Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chủ tịch Evergrande bị công an quản thúc, cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch

Chứng khoán

28/09/2023 09:59

Chủ tịch tập đoàn bất động sản lừng danh Evergrande của Trung Quốc, ông Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) đang chịu sự kiểm soát của cảnh sát, trong bối cảnh việc tái cơ cấu của tập đoàn bất động sản này đang gặp nhiều khó khăn.

Bloomberg đưa tin, ông Hui Ka Yan đã bị cảnh sát đưa đi hồi đầu tháng này và đang được theo dõi ở một địa điểm được chỉ định. 

Động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy câu chuyện về nhà phát triển mắc nợ nhất thế giới đã bước vào một giai đoạn mới liên quan đến hình sự, sau khi chính quyền bắt giữ một số nhân viên tại đơn vị quản lý tài sản. Hai lãnh đạo cấp cao cũng bị bắt giữ. 

Điều này càng đặt thêm câu hỏi về số phận của Evergrande sau những thất bại trong kế hoạch tái cơ cấu đã làm rung chuyển thị trường tài chính và làm tăng nguy cơ bị thanh lý.

Chưa rõ lý do tại sao ông Hui Ka Yan đang trong tình trạng giám sát dân sự, một hành động khi cảnh sát không thể tạm giam hoặc bắt giữ chính thức và không có nghĩa ông sẽ bị buộc tội. 

Tuy nhiên, ông không thể rời khỏi địa điểm, gặp gỡ hoặc liên lạc với người khác mà không được chấp thuận, dựa trên Luật Tố tụng Hình sự của Trung Quốc. Theo luật, hộ chiếu và chứng minh nhân dân phải được giao cho cảnh sát nhưng quá trình này không được vượt quá 6 tháng.

Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Evergrande tăng giá vào sáng 27/9 nhưng sau đó giảm 19%, đóng cửa ở mức 0,32 đô la Hồng Kông sau khi Bloomberg đưa tin về việc ông Hứa Gia Ấn bị quản thúc.

Cổ phiếu của Evergrande đã bị đình chỉ giao dịch vào thứ năm, sàn giao dịch Hồng Kông tuyên bố.

Chủ tịch Evergrande bị công an "giám sát", rủi ro tăng cao  - Ảnh 1.

Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan đang bị quản thúc tại nơi ở. Ảnh: Reuters

Cuối ngày thứ Tư, Evergrande báo cáo khoản lỗ thuộc về các cổ đông là 33 tỷ nhân dân tệ (4,15 tỷ USD) trong sáu tháng kết thúc vào tháng 6. Khoản lỗ hoạt động ở mức 11,72 tỷ nhân dân tệ, giảm từ mức 39,36 tỷ trong nửa đầu năm 2022.

Vào tháng 7, công ty đã báo cáo khoản lỗ ròng tổng hợp là 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022, trong báo cáo thu nhập quá hạn đã lâu. Con số này so với lợi nhuận ròng 8,1 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 – trước khi công ty vỡ nợ.

Chỉ trong tháng này, Evergrande đã trì hoãn cuộc họp tái cơ cấu nợ với các chủ nợ, cho biết trong một hồ sơ rằng "doanh số bán hàng của tập đoàn không được như mong đợi của công ty" kể từ thông báo tái cơ cấu nợ vào tháng 3.

Vì vậy, Evergrande "cho rằng cần phải đánh giá lại các điều khoản của đề xuất tái cơ cấu để đáp ứng được tình hình khách quan của công ty và nhu cầu của các chủ nợ".

Công ty cũng tiết lộ rằng do cuộc điều tra đối với công ty con Hengda Real Estate , công ty đã không thể phát hành trái phiếu mới theo kế hoạch cơ cấu lại nợ.

Reuters đưa tin đơn vị Evergrande đang bị cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc điều tra vì nghi ngờ vi phạm công bố thông tin. Diễn biến mới nhất xảy ra một tuần sau khi cảnh sát bắt giữ một số nhân viên tại đơn vị quản lý tài sản của Evergrande.

Vào tháng 8, Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại tòa án Mỹ, cho phép tòa án phá sản Mỹ can thiệp vào các vụ phá sản xuyên biên giới liên quan đến các công ty nước ngoài đang được tái cơ cấu từ các chủ nợ.

Tianji Holdings, một chi nhánh của Evergrande và công ty con của nó, Scenery Journey, cũng đã nộp đơn xin bảo hộ theo Chương 15 tại tòa án phá sản Manhattan, theo hồ sơ.

Evergrande vỡ nợ vào năm 2021 và công bố chương trình tái cơ cấu nợ nước ngoài vào tháng 3, gặp khó khăn trong việc hoàn thành các dự án cũng như trả nợ cho các nhà cung cấp và người cho vay.

Evergrande là trung tâm của cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm, gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc và làm suy giảm niềm tin vào thị trường nhà đất. "Quả bom nợ" Evergrande đang gặp khó khăn trong quá trình tái cơ cấu, là nhà phát triển bất động sản có khoản nợ vào hàng cao nhất thế giới, với tổng nợ lên đến 300 tỉ USD. 

Tập đoàn này là trung tâm của cuộc khủng hoảng thanh khoản chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 25% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hôm thứ Sáu, nhà phát triển này cho biết họ đã hủy bỏ các cuộc họp chủ nợ quan trọng và phải xem xét lại kế hoạch cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài. Kể từ đó, họ tiết lộ rằng không thể đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý để phát hành trái phiếu mới - một thành phần quan trọng của cuộc tái cơ cấu nợ, trong khi đơn vị ở đại lục không trả được nợ trong nước.

Công ty phải đối mặt với phiên điều trần vào ngày 30/10 tại tòa án Hồng Kông về một đơn thỉnh cầu giải thể, có khả năng buộc công ty phải thanh lý.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đổ lỗi cho sự sụp đổ của Evergrande là do "sự quản lý yếu kém" và "sự mở rộng liều lĩnh" của công ty, đồng thời chính phủ đã thúc giục ông Hui Ka Yan sử dụng tài sản của mình để giúp trả nợ cho các nhà đầu tư.

Ông Hui Ka Yan từng là người giàu thứ hai châu Á, để rồi chứng kiến tài sản của mình bốc hơi khi đế chế tài sản của ông sụp đổ. Tài sản hiện có của ông trị giá 1,8 tỷ USD, chỉ bằng phần nhỏ của con số 42 tỷ USD vào năm 2017, theo Bloomberg Billionaires Index. Evergrande có khoản nợ 2.390 tỷ nhân dân tệ (327 tỷ USD).

Người đàn ông 64 tuổi này đã là đảng viên Đảng Cộng sản trong hơn 3 thập kỷ. Năm 2008, ông được bầu tham gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một nhóm ưu tú bao gồm các quan chức chính phủ và những tên tuổi lớn nhất trong giới kinh doanh. Sau đó, ông đảm nhiệm hai nhiệm kỳ 5 năm khác.

(Nguồn: Bloomberg/CNBC)

TÚC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement