22/09/2022 10:59
Sóng ngành nào tiếp diễn?
Thanh khoản thấp, margin nguội lại đỡ lo
Khi thị trường chứng khoán đón nhận thông tin bất lợi là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tiếp tục tăng lãi suất ở mức cao thì tình trạng thanh khoản thấp, giao dịch ký quỹ (margin) “nguội” sau đợt hồi phục lại là yếu tố khiến thị trường đỡ lo về nguy cơ xảy ra một nhịp giảm mạnh.
Cùng với đà phục hồi của các chỉ số chứng khoán, thanh khoản thị trường phục hồi tích cực trong tháng 8/2022 với giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 18.541 tỷ đồng, tăng 35,6% so với tháng 7.
Tuy nhiên, bước sang những phiên giao dịch đầu tháng 9, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm, giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn là 16.957 tỷ đồng (tính tới phiên 12/9), giảm 8,5% so với tháng 8. Điều này cho thấy, dòng tiền trên thị trường vẫn khá dè dặt.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước mặc dù có tuần mua ròng thứ ba liên tiếp nhưng giá trị giảm 18% so với tuần trước đó, xuống 614 tỷ đồng, trong đó có 470 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán lớn ghi nhận tình trạng hạ nhiệt so với tổng dư nợ margin toàn thị trường hơn 150.000 tỷ đồng cuối quý II/2022. Công ty Chứng khoán SSI ước tính, nhu cầu vay margin chưa hồi phục nhiều từ đáy, hiện thấp hơn 30 - 40% so với mức đỉnh, trong khi lượng tiền mặt trong tài khoản của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng sụt giảm.
Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian thanh toán từ chiều ngày T+2 (khi phiên giao dịch chiều T+2 đã kết thúc) xuống trưa ngày T+2, tức nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu sau khi mua vào phiên chiều T+2 thay vì phiên sáng T+3 như trước giúp giảm rủi ro biến động giá nhưng lại khiến nhà đầu tư có tâm lý ngại giao dịch trong phiên sáng, vì lực bán vào phiên chiều luôn thường trực, là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền tiếp tục suy yếu.
Thanh khoản có thời điểm xuống mức thấp nhất 6 tháng tại phiên 13/9. Một số nhà đầu tư bày tỏ sự thất vọng về việc thanh khoản không được cải thiện như kỳ vọng khi chu kỳ thanh toán được rút ngắn về T+1,5, điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang trong giai đoạn suy thoái vốn đã kéo dài từ vài tháng trước.
Việc lướt sóng ngắn hạn thời gian gần đây hiệu quả không cao, ảnh hưởng tới việc đi hay ở của dòng tiền.
Trước diễn biến này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Giám đốc Thông tin và nhận định thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, lượng lớn tiền đã ở ngoài thị trường hoặc chuyển sang các kênh khác.
Số tài khoản mở mới cũng chững lại trong những tháng gần đây, sau 2 năm tăng trưởng nóng đưa tỷ lệ dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán chạm mức kỳ vọng của năm 2025 là 5%. Về margin, xu thế thị trường chưa tốt nên nhu cầu sử dụng đòn bẩy chưa lớn.
Theo bà Thủy, khi thị trường chưa thoát khỏi xu thế giảm và thanh khoản thấp thì phân hóa là diễn biến hết sức bình thường, nhất là khi hơn 90% thanh khoản thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân, vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý “lướt lát”, ưa thích các cổ phiếu thị giá thấp, thậm chí là “cổ phiếu trà đá”.
Dòng tiền có thiên hướng “đánh nhanh, rút gọn”, chủ yếu đầu cơ lướt sóng, do đó sẽ chọn các cổ phiếu có yếu tố thanh khoản trung bình, thay vì chọn các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhằm tạo ra các nhịp sóng một cách dễ dàng hơn.
Hoạt động của khối ngoại có thể coi là một điểm sáng khi có mức mua ròng hơn 200 tỷ đồng trong 2 tháng gần đây và các quỹ ETF tiếp tục nhận dòng vốn mới dương, tính từ đầu năm đến nay. Nhiều chuyên gia đánh giá, nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục lạc quan với triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Tuy nhiên, khối khách hàng cá nhân vẫn đang là động lực chính của thị trường và biến động tỷ giá có thể tạo áp lực đến khối nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”, ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận xét.
“Chúng tôi cho rằng, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ theo hướng thận trọng trong thời gian tới giữa bối cảnh lãi suất đang có chiều hướng tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô có thể có xu hướng chững lại trong giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023”, ông Châu nói.
Phân hóa sâu trong ngành
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, một phần dòng tiền đã rút ra ngoài thị trường, nhưng lượng tiền đó rất có thể sẽ quay trở lại ngay khi bức tranh kinh tế thế giới có tín hiệu khởi sắc hơn. Khi đó, xu hướng thị trường chắc chắn sẽ nhanh chóng chuyển biến tích cực so với trạng thái hiện tại.
“Dù trên thị trường sẽ luôn xuất hiện những “chú ngựa ô” với kết quả kinh doanh quý III đột phá vượt dự báo, nhưng những nhóm ngành đang thu hút được dòng tiền trong thời gian gần đây là dầu khí, hóa chất, phân bón và bán lẻ vẫn sẽ ghi nhận kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý này”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank, từ nay đến cuối năm, bất động sản công nghiệp, phân đạm, hóa chất, thủy sản, than vẫn sẽ là những ngành có được mức tăng trưởng tốt. Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh chung của thị trường để cân nhắc mua và nắm giữ cổ phiếu các ngành này.
Báo cáo chiến lược thị trường tháng 9 của Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, từ nay tới cuối tháng 10, khi kết quả kinh doanh quý III được công bố, dòng tiền sẽ dịch chuyển và hướng sự chú ý tới những nhóm ngành ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Những ngành như du lịch, hàng không, công nghiệp, ô tô, bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, dầu khí có thể tăng trưởng mạnh mẽ, dựa trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Về triển vọng kinh doanh, Chứng khoán VNDIRECT đánh giá cao nhóm ngành ngân hàng, công nghệ, thực phẩm, đồ uống, điện, dầu khí, nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công. Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành có thể gặp khó khăn trong những tháng cuối năm 2022 là sắt thép, dệt may, xuất khẩu gỗ.
Trong khi đó, SSI Research nhìn nhận, có một số nhóm ngành có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong 6 tháng cuối năm 2022 như khu công nghiệp, bán lẻ, điện, mức tăng trưởng ước đạt 20 - 50% so với cùng kỳ, qua đó hỗ trợ giá cổ phiếu.
“Lưu ý, nhiều cổ phiếu trong những nhóm ngành này đã tăng giá 40 - 50% trong khoảng 2 tháng vừa qua, nên diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian tới sẽ phân hóa”, ông Đào Minh Châu nói và đưa ra dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau của phần lớn các nhóm ngành sẽ thấp hơn so với mức đạt được năm nay. Trong đó, lợi nhuận một số nhóm ngành có thể ghi nhận tăng trưởng âm từ mức đỉnh năm 2022 như dầu khí, phân bón, hóa chất trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu đang hạ nhiệt, hay một số nhóm ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ trong bối cảnh nhu cầu thế giới chậm lại.
Theo đó, diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian tới sẽ phân hóa không chỉ giữa các nhóm ngành với nhau, mà còn trong từng nhóm ngành. Dòng tiền không còn đủ khỏe, cũng như không có những yếu tố cơ bản đủ chắc chắn để đẩy cả nhóm ngành như giai đoạn trước, đặc biệt đối với những nhóm ngành thường có thanh khoản cao như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép...
Các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, định giá hấp dẫn và có những câu chuyện riêng có thể thu hút dòng tiền hơn. Các cổ phiếu đầu cơ cao, thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có thể tăng mạnh hơn trong các nhịp sóng hồi.
Sóng ngắn và câu chuyện tạo sóng
Sở dĩ nhóm ngành dầu khí, phân bón, hóa chất, thép được nhắc đến nhiều trên thị trường vì dòng tiền nóng đang quan tâm đến các cổ phiếu đầu ngành sẽ được lợi từ những biến động giá tăng trở lại trên thị trường thế giới gần đây.
Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh: “Thị trường vẫn có thể có những đợt sóng tăng ngắn với những nhóm ngành này khi có những thông tin ảnh hưởng liên quan đến giá hàng hóa trong ngắn hạn, ví dụ nguồn cung thép hay phân bón tại châu Âu bị cắt giảm do khủng hoảng năng lượng, nhưng những nhịp tăng này chỉ phù hợp với nhà đầu tư ngắn hạn”.
Trong nhóm dầu khí, dòng tiền đặc biệt quan tâm đến cổ phiếu PVD bởi công ty dịch vụ dầu khí này đang vào mùa kinh doanh. Trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, nhiều nước tiên tiến chuyển dịch sang năng lượng xanh (mặt trời, gió...) và mua năng lượng hóa thạch từ các nước khác mà không khai thác trong nước, dẫn đến đầu tư cho khai thác mới, đóng giàn mới, đóng tàu vận chuyển mới giảm dần.
Khi xung đột xảy ra, nguồn cung năng lượng hóa thạch bị đứt đoạn, năng lượng xanh chưa phát triển kịp, không đủ để bù đắp phần thiếu hụt, nên các nước đó dần quay lại mua năng lượng hóa thạch.
Hoạt động khai thác dầu khí tăng trở lại giúp nhu cầu thuê giàn khoan gia tăng. Dự kiến, giá thuê sẽ tiếp tục tăng, kể cả các hợp đồng tái ký. Nhờ đó, cổ phiếu PVD có xu hướng tăng giá theo xu hướng nóng lên của ngành dịch vụ dầu khí. Cổ phiếu vận tải dầu khí PVT cũng có diễn biến khả quan.
Tương tự nhóm dầu khí hay thép, các cổ phiếu ngành gạo, lương thực đang thu hút dòng tiền đầu cơ khi nguồn cung từ Ấn Độ bị hạn chế.
Đối với doanh nghiệp ngành bán lẻ như DGW, PET, MWG, FRT, ngoài triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm nay so với mức thấp của cùng kỳ thì thông tin Apple hạn chế hoạt động mua gom của khách lẻ và hàng xách tay Iphone 14 được kỳ vọng giúp doanh số tiêu thụ của các hãng phân phối tại thị trường Việt Nam tăng lên.
Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp này đều có câu chuyện riêng về tăng trưởng như MWG tái cơ cấu chuỗi Bách hóa xanh, DGW liên tục có thêm các nhãn hàng mới, FRT kỳ vọng vào chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Ngay cả trong những ngành được dự báo khó có sóng trong ngắn hạn thì một cổ phiếu đơn lẻ cũng thu hút dòng tiền khi giới giao dịch tìm ra lý do hợp lý. Chẳng hạn, cổ phiếu ngân hàng EIB có 2 phiên tăng trần trong tuần qua khi có thông tin lô hàng mua ủy thác trước đây đang được bên ủy thác mua lại và những biến động cổ đông theo hướng tích cực. Trong nhóm bất động sản, cổ phiếu TDC hấp dẫn nhờ thông tin bán đất, mã DXG giữ giá vì doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế thành công, mã NLG có yếu tố cơ bản tốt...
Cho dù vì lý do gì thì xu hướng sóng ngắn vẫn là chủ đạo khi dòng tiền vận động nhanh do lo ngại rủi ro khó dự đoán.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC)
TCSC đưa ra 2 kế hoạch đầu tư chính trong thời gian qua, một là những cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tài sản và được định giá hấp dẫn, hai là những cổ phiếu được trả cổ tức cao (tỷ suất cổ tức từ 8% trở lên).
Với những cổ phiếu trả cổ tức cao, chúng tôi đang tập trung vào các mã thuộc nhóm ngành điện nước, thực phẩm, vì định giá hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
TCSC cũng tập vào nhóm ngành lớn như ngân hàng và nhóm ngành theo xu hướng đầu tư công (giải ngân đầu tư công trong 7 tháng đầu năm 2022 rất chậm, nhưng triển vọng sẽ sáng hơn vào cuối năm nay và năm sau) như xây dựng, vật liệu xây dựng. Trong nhóm vật liệu xây dựng, lĩnh vực thép đang có kết quả kinh doanh rất xấu, nhưng đây là cơ hội để mua được cổ phiếu giá rẻ, với kỳ vọng hoạt động sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa nói chung đã giảm 30 - 50% so với đỉnh tháng 3/2022. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy các cơ hội đối với nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp có chi phí đầu vào giảm, trong khi đầu ra không bị giảm theo giá đầu vào. Một số nhóm ngành tiêu biểu có thể kể đến như hàng tiêu dùng thiết yếu, bia, sữa, nhựa…
Ông Phan Nhật Minh Trí, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI
Sau đợt sụt giảm mạnh, thị trường cần nhiều thời gian tích lũy, hấp thụ hết các yếu tố xấu và chờ đợi các điều kiện tốt hơn để mở sóng tăng dài hạn. Dự báo, VN-Index sẽ đi ngang trong biên độ tăng/giảm 100 - 200 điểm, tương ứng với mức định giá P/E của thị trường là 11 - 14 lần. Thực tế, thời gian qua, VN-Index dao động trong vùng 1.150 - 1.300 điểm, tương ứng với mức P/E 12 - 14 lần, là mức các chuyên gia định giá cho thị trường năm nay.
Các giai đoạn trước, khi P/E của VN-Index giảm xuống dưới 11 lần là thời điểm thị trường mở sóng tăng dài hạn. Hiện tại, mức P/E hơn 13 lần, không đắt nhưng cũng không rẻ, nên dòng tiền lớn hay nhỏ đều có sự e ngại nhất định. Khi khó lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư có thể chờ đợi thị trường tạo đáy và mở sóng lớn để tham gia. Điều này dễ hơn chọn trúng cổ phiếu có sóng tăng giá lúc này.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank
Xu hướng hạ nhiệt của giá thép từ cuối quý II/2022 cùng mức nền thấp cùng kỳ kỳ vọng sẽ giúp nhóm cổ phiếu xây dựng (HTN, HBC, TCD, CTR...) có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện (PC1, NT2, VSH…), nước (TDM, BWE...). Đây là nhóm có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt ổn định, có khả năng chống chịu tốt trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động mạnh như hiện nay.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Giám đốc Thông tin và nhận định thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM
Dự kiến, Fed sẽ có 3 lần công bố chính sách lãi suất từ nay đến cuối năm. Với diễn biến tăng lãi suất, USD sẽ tiếp tục mạnh lên và dòng tiền có động lực hơn để chảy ngược trở lại thị trường Mỹ, thay vì tiếp tục đầu tư tại các quốc gia khác với mức chi phí vốn dần trở nên đắt đỏ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đối với các thị trường chứng khoán quốc tế trong ngắn hạn, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất lên cao có thể sẽ đẩy kinh tế Mỹ bước vào suy thoái nhanh hơn do doanh nghiệp đang cần vốn để hồi phục sau đại dịch Covid-19 buộc phải đối diện với chi phí vay cao hơn, trong khi lạm phát chưa giảm như kỳ vọng.
Nhìn chung, yếu tố vĩ mô quốc tế có nhiều bất ổn, gián tiếp tạo ra các khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. Những doanh nghiệp có lượng lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu, hoặc doanh nghiệp có các khoản vay lớn bằng ngoại tệ sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Hiện tại, nhóm bất động sản cũng được cho là gặp nhiều khó khăn khi các chính sách và khung pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu được kỳ vọng sửa đổi trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP vẫn chưa được chốt, trong khi dòng vốn tín dụng vào bất động sản được kiểm soát chặt hơn.
Một lực cản khác với thị trường đến từ yếu tố tâm lý kỳ vọng tăng nóng, tăng nhiều đã khá quen thuộc trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, dẫn đến các quyết định đầu tư sai lầm như vội vàng chọn cổ phiếu, hay "gồng lãi", "gồng lỗ" trong năm 2022 khó khăn hơn nhiều. Cú sốc năm 2022 sẽ giúp thị trường thanh lọc theo hướng lành mạnh hơn và tiến vào giai đoạn "bình thường hóa". Sự phân hóa khiến các nhà đầu tư phải chọn lọc, phân tích kỹ càng hơn khi chọn lựa danh sách cổ phiếu tiềm năng, bởi rủi ro liên quan đến vĩ mô thế giới vẫn hiện hữu.
Một số nhóm ngành tận dụng tốt nhu cầu hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 là điện nước, bất động sản công nghiệp, thực phẩm, dầu khí, bán lẻ, hóa chất...
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement