25/11/2022 10:48
Giám đốc IEA: Nga mất 1.000 tỷ doanh thu từ năng lượng và châu Âu cơ bản vượt qua mùa Đông năm nay
Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về năng lượng ở Berlin do chính phủ Đức tổ chức, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Nga cũng có thể sẽ phải chịu một số tác động tốn kém khi bất hòa với những người mua năng lượng ở châu Âu vì vấn đề Ukraina.
Ông cho biết, với 75% lượng khí đốt xuất khẩu và 55% lượng dầu mỏ của Nga được xuất sang châu Âu trước chiến tranh, Moscow cần tìm thị trường mới cho sản phẩm của mình.
Ông Birol gọi việc mọi người cho rằng Nga chuyển hàng đến châu Á một cách dễ dàng là "hoàn toàn sai lầm", và lưu ý rằng các đường ống dẫn dầu qua Siberia sẽ mất một thập kỷ để xây dựng và các tàu chở dầu cần thời gian gấp 10 lần để đến được với các khách hàng ở phương Đông so với ở châu Âu.
Ngoài ra, việc các công ty công nghệ dầu khí chuyên biệt rời khỏi Nga do lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc sản xuất tại các địa điểm khai thác gặp nhiều thách thức.
Ông Birol cho biết: "Nga chắc chắn sẽ thua trong cuộc chiến năng lượng", đồng thời cho biết thêm rằng IEA đã tính toán Moscow sẽ mất khoảng 1 nghìn tỷ USD doanh thu vào năm 2030 vì cuộc chiến ở Ukraina.
Liên quan đến vấn đề khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, người đứng đầu IEA cho biết hôm thứ Năm (24/11) rằng, châu Âu sẽ có thể đối phó được với tình trạng khan hiếm nguồn cung khí đốt tự nhiên trong những tháng tới nhờ trữ lượng tăng đáng kể, tuy nhiên, lục địa này có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn hơn vào mùa Đông năm sau.
Theo ông Fatih Birol, trừ những điều không lường trước được, "châu Âu sẽ trải qua mùa Đông này với một số vấn đề đau đầu về kinh tế và xã hội" do nỗ lực loại bỏ khí đốt của Nga và chi phí năng lượng gia tăng do chiến ở Ukraina.
"Mùa Đông tới sẽ khó khăn hơn mùa Đông này", ông nói.
Ông Birol nói rằng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu có thể kết thúc hoàn toàn vào năm tới, trong khi nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Trung Quốc có vẻ sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế của nước này phục hồi sau đại dịch.
Trong khi đó, IEA dự báo công suất sản xuất khí đốt vào năm 2023 sẽ ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.
"(Đây) là lý do châu Âu cần chuẩn bị từ hôm nay cho năm tới", ông Birol nói, đồng thời cho biết thêm rằng sự đoàn kết giữa các quốc gia châu Âu là chìa khóa của vấn đề.
Bên cảnh đó, ông Birol cũng lưu ý rằng cuộc khủng hoảng năng lượng cũng có tác động nghiêm trọng đến các quốc gia đang phát triển và nó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch.
"Khi tôi xem xét (nỗ lực đảm bảo) an ninh năng lượng, các cam kết về khí hậu và các động lực thúc đẩy chính sách công nghiệp, tôi lạc quan rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử hoạch định chính sách năng lượng", ông nói.
Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi phải đầu tư năng lượng sạch tăng gấp năm lần so với hiện nay, Birol nói.
(Theo ABC News)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement