01/02/2024 14:30
LHQ: Nền kinh tế Gaza có thể mất nhiều thập kỷ để phục hồi
Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư (31/1) cho biết sẽ cần hàng chục tỷ USD để xây dựng lại Gaza khi cuộc chiến của Israel chống lại Hamas kết thúc.
Hội nghị LHQ về Thương mại và phát triển (UNCTAD) ước tính trong một báo cáo rằng vào cuối tháng 11, 37.379 tòa nhà - tương đương 18% tổng số công trình của Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy trong cuộc tấn công quân sự của Israel.
UNCTAD tổ chức nhằm cung cấp các phân tích kinh tế và thương mại để giúp đỡ các nước đang phát triển, cho biết kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Dải Gaza sau cuộc tấn công chết người của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7/10, điều kiện sống đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Tổ chức này cho rằng cần có viện trợ quốc tế khổng lồ, đặc biệt nếu mục tiêu là đưa Gaza đạt được mức sống bền vững hơn.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, số tiền đó sẽ lên tới vài chục tỷ đô la theo bất kỳ ước tính thận trọng nào", báo cáo cho biết.
Theo cơ quan thương mại của Liên hợp quốc, việc phục hồi nền kinh tế của Gaza sau hoạt động quân sự hiện tại sẽ đòi hỏi cam kết tài chính, gấp nhiều lần con số 3,9 tỷ USD thu được từ hoạt động quân sự năm 2014 ở Gaza và sẽ liên quan đến nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm khôi phục trước xung đột.
Nền kinh tế của Gaza đã rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng vào năm 2022 và nửa đầu năm 2023, với nền kinh tế của khu vực này giảm 4,5% trong ba quý đầu năm 2023.
Theo báo cáo, "2/3 dân số sống trong cảnh nghèo đói và 45% lực lượng lao động thất nghiệp trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự mới nhất".
UNCTAD cho biết vào tháng 12/2023, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức báo động 79,3%.
"Hoạt động quân sự đã đẩy nhanh tốc độ suy giảm đáng kể và khiến GDP [tổng sản phẩm quốc nội] giảm 24% và GDP bình quân đầu người giảm 26,1% trong cả năm", báo cáo cho biết thêm.
Báo cáo nêu rõ rằng ngay cả khi quá trình tái thiết bắt đầu ngay lập tức và Gaza trở lại mức tăng trưởng trung bình 0,4% trong 15 năm qua, thì lãnh thổ này sẽ phải mất 7 thập kỷ mới trở lại mức GDP năm 2022.
Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phá vỡ chu kỳ hủy diệt và tái thiết ở Gaza, vốn đã bị cản trở bởi hàng thập kỷ chiếm đóng và phong tỏa.
Để thúc đẩy tăng trưởng, cơ quan thương mại của Liên Hợp Quốc đề xuất các sáng kiến quan trọng như khôi phục Sân bay Quốc tế Gaza, xây dựng cảng biển và cho phép chính phủ Palestine phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi để tài trợ cho việc sửa chữa cơ sở hạ tầng.
Phát biểu cùng ngày, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cho rằng người dân Gaza đang chết đói do những hạn chế áp đặt đối với công tác viện trợ nhân đạo.
Theo ông, nguy cơ xảy ra nạn đói ở vùng lãnh thổ này của Palestine vốn đã ở mức cao và giờ còn nghiêm trọng hơn trong bối cảnh không gian can thiệp nhân đạo ngày càng bị thu hẹp ở mọi phương diện.
Nhấn mạnh rằng "người dân Palestine tại Dải Gaza đang sống trong một thảm họa lớn" và tình hình có thể còn trở nên tồi tệ hơn nữa, ông Ryan nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo an toàn cho người dân Gaza cũng như các cơ sở y tế của họ.
Trong phát biểu của mình, ông Ryan cũng nhấn mạnh rằng người dân tại Gaza không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào viện trợ lương thực.
Việc phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng, sống trong không gian quá đông đúc và cái lạnh bủa vậy do thiếu nơi trú ẩn sẽ có thể tạo điều kiện cho các dịch bệnh lớn bùng phát, đặc biệt là ở trẻ em.
(Nguồn: Thenational News/TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement