số tiền tiết kiệm cả đời của họ với khoản thế chấp 20 hoặc 30 năm, rõ ràng là bữa tiệc sắp kết thúc. Mọi thứ đảo ngược khi nhu cầu biến mất và tín dụng bị cắt.
Chính quyền địa phương đang phải gánh khoản nợ khổng lồ khi doanh số bán đất cạn kiệt. Các gia đình không còn coi nhà ở là nơi an toàn để cất giữ tài sản, và các nhà phát triển như Hui nhận thấy mình không thể thanh toán các hóa đơn với con số khổng lồ chiếm 2% GDP của đất nước.
Hứa Gia Ấn - người được tôn vinh như một anh hùng chỉ vài năm trước, giờ đã trở thành nghi phạm hình sự.
Nhưng công việc khắc phục thị trường bất động sản Trung Quốc và tìm kiếm nguồn thu thay thế cho chính quyền địa phương sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc chỉ trừng phạt những người như ông Hứa, người không phải là duy nhất trong số các ông trùm bất động sản Trung Quốc.
Điều đáng đặt ra là tại sao những hành vi sai trái rõ ràng của Hứa Gia Ấn, bao gồm cả việc vay mượn quá mức và đầu tư quá mức, lại được dung túng và khuyến khích trong thời gian dài như vậy.
Evergrande là ví dụ điển hình cho khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản. Evergrande thiệt hại nặng nhất, do lạm dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành.
Bất động sản hiện đóng góp 25% GDP Trung Quốc. Khủng hoảng trong lĩnh vực này vì thế đang đe dọa các nỗ lực kích thích kinh tế của Bắc Kinh, đồng thời làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng lan truyền sang hệ thống ngân hàng nước này.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp