Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Thỏa thuận lớn nhất mọi thời đại' của ông Trump gặp trở ngại ở Tokyo

Phân tích

27/07/2025 19:50

Được Tổng thống Trump ca ngợi là “thỏa thuận lớn nhất mọi thời đại”, cam kết đầu tư 550 tỷ USD giữa Mỹ và Nhật đang gặp sóng gió tại Tokyo, khi Quốc hội Nhật lún sâu vào khủng hoảng chính trị và tranh cãi về chủ quyền kinh tế.
news

Khi Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng chính quyền của ông đã đạt được một thỏa thuận thương mại và đầu tư "khổng lồ" với Nhật Bản, ông mô tả nó đã "hoàn tất", nhưng thực tế thỏa thuận này vẫn phải được thông qua tại Quốc hội Nhật Bản, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc bởi bất ổn chính trị.

"Thỏa thuận lớn nhất" của ông Trump và cơn sóng ngầm tại Tokyo

Theo tạp chí Newsweek, thỏa thuận trị giá 550 tỷ USD nói trên có thể sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội, ít nhất là một phần, nếu không muốn nói là toàn bộ, bởi chính phủ liên minh của Thủ tướng Shigeru Ishiba gần đây đã mất thế đa số tại Thượng viện, và trước đó vào năm 2024 trở thành phe thiểu số tại Hạ viện.

Một nghị sĩ Nhật Bản tại Hạ viện, chủ tịch ủy ban chính sách quan trọng của Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDP), đảng đối lập chính, nói với Newsweek rằng họ đang xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận của ông Trump để đánh giá xem họ có hài lòng với nó hay không. Sau đó, họ sẽ quyết định cách thức tiến hành.

Ông Ishiba, thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cánh hữu - đảng lớn nhất tại Quốc hội, cho biết ông sẽ tiếp tục tại vị để giám sát việc thực hiện thỏa thuận thương mại với Mỹ, thay vì nhượng bộ trước những lời kêu gọi ông từ chức ngay lập tức và tạo ra khoảng trống chính trị.

Các nhà phân tích cho rằng các đảng đối lập có thể tìm cách chỉ trích ông Ishiba và thỏa thuận với Mỹ, nhưng việc ngăn cản nó tại Quốc hội có thể phản tác dụng và dẫn đến việc tăng thuế quan.

'Thỏa thuận lớn nhất mọi thời đại' của ông Trump gặp trở ngại ở Tokyo- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tranh cãi xung quanh thỏa thuận đầu tư 550 tỷ USD

Tổng thống Trump đã tuyên bố ông sẽ đạt được các thỏa thuận có lợi cho cả hai bên, ca ngợi khả năng độc đáo của mình để làm được điều đó. Tuy nhiên, thông điệp "Nước Mỹ trên hết" mạnh mẽ xung quanh các thỏa thuận của ông Trump đang đặt ra thách thức cho các đối tác thương mại của Mỹ.

Họ phải cân bằng các yêu cầu của ông Trump với lợi ích quốc gia, nhu cầu kinh tế và quan điểm của cử tri, đồng thời thể hiện một mức độ mạnh mẽ và độc lập để chứng minh rằng họ đang đảm bảo lợi ích chứ không chỉ đơn thuần là đầu hàng Washington.

Thỏa thuận với Nhật Bản, với những lợi ích mà ông Trump đã nhấn mạnh rất nhiều đối với Mỹ, cho thấy khả năng dễ bị tổn thương đối với nền chính trị trong nước.

Thỏa thuận này cần được ký kết trước thời hạn chót ngày 1/8 của ông Trump, khi trong một bức thư gửi Thủ tướng Ishiba, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng hàng nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ phải đối mặt với mức thuế 25% nếu các cuộc đàm phán không đạt được kết quả.

Ông Trump trước đây từng đặt câu hỏi về quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Nhật Bản, bao gồm cả một thỏa thuận an ninh lâu dài với đồng minh chủ chốt Đông Á, với lý do mà ông cho là một loạt các điều khoản thương mại không công bằng vì thị trường Nhật Bản quá khép kín đối với người Mỹ.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên từng bị đình trệ, đặc biệt là về việc nhập khẩu gạo của Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay đàm phán vẫn tiếp tục, và ông Trump đã tiết lộ thỏa thuận “chưa từng có” mà hai nước vừa ký kết trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social hôm 22/7.

Tổng thống Trump cho biết Nhật Bản đã đồng ý đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ, bao gồm vào các ngành năng lượng, chất bán dẫn, khoáng sản thiết yếu, dược phẩm và đóng tàu. Nhưng 90% lợi nhuận từ những khoản đầu tư này sẽ do Mỹ giữ lại.

Ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ mở cửa cho xuất khẩu ô tô và xe tải, gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác, cùng nhiều hàng hóa khác của Mỹ. Ngoài ra, Nhật Bản vẫn sẽ phải đối mặt với mức thuế 15%, nhưng các doanh nghiệp Mỹ sẽ được hưởng mức thuế 0% khi đưa hàng hóa vào Nhật.

Theo một tài liệu của Nhà Trắng, một số biện pháp cụ thể trong thỏa thuận bao gồm cam kết của Nhật Bản sẽ ngay lập tức tăng 75% lượng gạo nhập khẩu từ Mỹ và việc Nhật Bản mua 100 máy bay Boeing.

Phản ứng trái chiều tại Nhật Bản

Ông Kazuhiko Shigetoku, một nghị sĩ thuộc đảng đối lập CDP tại Hạ viện, nói với Newsweek rằng thỏa thuận ký với Mỹ đồng nghĩa với việc "sự bất ổn về triển vọng kinh tế đã giảm bớt".

"Tuy nhiên, xét về góc độ lợi ích quốc gia, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng nội dung của thỏa thuận để xác định xem nó có thỏa đáng hay không và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Nhật Bản", ông Shigetoku nói.

"Chúng tôi sẽ quyết định các hành động trong tương lai dựa trên những giải thích từ chính phủ tại Quốc hội và các cuộc họp khác. Mặc dù nhu cầu phê duyệt của Quốc hội vẫn chưa rõ ràng ở giai đoạn này, nhưng chúng tôi tin rằng việc duy trì và mở rộng thương mại tự do là rất quan trọng".

'Thỏa thuận lớn nhất mọi thời đại' của ông Trump gặp trở ngại ở Tokyo- Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thất bại gần đây của Thủ tướng Ishiba trong cuộc bầu cử phần lớn là do sự bất bình của cử tri trước tình trạng giá cả leo thang trong khi mức tăng trưởng lương chậm. Chính phủ thiểu số suy yếu của ông giờ đây phải thúc đẩy một thỏa thuận thương mại khó khăn, một thỏa thuận mà ông Trump đã ca ngợi là một chiến thắng lớn cho Mỹ.

"Phản ứng ban đầu từ các nhà lập pháp Nhật Bản khá trái chiều, với việc chính quyền Ishiba ca ngợi thỏa thuận này là một thành công còn các thành viên phe đối lập cho rằng nó gây bất lợi cho nền kinh tế Nhật Bản", Kristi Govella, Phó Giáo sư tại Đại học Oxford và Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phát biểu.

"Đối với người dân Nhật Bản, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ được coi là phép thử về khả năng lãnh đạo của chính phủ hiện tại, vì vậy các chính trị gia hiện đang đấu tranh để kiểm soát câu chuyện về việc thỏa thuận này thực sự tốt như thế nào đối với Nhật Bản".

Giáo sư Kazuto Suzuki tại Khoa Sau đại học về Chính sách Công thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản, đồng thời là Giám đốc Viện Địa kinh tế thuộc International House of Japan, cho biết thỏa thuận với Tổng thống Trump "được cả đảng cầm quyền và phe đối lập đón nhận nồng nhiệt".

"Do nhiều nhà lập pháp không kỳ vọng chính quyền Ishiba sẽ đạt được thỏa thuận, nên việc đạt được thỏa thuận này là một điều bất ngờ", ông Suzuki nói. "Hơn nữa, mặc dù việc giảm thuế quan đối với ô tô và phụ tùng ô tô được coi là khó khăn, nhưng việc chúng được giảm xuống còn 15% lại được đánh giá cao".

"Tuy nhiên, điều này không thể bù đắp cho thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7, và những lời chỉ trích nhắm vào Thủ tướng Ishiba đang ngày càng gia tăng", Giáo sư Suzuki nhận định và nói thêm: "Nghị viện khó có thể bác bỏ thỏa thuận này. Nếu Quốc hội bác bỏ, chắc chắn sẽ áp dụng mức thuế quan cao hơn, điều này sẽ không có lợi cho bất kỳ ai".

THU HẰNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ