Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tài sản 'bốc hơi' 98%, ông chủ Evergrande không còn là tỷ phú

Doanh nhân

25/10/2023 15:19

Tài sản của Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) đã giảm 98% so với đỉnh năm 2017, khi Evergrande lún sâu trong nợ nần.

Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông Hứa Gia Ấn - Chủ tịch hãng bất động sản China Evergrande Group (Trung Quốc) hiện chỉ còn 979 triệu USD, sau khi giá cổ phiếu của tập đoàn bất động sản này lao dốc, giao dịch ở mức 0,24 đôla Hong Kong mỗi cổ phiếu. Kể từ khi nối lại giao dịch vào cuối tháng 8, giá cổ phiếu của Evergrande đã giảm 86%. 

Không rõ tài sản của Hui đến từ cổ phần của ông tại Evergrande là bao nhiêu nhưng người đàn ông 65 tuổi này nắm giữ 60% cổ phần của công ty và là cổ đông lớn nhất của Evergrande.

Ông còn đang bị giới chức Trung Quốc điều tra vì "tình nghi có các hành vi phạm pháp", theo thông báo của Evergrande cuối tháng trước. Đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc buộc ông Hứa Gia Ấn chịu trách nhiệm về tình hình tài chính của Evergrande.

Sự suy giảm đáng kể về tài sản ròng cũng là một minh chứng cho thấy ông Hứa Gia Ấn đã sa sút, khó khăn như thế nào sau khi đợt bùng nổ bất động sản tại Trung Quốc kéo dài hơn một thập kỷ qua đi. 

Từng là người giàu thứ hai châu Á và có khối tài sản được định giá 42 tỉ USD vào thời kỳ đỉnh cao năm 2017, nhưng từ đó đến nay, tài sản của chủ tịch Hứa Gia Ấn đã giảm mạnh 98%. Người sáng lập Evergrande hiện đang trong vòng lao lý, điều này khiến cho đế chế bất động sản của ông rơi vào tình trạng chênh vênh mà không có kế hoạch tái cơ cấu rõ ràng nào trước mắt.

Bay hơi 98% tài sản, ông chủ Evergrande không còn là tỷ phú - Ảnh 1.

Từ ông trùm bất động sản, chủ tịch Evergrande nguy cơ trắng tay ở tuổi xế chiều.

Một cuộc thử thách tiếp theo vào cuối tháng này có khả năng gần như quét sạch tài sản của Hui. Nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới sẽ phải đối mặt với phiên tòa vào ngày 30/10 tại Hồng Kông, liên quan tới đơn yêu cầu phát mại công ty.

Theo Jonathan Leitch, một đối tác tại Hogan Lovells ở Hồng Kông, nếu lệnh phát mại được thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ được chỉ định để chuyển tài sản của Evergrande thành tiền mặt vì lợi ích của tất cả các chủ nợ.

Leitch cho biết: "Có khả năng các chủ nợ sẽ sở hữu doanh nghiệp và các cổ đông sẽ bị xóa sổ". Tuy nhiên, luật sư cũng nhấn mạnh rằng nếu ông Hứa Gia Ấn được giữ lại để xem xét quá trình tái cơ cấu, có thể ông trùm "bom nợ" sẽ được giữ lại một số vốn chủ sở hữu như một động lực tái phát triển. 

Bay hơi 98% tài sản, ông chủ Evergrande không còn là tỷ phú - Ảnh 2.

Tình trạng biến động tài sản của Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn.

Trong một diễn biến khác, vợ của ông Hứa Gia Ấn là Ding Yumei được liệt kê là bên thứ ba độc lập trong một hồ sơ hồi tháng 8, ám chỉ việc ly hôn và phân chia tài sản.

Ding sở hữu 6% cổ phần của Evergrande, trị giá khoảng 24 triệu USD do bà sở hữu hoàn toàn kể từ khi công ty niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2009. 

Trước đây, cổ phần của Ding được ghi nhận là tài sản chung của vợ chồng trong hồ sơ của Evergrande, trong khi hiện tại hồ sơ lại cho rằng Ding là chủ sở hữu hưởng lợi riêng biệt. Thông qua số cổ phần này, Ding lẽ ra đã thu được hơn 500 triệu USD cổ tức bằng tiền mặt trong nhiều năm. Không rõ sự phân chia tài sản diễn ra như thế nào giữa chủ tịch Hứa Gia Ấn và vợ. 

Năm 2021, ông Hứa Gia Ấn từng bị giới chức Trung Quốc thúc giục bỏ tiền túi để trả nợ cho công ty.

Ông đã phải bán cổ phiếu công ty và tài sản cá nhân, trong đó có cả tác phẩm nghệ thuật, thư pháp, khi chính phủ Trung Quốc từ chối cứu trợ Evergrande. 

Năm ngoái, ông Hứa Gia Ấn được cho là bán thêm biệt thự trị giá hơn 200 triệu USD tại London (Anh) cùng một biệt thự sang trọng tại Hồng Kông với giá 880 triệu đô la Hồng Kông. 

Quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc giúp Evergrande tăng trưởng chóng mặt. Suốt vài thập kỷ, họ mạnh tay đi vay và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như xe điện, thể thao.

Tuy nhiên, đến năm 2021, Evergrande và các hãng địa ốc khác tại Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản.

Từng là hãng bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande giờ chỉ được biết đến là công ty nặng nợ nhất thế giới, với hơn 300 tỷ USD.

(Nguồn: Bloomberg)

TÚC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement