29/11/2023 10:17
Niềm tin tiêu dùng Mỹ phục hồi, giá nhà duy trì xu hướng tăng
Bất chấp lạm phát cao, lãi suất tăng và lo ngại suy thoái kinh tế có thể xảy ra, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ.
Người tiêu dùng Mỹ chi mạnh
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng trở lại trong tháng này để kết thúc năm ở mức cao bất chấp lạm phát cao, lãi suất tăng khiến thẻ tín dụng và các khoản vay thế chấp trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế không dự báo về một cuộc suy thoái mà là một thời kỳ tăng trưởng rất chậm. Các số liệu kinh tế gần đây khá tích cực, làm dấy lên kỳ vọng rằng tốc độ tăng lãi suất của Fed sẽ chậm lại mà không gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Conference Board cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng của họ đã tăng lên 102,0 trong tháng này, từ mức 99,1 đã được điều chỉnh giảm vào tháng 10.
Các nhà kinh tế đã dự báo chỉ số này sẽ giảm xuống 101,0. Sự cải thiện về niềm tin tập trung chủ yếu ở các hộ gia đình từ 55 tuổi trở lên. Người tiêu dùng trong độ tuổi 35-54 kém lạc quan hơn về triển vọng của họ.
Chỉ số đo lường đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện thị trường lao động và kinh doanh hiện tại đã giảm xuống 138,2 từ mức 138,6 trong tháng 10.
Chỉ số kỳ vọng - thước đo triển vọng 6 tháng tới của người tiêu dùng về thu nhập, điều kiện kinh doanh và lao động đã tăng lên 77,8 từ 72,7. Nếu chỉ số này gần hoặc dưới 80 được cho là có liên quan đến suy thoái.
Cổ phiếu trên Phố Wall được giao dịch cao hơn và đồng USD giảm so với rổ tiền tệ. Sau 11 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm ngoái, lạm phát ở Mỹ đã giảm mạnh nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu 2%/năm.
Quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt của Fed ở mức 5,25 - 5,50% giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để đánh giá nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh tăng trưởng và thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi.
Trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm bớt, người tiêu dùng dường như muốn tăng cường chi tiêu hơn trong 6 tháng tới. Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng có ý định mua xe ô tô và các thiết bị gia dụng lớn như tủ lạnh, máy giặt và tivi đều tăng mạnh.
Những cơn gió ngược
Mặc dù không có mối tương quan chặt chẽ giữa niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng sự gia tăng ý định mua hàng cho thấy người tiêu dùng sẽ góp phần củng cố nền kinh tế Mỹ.
Dữ liệu từ Adobe Analytics cho thấy chi tiêu trực tuyến của người tiêu dùng đã tăng 7,8% trong kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn, vượt xa kỳ vọng về mức tăng 5,4%.
Các chuyên gia cho rằng thị trường lao động Mỹ vẫn thể hiện một xu thế khá vững vàng, bất chấp ảnh hưởng từ các đợt nâng lãi suất Fed.
Jesse Wheeler - Hãng tư vấn Morning Consult cho biết: "Thông điệp chính ở đây là nền kinh tế vẫn đang mạnh mẽ nhờ vào thị trường lao động vững vàng. Dù tăng trưởng việc làm đã hạ nhiệt nhưng nó vẫn đang dần đi xuống từ mức cao kỷ lục trước đó và hiện ở mức trung bình khoảng 270.000 việc làm mới mỗi tháng vẫn là một con số đáng kể".
Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều người tiêu dùng dự định mua nhà trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, họ có thể gặp phải thách thức về khả năng chi trả khi lãi suất trên 7% đối với khoản thế chấp trong 30 năm.
Nguồn cung hạn chế cũng thúc đẩy giá nhà đã qua sở hữu ở Mỹ tăng cao. So với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà trung bình đã tăng 3,9% trong tháng 8/2023, lên mức 407.100 USD/căn, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp giá bán trung bình trên mức 400.000 USD/căn.
Theo Lawrence Yun - nhà kinh tế trưởng của NAR, giá nhà ở Mỹ tiếp tục tăng cao mặc dù doanh số bán nhà giảm, và nguồn cung về cơ bản cần tăng gấp đôi để giá nhà ở mức vừa phải.
Nguyên nhân là diễn biến của lãi suất. Chen Zhao, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Redfin cho biết rất nhiều chủ nhà đã vay được các gói lãi suất chỉ 3% trong 30 năm trong thời đại dịch. Do đó, họ không muốn bán nhà vì nếu mua lại căn mới thì phải chịu lãi suất gấp đôi trước kia. "Điều này có nghĩa là người cần mua đang có rất ít lựa chọn nên giá nhà neo cao", ông giải thích.
Thị trường nhà ở Mỹ đang đã phân chia giữa kẻ thắng và người thua. Trong đó, bên thắng là các chủ nhà vay trước khi lãi suất bắt đầu tăng, còn bên thua là những người lần đầu tìm mua nhà lúc này - khi giá gần mức cao kỷ lục và có rất ít lựa chọn.
Nancy Vanden Houten, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics ở New York, cho biết: "Chúng tôi dự đoán giá nhà sẽ yếu đi trong quý 4 và đầu năm tới, do người bán cần đưa ra một số nhượng bộ để thu hút người mua. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng nguồn cung nhà để bán hạn chế sẽ tiếp tục giữ giá sàn".
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement