Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chiến thắng lớn của Tổng thống Trump khi dự luật thuế và chi tiêu được thông qua

Kinh tế thế giới

04/07/2025 12:27

Cuộc đàm phán vào sáng sớm đã đủ thuyết phục các nghị sĩ bảo thủ trong Hạ viện Mỹ ủng hộ dự luật với tỷ lệ sít sao 218 - 214.

Theo tờ The Guardian, ngày 3/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật thuế và chi tiêu quy mô lớn của Tổng thống Donald Trump, mang lại thắng lợi lập pháp quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Trump để ký thành luật. Đây là văn kiện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trục xuất người nhập cư trái phép và cắt giảm các chương trình an sinh xã hội liên bang.

Ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên, Tổng thống Trump đã có những phát biểu chúc mừng sự kiện quan trọng này.

Trong bài viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 3/7, ông Trump thông báo: “Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vừa thông qua “dự luật to đẹp”. Đảng của chúng ta đang đoàn kết hơn bao giờ hết, và đất nước chúng ta đang “sôi động”. Ngày mai 4/7, lúc 4 giờ chiều theo giờ miền Đông, chúng ta sẽ tổ chức Lễ ký kết tại Nhà Trắng. Tất cả các nghị sĩ Hạ viện, Thượng viện đều được mời tham dự. Cùng nhau, chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Độc lập của đất nước, và khởi đầu cho thời đại hoàng kim mới. Người dân Mỹ sẽ trở nên giàu có hơn, an toàn hơn và tự hào hơn bao giờ hết”.

Chiến thắng lớn của Tổng thống Trump khi dự luật thuế và chi tiêu được thông qua- Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump đi bộ vào ngày diễn ra sự kiện "One Big Beautiful" tại Nhà Trắng ở Washington, DC., Mỹ, ngày 26/6/2025. Ảnh: REUTERS

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều tuần tranh cãi quanh dự luật mà ông Trump yêu cầu phải sẵn sàng để ký vào đúng dịp Quốc khánh 4/7. Được các đồng minh đảng Cộng hòa trong Quốc hội soạn thảo và bị toàn bộ đảng Dân chủ bác bỏ, dự luật đã trải qua hành trình đầy bất định với nhiều cuộc bỏ phiếu thâu đêm ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện cùng các cuộc thương lượng kéo dài đến tận giờ chót. 

Cuối cùng, các nghị sĩ Cộng hòa từng phản đối về chi phí và nội dung của dự luật đã phải nhượng bộ, chỉ còn hai người bỏ phiếu chống: ông Thomas Massie, một nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của bang Kentucky và ông Brian Fitzpatrick, đại diện bang Pennsylvania.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson phát biểu ngay trước giờ bỏ phiếu: “Chúng ta đã chờ đủ lâu, một số người trong chúng ta đã thức trắng nhiều ngày liền. Nhưng hôm nay là một ngày cực kỳ quan trọng trong lịch sử đất nước. Chỉ với một dự luật to lớn, mạnh mẽ và tuyệt vời, chúng ta sẽ làm cho đất nước này mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn bao giờ hết, rồi mọi người dân Mỹ đều sẽ hưởng lợi từ điều đó”.

Dự luật dự kiến sẽ đẩy nhanh và mở rộng các hoạt động trục xuất của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE), đồng thời có khả năng hiện thực hóa tham vọng lâu nay của ông Trump về việc xây tường dọc biên giới với Mexico.

Dự luật cũng giáng đòn mạnh vào nỗ lực của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu khi loại bỏ dần các ưu đãi thuế do cựu Tổng thống Joe Biden đưa ra nhằm thúc đẩy đầu tư vào ô tô điện, điện gió, điện mặt trời và các công nghệ năng lượng xanh khác.

Trọng tâm của dự luật là gia hạn vĩnh viễn các đợt cắt giảm thuế từng được thực hiện năm 2017 dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đồng thời bổ sung các khoản miễn thuế tạm thời cho tiền boa, lương làm thêm giờ và lãi vay mua xe. Đây là những lời hứa mà ông đã đưa ra với cử tri trong chiến dịch tranh cử năm 2024.

Những chính sách này sẽ khiến ngân sách chính phủ mất đi hàng nghìn tỷ USD. Để bù đắp chi phí, đảng Cộng hòa đã thông qua hàng loạt cắt giảm đối với Medicaid (chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho người nghèo và người khuyết tật) cũng như Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP).

Những thay đổi đó có thể khiến hàng triệu người mất quyền lợi, nhưng dự luật vẫn gây tốn kém. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính dự luật sẽ làm tăng nợ công thêm 3.300 tỷ USD đến năm 2034.

Nghị sĩ Massie giải thích lý do phản đối trên mạng X: “Dự luật này sẽ làm thâm hụt ngân sách Mỹ tăng mạnh trong ngắn hạn, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người dân khi lạm phát kéo dài và lãi suất cao”.

Nghị sĩ Fitzpatrick thì ra tuyên bố nói rằng chính các sửa đổi của Thượng viện đối với Medicaid, cùng nhiều điều khoản khác, đã khiến ông phải thay đổi quan điểm và bỏ phiếu chống.

Đảng Dân chủ chỉ trích dự luật vì phá bỏ các chương trình chống đói nghèo để tài trợ giảm thuế cho giới giàu. Các phân tích chỉ ra rằng những người thu nhập cao được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách thuế của ông Trump.

Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, ông Hakeem Jeffries, đã nỗ lực ngăn chặn dự luật khi phát biểu liên tục trong suốt 8 giờ 44 phút - một khoảng thời gian dài kỷ lục. Ông nói: “Điều này thật bất thường. Một cuộc tấn công vào người dân bình thường, trẻ em, cựu chiến binh, người cao tuổi và người khuyết tật. Thật không thể tin nổi, tất cả những điều đó đều nằm trong dự luật này”.

Chiến thắng lớn của Tổng thống Trump khi dự luật thuế và chi tiêu được thông qua- Ảnh 2.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Trump coi dự luật là chìa khóa cho thành công trong nhiệm kỳ hai và đảng Cộng hòa đã đặt ưu tiên cao nhất cho việc thông qua văn kiện này. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì đảng này chỉ giành được đa số sít sao tại cả Hạ viện và Thượng viện sau cuộc bầu cử tháng 11/2024, chỉ có thể chịu tối đa ba phiếu chống ở mỗi viện.

Dù ủng hộ ông Trump, nhưng các nghị sĩ Cộng hòa vẫn chia rẽ về nhiều vấn đề. Có người muốn cắt giảm chi tiêu mạnh tay, xóa nhanh ưu đãi năng lượng xanh và mở rộng khấu trừ thuế chủ yếu có lợi cho các bang do đảng Dân chủ kiểm soát. Trong khi đó, một số người muốn điều chỉnh ôn hòa hơn. Qua nhiều tuần thương lượng, ban lãnh đạo đảng Cộng hòa đã tìm được tiếng nói chung.

Ông Trump cũng dường như đã nhượng bộ một số nghị sĩ bảo thủ thuộc nhóm Tự do trong Hạ viện tại cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 2/7 và các cuộc trao đổi sau đó, trong bối cảnh cố vấn của ông nỗ lực bảo đảm dự luật được thông qua mà không phải quay lại Thượng viện.

Chi tiết các nhượng bộ hiện chưa được tiết lộ. Chủ tịch nhóm Tự do tại Hạ viện, ông Andy Harris, từ chối nêu cụ thể. Ông nói: “Nhìn vào toàn bộ gói chính sách, các thỏa thuận đáng kể mà chúng tôi đạt được với chính quyền trong 24 giờ qua đã khiến văn kiện này tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi đã thỏa thuận với tổng thống”.

Theo quy định về hòa giải ngân sách, dự luật chỉ có thể tác động đến thu - chi và trần nợ, cho phép đảng Cộng hòa né được nguy cơ bị phe Dân chủ tại Thượng viện ngăn cản bằng cách tranh luận vô thời hạn. Trước đó, Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát dưới thời ông Biden cũng dùng cách này để thông qua các đạo luật phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và giảm phát thải carbon.

Dự luật của ông Trump phân bổ 45 tỷ USD cho các cơ sở giam giữ của ICE, 14 tỷ USD cho hoạt động trục xuất và thêm hàng tỷ USD nữa để tuyển dụng 10.000 đặc vụ mới trước năm 2029. Thêm 50 tỷ USD sẽ được chi cho tường biên giới và các công trình kiên cố hóa khác.

Người tham gia chương trình Medicaid và SNAP sẽ đối mặt với yêu cầu mới về lao động, đồng thời các bang lần đầu tiên phải chia sẻ chi phí của chương trình SNAP. CBO ước tính các thay đổi về Medicaid có thể khiến tới 11,8 triệu người mất bảo hiểm y tế; còn Trung tâm Ưu tiên Chính sách và Ngân sách (CBPP) dự đoán khoảng 8 triệu người, tương đương 1/5 số người hưởng SNAP, có thể mất trợ cấp.

Dự luật cũng buộc các bang thay đổi cơ chế đánh thuế nhà cung cấp dịch vụ y tế – nguồn tài chính cho phần đóng góp của bang vào Medicaid. Điều này sẽ gây thêm áp lực tài chính cho các bệnh viện ở vùng nông thôn. Khi dự luật còn ở Thượng viện, một quỹ trị giá 50 tỷ USD đã được bổ sung để hỗ trợ các cơ sở này.

THÙY DƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement