Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tổng thống Trump đối mặt cuộc marathon đàm phán thương mại đầy rủi ro

Phân tích

12/04/2025 09:41

Việc Tổng thống Trump lùi bước trước áp lực của thị trường cho thấy những hạn chế của ông trong việc theo đuổi cuộc chiến thuế quan quyết đoán chống lại toàn thế giới

“Khi một đất nước (Mỹ) đang mất hàng trăm tỷ đô la vì thương mại với gần như tất cả các nước mà họ giao thương, thì chiến tranh thương mại là điều tốt và rất dễ thắng. Ví dụ, khi chúng ta lỗ 100 tỷ đô la với một nước nào đó và họ tỏ ra khôn lỏi, thì đừng giao thương nữa - ta sẽ thắng lớn. Dễ thôi!”

Dòng tweet hồi năm 2018 này của Tổng thống Donald Trump đã định hình rõ triết lý thương mại mà ông hiện đang đem ra thử nghiệm trong tháng này.

Nếu chiến tranh thương mại là "tốt" khi bạn bị thâm hụt, thì việc phát động một cuộc chiến chống lại toàn thế giới hẳn là động thái chiến thắng đối với một vị tổng thống đang chứng kiến mức thâm hụt thương mại kỷ lục 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2024.

Tổng thống Trump đối mặt cuộc marathon đàm phán thương mại đầy rủi ro- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với các quốc gia tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Thị trường làm dao động chính sách thuế

Nhưng sự suy thoái mạnh của thị trường đã buộc ông Trump phải lùi bước. Theo tờ New York Times, bây giờ, ông đang bắt đầu một loạt các cuộc đàm phán - chỉ có điều lần này, từ một vị thế yếu hơn, sau khi biết rằng chiến tranh thương mại thực tế rất dễ thua.

Quyết tâm của Tổng thống Trump đã trở nên dao động khi Phố Wall lao dốc và trái phiếu kho bạc bị đánh bại trên thị trường trái phiếu. Đây là dấu hiệu của thế bất lợi sẽ theo ông trong 90 ngày tới — thời hạn mà ông đặt ra để đảm bảo các thỏa thuận với các đối tác thương mại lớn. 

Ngay cả mốc thời gian đó vẫn còn chưa chắc chắn. Khi được hỏi vào ngày 10/4 rằng liệu nó có thể được gia hạn nếu không đạt được thỏa thuận nào vào giữa tháng 7 hay không, ông Trump chỉ trả lời: "Chúng ta hãy chờ xem".

Các cuộc đàm phán đang được tiến hành. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc ngày 10/4 (theo giờ địa phương). Hai bên nhất trí bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức về thương mại có đi có lại giữa hai nước. 

“Trong các cuộc đàm phán, Bộ trưởng Bessent nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với các đối tác thương mại và nhu cầu tiến triển nhanh chóng, có thể chứng minh được để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

“Chúng tôi đã nhận được lời đề nghị từ hơn 15 quốc gia”, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett nói với Fox News. “Chúng tôi sẽ trình lên tổng thống danh sách những gì chúng tôi nghĩ là các ưu tiên của ông ấy”. 

Trong một lần xuất hiện trước đó trên CNBC, ông Hassett cho biết số lượng quốc gia tích cực đàm phán đang “tiến tới con số 20”. Và trong một cuộc họp với các nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 9/4, Tổng thống Trump cho biết trên 75 quốc gia đã liên hệ với các quan chức Mỹ để đàm phán về mức thuế quan mới. “Họ đang nịnh tôi”, ông nói vui.

Tổng thống cũng đã nói về các cuộc đàm phán ngày 10/4. “Chúng tôi có ông Scott Bessent ở đây và Howard Lutnick cùng một số người đang làm việc về các thỏa thuận. Và vấn đề lớn nhất của họ là không có đủ thời gian trong ngày. Mọi người đều muốn đến và thực hiện một thỏa thuận, và chúng tôi đang làm việc với nhiều quốc gia khác nhau, và mọi thứ sẽ diễn ra rất tốt đẹp. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ diễn ra rất tốt đẹp”, ông Trump nói ngày 10/4, ám chỉ đến Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại của ông, những người cùng ông cúi đầu trước áp lực từ các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.

Những người thân cận của Tổng thống Trump coi ông là một nhà đàm phán tuyệt vời và chỉ ra cuốn hồi ký của ông, The Art of the Deal (Nghệ thuật đàm phán), như một bằng chứng về điều này. Tuy nhiên, tổng thống nhận thấy rằng các nhà đầu tư có sự kiên nhẫn hạn chế, và các quốc gia mà ông đang đàm phán cũng biết điều này. Hoàn toàn có khả năng Mỹ có thể đạt được những nhượng bộ, nhưng không rõ liệu họ có thể làm như vậy mà không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của chính mình hay không.

Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt. Tổng thống Trump tin rằng thâm hụt thương mại của Mỹ đã đặt Washington vào vị thế có lợi trong cuộc chiến thương mại. Ông lý luận rằng nếu thương mại giữa hai nước dừng hẳn, thâm hụt sẽ giảm và Mỹ sẽ giành chiến thắng.

Nhưng Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết điều đó xuất phát từ lỗi khái niệm khi nghĩ rằng thương mại là một trò chơi tổng bằng không, trong khi trên thực tế, thương mại quốc tế thường mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tổng thống Trump đối mặt cuộc marathon đàm phán thương mại đầy rủi ro- Ảnh 2.

Quang cảnh cảng container ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 8/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Posen cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng Mỹ chiếm ưu thế. “Trung Quốc mới là bên chiếm ưu thế trong cuộc chiến thương mại này. Mỹ nhận được hàng hóa thiết yếu từ Trung Quốc mà không thể thay thế trong thời gian ngắn hoặc sản xuất trong nước với chi phí thấp hơn mức cấm đoán. Giảm sự phụ thuộc như vậy vào Trung Quốc có thể là lý do để hành động, nhưng việc chiến đấu trong cuộc chiến hiện tại trước khi làm như vậy là công thức cho thất bại gần như chắc chắn, với cái giá phải trả rất lớn. 

Hay nói theo cách của Bessent: 'Không phải Bắc Kinh, mà chính Washington mới là bên đặt cược tất tay vào một ván bài thua’, ông lập luận trong một bài viết công bố ngày 9/4 với tiêu đề 'Chiến tranh thương mại rất dễ thua cuộc".

Sự bất định của các chính sách kéo theo các hệ quả

Sự bất định đang bao trùm chính sách thương mại của Mỹ. Không ai biết liệu các thỏa thuận có thể đạt được hay không, nội dung của chúng sẽ như thế nào, hoặc bao giờ chúng mới thành hình. Tổng thống Trump tuyên bố ông hy vọng các thỏa thuận đầu tiên sẽ sớm được ký kết, nhưng sự hoài nghi vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư và tiêu dùng. 

Ví dụ, trước khi mức thuế đối với ô tô có hiệu lực, doanh số bán xe đã tăng vọt. Hôm 10/4, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Giám đốc điều hành Amazon, ông Andy Jassy, cho biết đã xuất hiện tình trạng “mua sắm trong lo sợ” vì lo ngại giá cả sẽ tăng.

Tổng thống Trump đối mặt cuộc marathon đàm phán thương mại đầy rủi ro- Ảnh 3.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng theo báo New York Times, sự bất định này là điều tồi tệ đối với các doanh nghiệp, khiến họ khó lập kế hoạch đầu tư hoặc điều hành hoạt động một cách tự tin. Chỉ trong vài ngày, thuế nhập khẩu từ hàng chục quốc gia đã thay đổi nhiều lần. 

Ví dụ, các sản phẩm từ EU ban đầu được miễn thuế hoặc chỉ chịu mức thuế rất thấp khi ông Trump xuất hiện cùng với tấm bảng thuế mang tính biểu tượng. Nhưng đến 29/3, mức thuế đã tăng lên 10%; đến 2/4, vọt lên 20%, và chỉ vài giờ sau lại hạ xuống 10% - chưa kể các mức thuế riêng đối với nhôm, thép và ô tô. 

Với Trung Quốc, mức leo thang còn khốc liệt hơn: từ mức cơ bản ban đầu, thuế đã tăng lên 10%, 20%, 54%, 84%, có thời điểm lên 125%, rồi tới 145%. Trong một số trường hợp, các mức thuế còn được áp dụng trước khi có quy định chính thức được công bố.

Ngay cả khi tạm ngưng 90 ngày đối với các mức thuế đối ứng, thì mức thuế phổ thông 10% đối với phần lớn hàng nhập khẩu - và 145% đánh vào hàng Trung Quốc - cũng đã tạo ra làn sóng bảo hộ thương mại dữ dội nhất của Mỹ trong vòng một thế kỷ. Nhưng sự hỗn loạn không chỉ nằm ở thuế. Đó còn là sự bất ổn về pháp lý, sự khó đoán định và sự xói mòn niềm tin.

Uy tín và độ tin cậy của Mỹ đang bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng. Theo ông Bob Diamond, cựu CEO của ngân hàng Barclays và hiện là người đứng đầu Atlas Merchant Capital, việc tạm ngưng thuế trong 90 ngày không thể giải quyết được vấn đề này.

“Liệu điều đó có thay đổi thực tế rằng chúng ta đã tạo ra một mối quan hệ khác hẳn với các đồng minh thân cận nhất?”, ông nói với Bloomberg. “Tổn hại đối với lòng tin và sự tín nhiệm vào Mỹ với tư cách là một đồng minh và đối tác vẫn chưa thể khắc phục”. Có lẽ vấn đề lớn hơn nhiều so với cái mà Tổng thống Trump gọi là “trục trặc chuyển tiếp.”

THU HẰNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement