11/04/2025 20:17
Tham vọng sản xuất iPhone tại Mỹ của Tổng thống Trump có thể là viễn cảnh xa vời
Đối với Tổng thống Donald Trump, không có chiến thắng nào lớn hơn việc đưa một chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ ra thị trường.
Theo hãng tin Bloomberg, điều này không chỉ minh chứng cho những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump về việc đưa việc làm trở lại Mỹ, mà còn khẳng định hiệu quả của các biện pháp thuế quan mà ông đã áp dụng.
Chính quyền của Tổng thống Trump đang cảm thấy có thể đạt được mục tiêu này, đặc biệt khi ông tuyên bố áp mức thuế lên tới 145% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trung tâm sản xuất iPhone của Apple. Công ty này cũng đã cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm tới.

Mẫu điện thoại iPhone 16 của hãng Apple. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tuần này, Nhà Trắng đã khẳng định lập trường của mình. Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt, chia sẻ với các phóng viên: “Tổng thống Trump muốn Apple bắt đầu sản xuất thiết bị tại Mỹ. Nếu Apple không tin rằng Mỹ có thể làm được điều này, thì có lẽ họ đã không đầu tư một khoản tiền lớn đến thế”.
Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Apple sẽ rất khó khăn để chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ trong thời gian gần. Một trong những lý do chính là tình tràn thiếu hụt cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động cần thiết để sản xuất những thiết bị này. Thêm vào đó, Mỹ hiện không có đa dạng các nhà cung cấp, sản xuất và kỹ thuật mà hiện tại chỉ có thể tìm thấy ở châu Á.
Thay vào đó, Apple đang tập trung vào việc phát triển Ấn Độ trở thành nguồn cung iPhone mới cho Mỹ. Các đối tác của Apple đang xây dựng một nhà máy sản xuất iPhone lớn thứ hai tại quốc gia này, giúp giảm phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc.
Các cơ sở lắp ráp iPhone (FATP) của Apple ở Trung Quốc lớn đến mức khó tưởng tượng đối với nhiều người ngoài châu Á. Những cơ sở này có quy mô gần như những “thành phố” với hàng trăm nghìn lao động, cùng với các tiện ích như trường học, phòng tập thể dục và cơ sở y tế. Một trong những nhà máy lớn của Apple ở Trịnh Châu, Trung Quốc, thậm chí còn được gọi là “thành phố iPhone".
Ông Matthew Moore, đồng sáng lập của một công ty khởi nghiệp và là cựu kỹ sư sản xuất của Apple, cho biết câu hỏi là liệu có thành phố nào ở Mỹ có thể dừng mọi hoạt động để chỉ chuyên sản xuất iPhone?
“Chỉ riêng việc tổ chức một chuỗi cung ứng lớn như vậy ở Mỹ cũng rất khó khăn. Một thành phố như Boston, với hơn 500.000 dân, sẽ cần phải dừng mọi hoạt động và chỉ tập trung vào việc lắp ráp iPhone”, ông nói.
Mặc dù việc phát triển các mẫu iPhone mới và các sản phẩm khác vẫn diễn ra tại các phòng thí nghiệm của Apple ở Thung lũng Silicon. Nhưng việc hợp tác với các nhà cung cấp linh kiện và các đối tác khác có trụ sở tại châu Á đã bắt đầu từ rất lâu trước khi sản phẩm ra mắt thị trường. Các kỹ sư và chuyên gia vận hành của Apple đã dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để làm việc trực tiếp với Foxconn, Pegatron và các nhà cung cấp khác để tùy chỉnh quy trình lắp ráp.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Bên cạnh việc sở hữu các cơ sở sản xuất lớn, Trung Quốc còn có lực lượng lao động hùng hậu, được đào tạo chuyên sâu về vận hành máy móc và các kỹ năng cần thiết để chế tạo iPhone - một quy trình vẫn yêu cầu nhiều công đoạn thủ công.
Kỹ sư Moore cho biết: “Chúng ta không có đủ lực lượng lao động có kỹ năng như vậy ở Mỹ. Hiện tại, vấn đề lớn là thiếu sinh viên theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM)”.
Tổng giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, cũng từng giải thích lý do công ty này vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông cho rằng sự phụ thuộc này không phải do Trung Quốc có chi phí lao động thấp, mà do số lượng và trình độ kỹ năng lao động tại địa phương. Ông cho rằng Trung Quốc có thể cung cấp số lượng kỹ sư gia công lớn, điều mà Mỹ hiện chưa có.
Một quan điểm phản đối cho rằng Apple nên sử dụng ngân sách tích lũy để xây dựng một cơ sở sản xuất iPhone tự động hoàn toàn tại Mỹ, nơi mọi công đoạn sẽ được thực hiện bởi robot, nhằm loại bỏ yếu tố con người khỏi quy trình sản xuất. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã đề xuất ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn, cho rằng lực lượng hàng triệu công nhân sẽ được thay thế bởi robot.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, điều này vẫn chưa khả thi. Trung Quốc đang có lợi thế với hệ thống tự động hóa chi phí thấp và chưa thể chuyển giao công nghệ này cho các quốc gia khác. Tốc độ phát triển của iPhone, cùng với việc các thành phần sản xuất thay đổi thường xuyên, càng khiến việc tự động hóa trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Ngoài ra, dù Apple đã nỗ lực đa dạng hóa sản xuất iPhone và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc xuống dưới 90%, nhưng việc sao chép quy trình này tại các quốc gia khác vẫn rất khó khăn. Các cơ sở sản xuất của Apple tại Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia chủ yếu tập trung vào việc sản xuất các thiết bị khác như máy Mac, AirPods, đồng hồ thông minh và iPad.
Ấn Độ hiện là quốc gia có nỗ lực lớn nhất trong việc xây dựng trung tâm sản xuất iPhone ngoài Trung Quốc, nhưng quá trình này cũng mất hơn một thập kỷ để tạo dựng. Ngoài ra, Apple cũng có một dây chuyền sản xuất iPhone nhỏ ở Brazil, nhưng cơ sở đó tập trung vào các mẫu máy ít tiên tiến hơn.
Apple đang sản xuất khoảng 35 triệu chiếc iPhone mỗi năm tại Ấn Độ, con số này có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu của công ty tại thị trường Mỹ. Mặc dù công ty này bán hơn 220 triệu chiếc iPhone mỗi năm, với nhiều mẫu mã và cấu hình khác nhau, nhưng quy trình sản xuất tại Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu khổng lồ này.
Theo ông Moore, việc sản xuất các sản phẩm đơn giản hơn, như iMac và iPad, dễ dàng hơn, bởi chúng có ít thay đổi. Apple đã xử lý việc lắp ráp máy tính để bàn Mac Pro tại Texas, mặc dù các bộ phận chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng máy tính này được bán ra mỗi năm chỉ ở mức nhỏ và không có sự thay đổi nhiều trong thiết kế.
Ông Moore kết luận: “iPhone là một sản phẩm rất đặc biệt và việc sản xuất không đơn giản như những sản phẩm khác”.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement