Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Mỹ và châu Âu đang ra sức 'chạy đua' với Trung Quốc ở châu Phi, nhưng đã quá muộn!

Kinh tế thế giới

14/08/2023 14:00

Vốn mạnh, được chính phủ ủng hộ, cách tiếp cận mềm dẻo và tốc độ xây nhanh giúp doanh nghiệp Trung Quốc vượt đối thủ Âu, Mỹ tại châu Phi. Giờ đây, các công ty phương Tây lại đang phải vật lộn để kiếm hợp đồng tại thị trường đang phát triển nhanh chóng này.

Cú đảo ngược ngoạn mục 

Vào những năm 1990, khoảng 8 trong số 10 hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi luôn thuộc về các công ty phương Tây. Các công ty Trung Quốc thậm chí còn không được nhắc đến. 

Tuy nhiên, đó là ở thì quá khứ. Khi Trung Quốc đẩy mạnh xâm nhập lục địa này, với chiến lược khuyến khích các công ty Trung Quốc mạnh tay đầu tư ra thị trường nước ngoài để tìm kiếm thị trường và nguyên liệu thô, tất cả đã thay đổi. 

Vào năm 2013, các công ty phương Tây đã điều hành 37% các dự án cơ sở hạ tầng của châu Phi so với 12% của các công ty Trung Quốc thì giờ đây các công ty Trung Quốc chiếm 31% các hợp đồng cơ sở hạ tầng châu Phi trị giá 50 triệu USD trở lên vào năm 2022, so với 12% của các công ty phương Tây.

Sự đảo chiều này không chỉ khiến cổ đông của các công ty phương Tây mà còn cả chính phủ của họ lo lắng. Họ cho rằng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng ở châu Phi đang củng cố ảnh hưởng chiến lược và ngoại giao của Trung Quốc.

Trung Quốc đã thống trị hạ tầng xây dựng ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 1.

Các công ty Trung Quốc đã xây dựng các dự án trị giá hàng tỷ đô la trên khắp châu Phi, từ đường sắt, cầu cống đến đập thủy điện. Ảnh: SCMP

"Đây là một sự thay đổi lớn so với năm 1990, khi các công ty Mỹ và châu Âu giành được 85% hợp đồng xây dựng ở châu Phi", theo nghiên cứu được thực hiện bởi Keith Rockwell, một nhà nghiên cứu cấp cao và cựu giám đốc Tổ chức thương mại thế giới.

Rockwell cho biết, trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được đưa ra vào năm 2013, Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án lớn trị giá hàng tỷ USD như đường sắt các quốc gia châu Phi ở Kenya, Ethiopia và các cảng ở Djibouti, Nigeria. Trong 10 năm, sự tham gia thông qua sáng kiến này đã vượt quá 1.000 tỷ USD trên toàn cầu.

Nghiên cứu cho thấy các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi cận Sahara có tổng trị giá 155 tỷ USD trong hai năm qua và những khoản đầu tư như vậy đã mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy đối với các chính phủ châu Phi. Ngược lại, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào châu Phi chỉ có 44,8 tỷ USD vào năm 2021.

"Với mối quan hệ thương mại và kinh doanh chặt chẽ như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc giành được phần lớn hợp đồng dự án cơ sở hạ tầng", Rockwell nói.

Trung Quốc đã thống trị hạ tầng xây dựng ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 2.

Một kỹ sư Trung Quốc cùng công nhân địa phương tại công trường dự án đường sắt Mombasa-Nairobi ở Emali, Kenya, Ảnh: Reuters

Aly-Khan Satchu, một nhà phân tích địa kinh tế châu Phi cận Sahara, cho biết Trung Quốc đã đổi mới hơn trong tài chính, thực hiện chiến lược xoay trục sang lục địa này cực nhanh. 

"Tất nhiên đã có những sắc thái khác nhau trong trục xoay này. Trong giai đoạn đầu, bảng cân đối kế toán của châu Phi đang nổi lên từ quá trình tái cấu trúc và xóa nợ, do đó có một lượng dư địa đáng kể và hoạt động cho vay của Trung Quốc đã phản ánh điều này trong giai đoạn đầu tích cực của họ", Satchu nói.

Tuy nhiên, Rockwell lưu ý rằng Trung Quốc đang gặp phải một số trở ngại trong các giao dịch với châu Phi. Ông cho biết các dự án bao gồm đường sắt ở Kenya và dự án chiếu sáng giao thông ở Ghana đã gây tranh cãi và tạo ra phản ứng tiêu cực từ công chúng.

Khoản vay cho Vành đai và Con đường đã giảm 55% từ năm 2021 đến năm 2022 xuống còn 7,5 tỷ USD trong khi khoản cho vay tổng thể giảm từ 28,4 tỷ USD năm 2016 xuống còn 1,9 tỷ USD vào năm 2020. 

Các nước phương Tây bắt đầu chạy đua với Trung Quốc 

Trung Quốc rõ ràng đang dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn về các mối quan hệ chính trị và kinh tế ở châu Phi. Thời Donald Trump, Mỹ quay lưng với châu Phi, trong khi quan hệ giữa châu Âu và các thuộc địa châu Phi cũ xấu đi, Trung Quốc đổ xô để lấp khoảng trống.

Điều đó bao gồm việc thăm dò và khai thác các kim loại quan trọng như coban và lithium, những nguyên liệu thô thiết yếu để sản xuất pin sạc cung cấp năng lượng cho xe điện và tấm pin mặt trời.

Trung Quốc đã thống trị hạ tầng xây dựng ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 3.

Các công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn đã vẽ lại bản đồ giao thông của lục địa Châu Phi. Ảnh: CNN

Nghiên cứu lưu ý rằng các công ty Trung Quốc đã vượt qua các đối thủ Mỹ và EU trong việc chuyển đổi kim loại thành nguyên liệu thô cho pin. Các công ty Trung Quốc hiện đang tìm nguồn cung cấp lithium từ Zimbabwe và Namibia trong khi Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia là những nguồn cung cấp coban hàng đầu.

Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết, thị phần của Trung Quốc trong công suất tinh chế lithium toàn cầu là 58% và cho đến khi các cơ sở tương tự đi vào hoạt động ở châu Âu, Mỹ hoặc châu Phi, Trung Quốc sẽ là khách hàng chính đối với lithium của châu Phi.

Brussels và Washington đang chơi trò đuổi bắt. Để chống lại kế hoạch vành đai và con đường của Trung Quốc, Mỹ và các đối tác trong nhóm G7 năm ngoái đã cam kết 600 tỷ USD trong vòng 5 năm cho quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu. Châu Phi có thể sẽ là nơi nhận phần lớn các quỹ này.

Mỹ cũng cam kết tài trợ xây dựng tuyến đường sắt hành lang Lobito để vận chuyển khoáng sản từ DRC và Zambia đến cảng trên bờ biển Đại Tây Dương của Angola.

Liên minh châu Âu vào năm 2021 huy động khoản đầu tư lên tới 300 tỷ euro (330 tỷ USD) từ năm 2021 đến 2027 để chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các nước đang phát triển, bao gồm cả ở châu Phi.

Satchu cho biết Trung Quốc có "sự dẫn đầu không thể thay thế được" ở châu Phi, với số lượng đầu tư đáng kể trên thực địa sau hơn hai thập kỷ qua. Cả Mỹ và châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa trong bối cảnh cuộc chiến giành khoáng sản, thứ sẽ cung cấp năng lượng cho nền kinh tế mới.

(Nguồn: SCMP)

THANH TRÚC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement