22/09/2022 07:45
Fed nâng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, cam kết tiếp tục tăng để chống lạm phát
Ngày 21/9, Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,75%, đồng thời thể hiện quyết tâm sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhằm khống chế lạm phát.
Trong nỗ lực kiểm soát lạm phát đang ở vùng cao nhất 40 năm, các quan chức Fed đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,75% lên khoảng 3 – 3,25%.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, hai lần trước đó diễn ra vào các cuộc họp tháng 6 và tháng 7 năm nay. Theo CNBC, mức lãi suất hiện nay là cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Quyết định nâng lãi suất thêm 0,75% này đã được các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, chứng khoán dự báo từ lâu và do vậy không gây bất ngờ. Điều mà giới quan sát chú ý nhất là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp về định hướng chính sách trong tương lai.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ không biến động nhiều sau thông báo nâng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, sau cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc, kết phiên mất 522 điểm, tương đương 1,7%. S&P 500 và Nasdaq cũng giảm trên 1,7%.
Theo CNBC, các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ giữ thái độ diều hâu (thắt chặt tiền tệ để hạ lạm phát) trong thời gian dài hơn so với ước tính trước đó. Mô hình dự phóng từ các thành viên FOMC tham gia họp cho thấy Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 1,25% trong hai cuộc họp còn lại của năm nay.
"Thông điệp chính không hay đổi"
Tuyên bố trong cuộc họp báo chiều 21/9, Chủ tịch Jerome Powell nói rằng: "Thông điệp chính của tôi hiện nay không thay đổi so với khi ở Jackson Hole", ý nói tới bài phát biểu của ông tại hội nghị các ngân hàng trung ương hôm 26/8 ở bang Wyoming. "FOMC có quyết tâm mạnh mẽ trong việc đưa lạm phát xuống mức 2% và chúng tôi sẽ không chùn bước trước khi hoàn thành nhiệm vụ".
Chiến dịch nâng lãi suất của Fed hiện nay bắt đầu từ tháng 3 khi chi phí đi vay qua đêm của các ngân hàng thương mại đang ở mức gần 0, đánh dấu đợt thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ khi Fed bắt đầu sử dụng lãi suất quỹ liên bang làm công cụ chính sách chủ lực vào năm 1990.
Cùng với việc tăng lãi suất ồ ạt, hôm 21/9, các quan chức Fed không chỉ tăng mạnh lãi suất mà còn ra tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục nâng lên cho đến khi đạt được "mức lãi suất cuối cùng" khoảng 4,6% trong năm 2023. Nói cách khác, lãi suất trong năm sau sẽ có một đợt tăng thêm 0,25% và không có lần giảm nào.
Những đợt nâng lãi suất liên tiếp trong những tháng qua và trong thời gian tới được dự báo sẽ làm giảm tốc nền kinh tế Mỹ. Bản tóm tắt dự phóng kinh tế mà Fed vừa công bố sau cuộc họp hôm 21/9 cho thấy tỷ lệ lạm phát sẽ tăng từ 3,7% hiện nay lên 4,4% trong năm sau. Tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo sẽ chỉ đạt 0,2%, tăng nhẹ trong những năm tiếp theo với tốc độ dài hạn chỉ 1,8%.
Dự báo sửa đổi là một sự cắt giảm mạnh so với ước tính 1,7% vào tháng 6 và xuất hiện sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, một định nghĩa thường được chấp nhận về suy thoái.
Ông Powell thừa nhận suy thoái là có thể xảy ra, đặc biệt nếu Fed phải tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ.
Ông nói: "Không ai biết liệu quá trình này có dẫn đến suy thoái hay nếu có, thì suy thoái đó sẽ nghiêm trọng như thế nào".
Các đợt tăng cũng đi kèm với hy vọng rằng lạm phát sẽ giảm xuống 5,4% trong năm nay, được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân ưu tiên của Fed, cho thấy lạm phát ở mức 6,3% trong tháng 7. Tóm tắt các dự báo kinh tế sau đó cho thấy lạm phát giảm trở lại mục tiêu 2% của Fed vào năm 2025.
Dù FED nhấn mạnh tăng trưởng việc làm vẫn mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp thấp, các dự báo mới cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 3,8% vào cuối năm 2022, 4,4% vào năm 2023 và sẽ ở quanh mức này cho đến năm 2025.
Lạm phát vào cuối năm nay cũng vẫn ở mức cao (5,4%), trước khi giảm xuống gần mức bình thường vào năm tới.
Ông Powell cùng với thống đốc các ngân hàng trung ương khác đang cùng phát đi thông điệp: Suy thoái kinh tế vẫn tốt hơn lạm phát cao do những hệ lụy sau đó.
Ông Powell thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái và gây ra khó khăn nghiêm trọng cho hàng triệu người Mỹ. Trong khi Fed hy vọng có thể tránh được một kịch bản như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều nếu Fed để lạm phát tiếp tục tăng và khiến nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu hơn.
Nhiều nhà kinh tế nhận định việc GDP của Mỹ giảm ít nhất là trong ngắn hạn vào nửa đầu năm 2023 sẽ là cần thiết để lạm phát quay đầu giảm.
Nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng ngay cả trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng, với thị trường lao động có thêm hơn 2 triệu việc làm kể từ đầu năm và chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn xu hướng trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8/2022 chỉ là 3,7% - gần với mức trước đại dịch - trong khi số lao động bị sa thải vẫn ở mức thấp trong lịch sử.
Nhưng sự kết hợp của những khó khăn trong chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 bùng phát và cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá cả tăng trên 8% hàng năm vào mùa Hè này, mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 8/2022 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,1% so với tháng trước đó.
Ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed, các chỉ số chứng khoán chủ lực trên phố Wall lao dốc. Chỉ số Dow Jones giảm 296,82 điểm, hay 0,97%, xuống 30.409,41 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 36,59 điểm, hay 0,95%, xuống 3.819,34 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 131,77 điểm, hay 1,15%, xuống 11.293,28 điểm.
Trong khi đó, đồng USD vọt lên mức cao kỷ lục mới trong hai thập kỷ sau quyết định của FED. Chỉ số USD chạm mức 111,63. Đồng Euro, đồng tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất trong chỉ số này, giảm xuống mức thấp kỷ lục 20 năm là 0,981 USD/Euro.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement