11/11/2023 10:05
Moody's hạ triển vọng nợ của Mỹ xuống 'tiêu cực'
Moody’s Investor Service vừa hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực” vì những rủi ro liên quan tới sức mạnh tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hãng xếp hạng tín nhiệm hạ triển vọng tín nhiệm, đồng thời giữ xếp hạng của Mỹ ở mức "AAA", mức cao nhất trong hạng đầu tư. Cơ quan này cho biết trong bối cảnh lãi suất cao, không có biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả nào để giảm chi tiêu của chính phủ Mỹ hoặc tăng doanh thu.
Moody's dự báo, thâm hụt tài chính của Mỹ sẽ vẫn rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất từ gần 0 vào tháng 3 năm ngoái lên khoảng 5,25-5,5% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực đó đã đẩy lãi suất vay chuẩn lên cao.
Ngoài chi phí lãi vay tăng mạnh, Moody's còn nhấn mạnh những nguy cơ chính trị trong Quốc hội Mỹ đang tiếp tục làm tăng nguy cơ các chính phủ kế nhiệm sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài chính, làm chậm khả năng chi trả nợ.
Moody's là công ty xếp hạng tín nhiệm duy nhất trong 3 ông lớn xếp hạng tín nhiệm vẫn còn duy trì mức xếp hạng cao nhất dành cho nước Mỹ. Trước đó, Fitch Ratings đều đã hạ bậc tín nhiệm của Mỹ vì cuộc chiến trần nợ. Còn S&P Global Ratings đã hạ bậc của Mỹ trong năm 2011 giữa cuộc khủng hoảng trần nợ năm đó.
Động thái cắt giảm triển vọng của Moody được đưa ra khi Quốc hội Mỹ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa chính phủ một lần nữa. Hiện tại, chính phủ được tài trợ cho đến ngày 17/11, nhưng các nhà lập pháp ở Washington vẫn chưa thống nhất về một dự luật trước thời hạn. Khi các cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 đang gần kề, việc gầy dựng sự đồng thuận sẽ ngày càng khó hơn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn đã tăng lên mức đỉnh 16 năm. Dữ liệu cho thấy thâm hụt ngân sách đã gấp đôi lên mức 2.000 tỷ USD trong năm tài chính gần nhất. Các khoản thanh toán lãi vay liên bang sẽ chiếm tương ứng 26% nguồn thu của chính phủ và 4,5% GDP vào năm 2033, tăng từ mức 9,7% và 1,9% trong năm 2022.
Những dự báo này cũng phản ánh khả năng lãi suất cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn, với lợi suất trung bình của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm được dự báo đạt đỉnh 4,5% vào năm 2024.
Ed Al-Hussainy, Chiến lược gia lãi suất toàn cầu tại Columbia Threadneedle Investments, chia sẻ. "Điều quan trọng không phải là bậc xếp hạng, mà là lời nhắc nhở cho thị trường rằng rủi ro tài khóa ngày càng lớn hơn".
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tỏ ra không hài lòng với bảng xếp hạng lần này của Moody's. Wally Adeyemo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Chúng tôi không đồng ý với việc chuyển sang triển vọng tiêu cực. Nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và chứng khoán kho bạc là tài sản an toàn và thanh khoản ưu việt trên thế giới".
Adeyemo nói thêm rằng, chính quyền đã "thể hiện cam kết của mình đối với sự bền vững tài chính, bao gồm cả việc giảm thâm hụt hơn 1.000 tỷ USD trong thỏa thuận giới hạn nợ tháng 6", cũng như các đề xuất ngân sách của tổng thống Joe Biden nhằm giảm thâm hụt trong thập kỷ tới.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng phát biểu rằng, quyết định thay đổi quan điểm của Moody là một hậu quả khác của chủ nghĩa cực đoan và rối loạn chức năng của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội, đồng thời cáo buộc đảng này "giữ toàn bộ niềm tin và tín dụng của quốc gia làm con tin".
(Nguồn: FT/CNBC)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement