10/06/2022 14:27
Thái Lan nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19
Trước COVID-19, lĩnh vực liên quan đến du lịch tổng thể chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế và việc làm của Thái Lan, với gần 40 triệu du khách nước ngoài vào năm 2019.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã lập một khoản ngân sách hơn 100 triệu baht (khoảng 2,88 triệu USD) để vực dậy ngành du lịch bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 và sẽ đề xuất với Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) để phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Phiphat Ratchakitprakarn cho biết hôm 9/6 rằng lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của nước này có khả năng sẽ xem xét đề xuất loại bỏ Thẻ thông hành Thái Lan (Thai Pass) tại một cuộc họp vào ngày 17/6. Ông nói, động thái này sẽ có hiệu lực vào tháng tới và có sự ủng hộ của Bộ Y tế.
Phiphat nói: "Đất nước của chúng tôi đã bị tàn phá bởi đại dịch này quá lâu. Đã đến lúc nỗ lực hết sức để khôi phục tăng trưởng kinh tế của chúng ta với du lịch. Việc bỏ Thai Pass sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách khi đến".
Công dân nước ngoài hiện được yêu cầu tải lên thông tin chi tiết về việc tiêm phòng và bằng chứng bảo hiểm y tế ít nhất 10.000 USD trước khi khởi hành để đảm bảo cho phép du khách được miễn kiểm dịch khi đến và tự do di chuyển trong nước.
Những doanh nghiệp trong ngành du lịch và giải trí Thái Lan đã kêu gọi hủy bỏ chương trình đăng ký, nói rằng nó đã ngăn cản những nhà du lịch tiềm năng. Trước đại dịch, lĩnh vực liên quan đến du lịch nói chung chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế và việc làm của Thái Lan, với gần 40 triệu du khách nước ngoài vào năm 2019, theo ngân hàng trung ương.
Bộ Du lịch Thái Lan cũng sẽ đề xuất khôi phục việc cấp thị thực khi đến cho du khách từ gần như tất cả các quốc gia đủ điều kiện trước đại dịch, ngoại trừ một số vùng lãnh thổ vẫn đang vật lộn với dịch COVID, Phiphat nói.
Động thái dỡ bỏ các hạn chế đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy triển vọng cho Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia, đạt mục tiêu mới nhất là thu hút 1 triệu khách du lịch mỗi tháng kể từ tháng 10.
Đầu tháng này, Thái Lan đã cho phép các quán bar, quán rượu và câu lạc bộ karaoke mở cửa trở lại ở một số khu vực, chấm dứt việc đóng cửa hơn một năm. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tại địa phương đang giảm bớt và sự tranh giành giữa các quốc gia phụ thuộc vào du lịch để một lần nữa thu hút khách du lịch.
Ông Phiphat cho biết Thái Lan cũng sẽ tiếp tục trì hoãn việc áp dụng khoản phí nhập cảnh 300 baht (9 USD) đối với những người đến bằng đường hàng không. Ông nói: Chính phủ cần thêm thời gian để nghiên cứu xem liệu và cách tính phí du khách đi qua biên giới đất liền.
Thái Lan cũng đang chờ đợi việc Trung Quốc nới lỏng những quy định về du lịch. TAT vẫn phải đợi dấu hiệu từ Chính phủ Trung Quốc về việc liệu họ có cho phép đi du lịch quốc tế vào tháng 10 hay trong Tết Nguyên đán năm 2023 hay không.
Ông Yuthasak nhận xét thị trường Ấn Độ đã duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ. Du lịch Thái Lan có thể không có mùa thấp điểm vì có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thị trường này. Một cách khác để thúc đẩy du lịch phát triển là đưa các nhà khai thác địa phương tham gia nhiều hơn vào các chương trình quảng bá và triển lãm thương mại quốc tế tại những địa điểm tiềm năng như những thành phố nhỏ ở Ấn Độ, Trung Đông và Indonesia (In-đô-nê-xi-a).
Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ baht cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2019, chiếm 18% GDP của cả nước, trong đó 2.000 tỷ baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP). Chính phủ Thái Lan muốn nâng mức đóng góp của ngành du lịch cho GDP lên mức 30% vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Thái Lan mới đây đã công bố một chiến lược mới có tên gọi là "SMILE" (Nụ cười) nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành du lịch hậu đại dịch COVID-19.
Chiến lược "SMILE" của Thái Lan được viết tắt từ các chữ S (Bền vững về mọi khía cạnh), M (Nhân lực: Nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động du lịch lên tiêu chuẩn quốc tế), I (Nền kinh tế bao trùm: Đảm bảo tất cả các khu vực kinh tế đều được đưa vào ngành du lịch), L (Bản địa hóa: Thúc đẩy tính độc đáo của các cộng đồng như là điểm thu hút du lịch), và E (Hệ sinh thái: Thúc đẩy du lịch sinh thái và môi trường địa phương).
Theo Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chiến lược "SMILE" sẽ giúp cải thiện bền vững ngành du lịch của Thái Lan và đảm bảo rằng nước này thích ứng với sự thay đổi của thế giới về mọi khía cạnh. Đây cũng là bước đệm để Thái Lan hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch chữa bệnh, điều sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.
(Nguồn: Bloomberg/TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement